Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 03/06/2023 07:12 GMT+7

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi

Biên phòng - Thời gian gần đây, tình trạng tàu cá của ngư dân một số địa phương ven biển, trong đó có ngư dân Khánh Hòa bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử phạt hoặc bị tàu cá các nước trong khu vực uy hiếp và đâm chìm khi đang đánh bắt tại các ngư trường xa bờ xảy ra khá phức tạp. Để giúp ngư dân tự bảo vệ mình, vững tin trong việc vươn khơi, bám biển làm ăn, công tác tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân luôn được các đơn vị BĐBP Khánh Hòa chú trọng thực hiện với rất nhiều nỗ lực.

01p3_16a
 Đồn BP Cầu Bóng tổ chức truyền thông, trang bị kiến thức pháp luật cho ngư dân phường Vĩnh Phước. Ảnh: Phương Oanh 

Nỗi buồn giữa mùa biển

Ngồi cùng chúng tôi trong căn nhà nhỏ của mình ở làng biển Hà Ra, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, ông Phạm Tĩnh (50 tuổi), một ngư dân kỳ cựu trong nghề đánh bắt bằng lưới vây không giấu được nỗi buồn khi nhắc về sự cố chiếc tàu KH 97579 TS của ông bị chìm trong cuộc “giáp mặt” với tàu Kiểm ngư của Indonesia 2 tháng trước.

Ông Tĩnh cho biết, chuyến biển xui rủi ấy, ông không có trên tàu vì phải đưa vợ vào TP Hồ Chí Minh chữa trị căn bệnh ung thư. Ông giao tàu cá KH 97579 TS cho người em rể Lê Văn Triệu làm Thuyền trưởng điều hành. Hôm ấy, tàu cá do anh Triệu điều khiển cùng 5 tàu đồng đội đang thả lưới, trên ngư trường thuộc vùng biển Việt Nam, đột nhiên một chiếc tàu Kiểm ngư Indonesia từ đâu xuất hiện.

“Cho rằng đội tàu chúng tôi xâm phạm ngư trường, họ dùngvũ khí trấn áp, bắt tất cả  ngư dân dồn lên tàu kiểm ngư của họ rồi cho thủy thủ Indonesia qua điều khiển 5 tàu cá, định kéo về bên phía biển Indonesia” - Ông Tĩnh nói. Trong lúc hoảng loạn, may mắn một thuyền viên nhớ ra, cách đó không lâu, tàu Cảnh sát Biển 8005 của mình vừa đi qua khu vực này. Rất nhanh, anh thuyền viên chạy xuống buồng ca bin, tra vào bảng chỉ dẫn tần số đàm thoại của tàu Cảnh sát Biển 8005 và gọi kêu cứu.

Gần 2 giờ sau, khi các thủy thủ Indonesia đang loay hoay chỉnh động cơ để điều khiển tàu ngư dân về bên vùng biển nước họ thì tàu Cảnh sát Biển 8005 đã kịp đến hỗ trợ. Lực lượng Cảnh sát Biển đã dùng loa tuyên truyền, khẳng định đây là vùng biển thuộc lãnh hải Việt Nam, đề nghị phía Kiểm ngư Indonesia thả ngư dân và trả lại các tàu cá.

45 ngư dân cùng 4 chiếc tàu cá trong tổ đánh bắt đã được giải vây ngay sau đó. Trong khi đó, chiếc tàu cá của ông Tĩnh do một thủy thủ Indonesia điều khiển, giữa lúc vội chạy đã cắt ngang và đâm vào mũi tàu Cảnh sát Biển 8005 khiến con tàu vỡ mạn, nước tràn vào, lại gặp sóng to, gió lớn khiến tàu chìm nhanh không thể cứu vãn.

Ông Tĩnh còn cho biết, đây là chuyến biển đầu tiên sau khi gia đình đại tu con tàu tiêu tốn thêm 500 triệu đồng. Vậy là, tất cả tiền của, tài sản cả gia đình tích góp, vay mượn đầu tư vào con tàu đã tan trong lòng biển cả. “Hằng ngày đi ngang qua cầu Bóng, tôi không dám nhìn về bến neo tàu. Ngẫm nghĩ, mình đang sở hữu chiếc tàu hơn 4 tỷ đồng, giờ chỉ còn hai bàn tay trắng, sống nhờ vào tiền vay mượn của anh em mà ứa nước mắt” - Ông Tĩnh buồn bã thổ lộ.

Tương tự hoàn cảnh ông Tĩnh, từng là chủ con tàu đánh bắt xa bờ công suất hơn 400 mã lực, ngư dân Nguyễn Văn Thì ở phường Vĩnh Phước cũng đang rơi vào cảnh trắng tay sau 6 tháng ngồi tù vì bị cơ quan chức năng Indonesia kết tội xâm phạm ngư trường. “Không đủ tiền nộp phạt, tôi buộc chấp nhận mãn hạn tù mới trở về. Còn tàu cá của tôi cũng đã bị lực lượng chức năng Indonesia tiêu hủy ngay sau khi bắt giữ” - Ông Thì nói.

Với người đàn ông có hơn 40 năm vùng vẫy giữa biển khơi này, những chuỗi ngày “xuất ngoại” bất đắc dĩ ở xứ người là khoảng thời gian dài đằng đẵng. “Suốt ngày chúng tôi chỉ quanh quẩn trong khu nhà giam, ngóng chờ tin tức của gia đình, chủ tàu và mong được sớm trả tự do”.

vrqj_16b
Trung úy Vũ Thành Hiếu (bên phải), Trạm trưởng Trạm KSBP Cầu Bóng động viên gia đình ngư dân Phạm Tĩnh sau sự cố mất tàu khi giáp mặt với tàu Kiểm ngư Indonesia. Ảnh: Phương Oanh  

Hành trang kiến thức pháp luật

Trung úy Vũ Thành Hiếu, Trạm trưởng Trạm KSBP Cầu Bóng cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có 10 tàu cá của ngư dân phường Vĩnh Phước bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử phạt. Đây là sự cố chưa từng có từ trước đến nay tại làng biển này.

Nhiều năm gần đây, số lượng tàu thuyền khai thác tăng nhanh, trong khi đó, sản lượng cá trên ngư trường sụt giảm khiến một số ngư dân đánh liều, di chuyển đến vùng tranh chấp để khai thác. Ngoài ra, có trường hợp tàu thuyền hỏng máy trôi dạt hay trong tình huống chạy trú tránh gió bão. “Dù bất cứ lý do gì, một khi đã rơi vào vòng lao lý, các gia đình đều đối mặt với cảnh tán gia, bại sản” - Trung úy Hiếu nói.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tân, Chính trị viên Đồn BP Cầu Bóng cho biết, trước tình cảnh nhiều ngư dân trên địa bàn bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, xử phạt, đơn vị xác định, điều quan trọng nhất hiện nay là phải trang bị cho ngư dân cách thức tự bảo vệ mình, đi cùng đó là việc nắm bắt và chấp hành nghiêm pháp luật.

Ông Nguyễn Tấn Lầu, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Vĩnh Phước bày tỏ cảm kích: “Trước bất kỳ vụ việc nào, hễ khi ngư dân cần như tàu thuyền gặp sự cố, bị hư hỏng cần lai dắt, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cầu Bóng đều có mặt, kịp thời hỗ trợ ngư dân. Những việc làm đó không chỉ được thực hiện với trách nhiệm của người lính mà bằng cả tâm huyết, tình thương. Tình cảm ấy khiến chúng tôi ấm lòng giữa công cuộc mưu sinh đầy gian nguy bất trắc trên biển.

Dự một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân phường Vĩnh Phước do cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Cầu Bóng phối hợp UBND phường Vĩnh Phước tổ chức mới đây, chúng tôi thực sự cảm động bởi chứng kiến sự “hội tụ”, sẻ chia của người đứng trên bục giảng thực hiện sứ mệnh tuyên truyền với hàng trăm ngư dân chăm chú lắng nghe dưới hội trường.

Từ những hình ảnh sống động qua phần trình chiếu Powerpoint, cùng những nội dung thông tin, câu chuyện lịch sử thật súc tích, Thiếu tá Nguyễn Văn Tân đã truyền cho ngư dân “ngọn lửa” của tinh thần quyết tâm vươn khơi, bám biển làm ăn, gìn giữ chủ quyền biển đảo ngàn đời thiêng liêng của dân tộc. Bên cạnh đó, các kiến thức mốc tọa độ, phân định ranh giới từng vùng biển hay các điều khoản luật pháp, những nghị định, quy định đối với tàu thuyền khi hoạt động trên biển cũng được anh giới thiệu một cách cụ thể, dễ hiểu.

Người nghe còn được thu hút bởi những thông tin mới về tình hình Biển Đông, chủ trương của Đảng, Chính phủ trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển, các chính sách hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi làm ăn. Đồng thời, các giải pháp giúp ngư dân bảo vệ an toàn cho mình như đi đánh bắt theo từng tổ đội, hay tàu thuyền ra biển phải mở thiết bị định vị vệ tinh 24/24 giờ để các cơ quan chức năng trong bờ tiện việc theo dõi, cảnh báo, bảo vệ ngư dân đã được người Chính trị viên chia sẻ cặn kẽ. Chỉ gần hai giờ “truyền thông”, song từng câu chuyện dẫn dụ, từng lời giải thích của người Chính trị viên như thấm vào những suy tư, thỏa mãn nhu cầu nắm bắt kiến thức, thông tin và giải đáp được những băn khoăn của mỗi ngư dân đang tham dự.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO