Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Đồng hành cùng người dân vượt khó

Biên phòng - Đứng chân trên vùng đất khó, BĐBP Điện Biên đã cố gắng không ngừng để tạo nên những thay đổi mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới (KVBG). Bên cạnh việc giúp dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống, BĐBP Điện Biên đã kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch lợi dụng vấn đề dân tộc để tuyên truyền, kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Cán bộ Biên phòng tăng cường xã biên giới Si Pa Phìn hướng dẫn người dân bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ triển khai mô hình nuôi trâu vỗ béo. Ảnh: Anh Dũng

Xét về yếu tố địa hình, lịch sử, văn hóa, KVBG Điện Biên (gồm 29 xã thuộc 4 huyện Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ và Mường Nhé) có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương khác. Có tới 16 dân tộc cùng sinh sống tại KVBG Điện Biên, trong đó, dân tộc Mông đông nhất, chiếm 49,85%, dân tộc Thái chiếm 23,97%. Sự đa dạng về tộc người, khác biệt về văn hóa và trình độ nhận thức của người dân cũng như giữa các dân tộc không đồng đều chính là một trong những yếu tố khiến công tác dân tộc ở Điện Biên gặp nhiều thử thách.

Phá tan âm mưu thành lập nhà nước riêng

Trước những khó khăn, thách thức từ thực tế, thực hiện Chỉ thị số 572-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về Quân đội thực hiện công tác dân tộc trong tình hình mới” (2012-2022), BĐBP Điện Biên đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã biên giới triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm giữ vững ổn định về an ninh, trật tự vùng dân tộc thiểu số, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong những năm trước đây, KVBG Điện Biên là trọng điểm của tình trạng di dịch cư tự do. Đặc biệt, ở vùng người Mông di cư tự do, các đối tượng phản động lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để tăng cường truyền đạo trái phép, lôi kéo người dân tụ tập đông người biểu tình, chống đối chính quyền, đòi thành lập nhà nước riêng.

Trước thực trạng đó, BĐBP Điện Biên thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nắm tình hình địa bàn, tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ gia đình theo tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” (thực chất là lôi kéo người Mông tham gia hoạt động ly khai tự trị dân tộc) tự giác từ bỏ tà đạo, chuyển sang theo các hệ phái tôn giáo chính thống, được Nhà nước cho phép.

Trong 10 năm qua, BĐBP Điện Biên đã tham mưu thành lập thêm 7 đảng bộ xã, 115 chi bộ bản, xóa 99 bản chưa có đảng viên; tham gia củng cố 2.149 chi bộ thôn, bản; 1.837 tổ chức chính trị - xã hội ở 29 xã biên giới; tham mưu quy hoạch nhân sự phục vụ việc chia tách, thành lập mới 14 xã đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn.

Cùng với đó, BĐBP Điện Biên đã tham mưu giải quyết kịp thời một số vụ việc phức tạp như: Tranh chấp địa giới hành chính giữa nhân dân xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ với xã Nậm Kè,huyện Mường Nhé; chặt phá rừng tại bản Na Cô Sa 4, xã Na Cô Sa; đền bù giải phóng mặt bằng tại bản Ca Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên; chống người thi hành công vụ tại bản Huổi Thủng 3, xã Na Cô Sa; tranh chấp đất đai tại xã Thanh Luông và xã Mường Pồn, huyện Điện Biên... Đồng thời, vận động được 7.916 hộ/42.777 nhân khẩu không di dịch cư tự do, ổn định lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Trên cơ sở nắm chắc địa bàn, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp, BĐBP Điện Biên đã vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, kích động, tập hợp lực lượng thành lập “Nhà nước Mông”, gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đồng bào dân tộc thiểu số ở KVBG; củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước và lực lượng BĐBP, góp phần giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở KVBG.

Tăng cường sức mạnh cho cơ sở

Với trách nhiệm của những người lính, những năm qua, BĐBP Điện Biên còn cử nhiều cán bộ tăng cường cho các xã biên giới nhằm tham mưu, giúp các địa phương tăng cường sức mạnh cho hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Hiện nay, BĐBP Điện Biên có 4 cán bộ tham gia cấp ủy 4 huyện biên giới, 9 đồng chí là đại biểu HĐND cấp huyện, xã biên giới, 29 cán bộ tăng cường cho các xã biên giới giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã, 83 đảng viên tham gia sinh hoạt tại 83 chi bộ thôn, bản biên giới và 387 đảng viên phụ trách 1.634 hộ gia đình ở KVBG. Cán bộ, đảng viên BĐBP đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp chính quyền địa phương nâng cao chất lượng sinh hoạt của các tổ chức chính trị, củng cố, kiện toàn các tổ chức đoàn thể.

Cán bộ Đồn Biên phòng Thanh Luông, BĐBP Điện Biên tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Anh Dũng

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, BĐBP Điện Biên tham mưu, phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh và cấp ủy, chính quyền các huyện, xã biên giới tổ chức bố trí, sắp xếp ổn định dân cư ở KVBG nói chung và trực tiếp triển khai sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn huyện Mường Nhé nói riêng đạt được nhiều kết quả thiết thực, giúp nhân dân các dân tộc ổn định cuộc sống.

Nổi bật là BĐBP Điện Biên phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng và bố trí ổn định tái định cư cho hơn 200 hộ dân lòng hồ thủy điện Sơn La ở xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, 39 hộ dân ở bản Nậm San 2, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé; phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Chung Chải, huyện Mường Nhé tiến hành khảo sát vị trí quy hoạch 8 điểm nhóm dân cư bản Pá Lùng, giãn dân tại 2 bản: Cây Muỗm và Húi To.

Với vai trò là chủ đầu tư, BĐBP Điện Biên đã di chuyển và bố trí, sắp xếp đất ở cho 86/89 hộ dân 2 bản Hua Sin 1, Hua Sin 2 thuộc xã Chung Chải. Đồng thời, chia đất sản xuất; hỗ trợ làm nhà cho 86/86 hộ dân... Hiện nay, các hộ dân ở 2 bản Hua Sin 1 và Hua Sin 2 đã ổn định cuộc sống.

Với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất cho người dân, BĐBP Điện Biên trực tiếp giúp đỡ các hộ dân xóa đói, giảm nghèo với các mô hình sinh kế hiệu quả như mô hình tặng bò sinh sản, nuôi cá nước ngọt... Cùng với đó, BĐBP Điện Biên huy động các nguồn lực xây dựng 1 nhà bán trú dân nuôi, 6 điểm trường, 1 trạm quân dân y kết hợp; làm nhà cho hộ nghèo... Với sự góp sức của BĐBP Điện Biên, hiện nay, có 6 xã biên giới được công nhận xã nông thôn mới và 8 xã biên giới cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Từ năm 2019 đến nay, BĐBP Điện Biên đã phối hợp tuyên truyền, vận động được 105 hộ/709 tín đồ ký cam kết từ bỏ tà đạo “Giê Sùa”, “Bà Cô Dợ” quay lại các hệ phái tôn giáo chính thống được Nhà nước cho phép. Đến nay, với sự vào cuộc của BĐBP Điện Biên, tà đạo “Giê Sùa” đã bị xóa bỏ trên địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên.

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO