Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 29/09/2023 07:13 GMT+7

Đồng hành cùng hệ thống đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Biên phòng - Tại các tỉnh phía Nam, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu, hệ thống ống dẫn khí từ biển vào bờ được BĐBP và Cảnh sát Biển tham gia bảo vệ. Chỉ tính riêng trong năm 2021, hơn 7 tỷ mét khối khí đốt hóa lỏng (LPG) được khai thác và đưa vào bờ, phục vụ cho việc sản xuất 15% tổng lượng điện, 70% đạm, đáp ứng 70% khí hóa lỏng trong cả nước.

PV Gas tham gia chuỗi giá trị khí để phục vụ nhiều mục đích dân sinh. Ảnh: Tư liệu

Trong các lĩnh vực kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, PV Gas (Công ty Khí Việt Nam) luôn là đơn vị có nhiều điểm nhấn. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị này đã có báo cáo về việc vượt chỉ tiêu sản xuất và cung cấp hơn 1 triệu tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế 260,9 ngàn tấn), bằng 99% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn cả nước; sản xuất và cung cấp 56,8 ngàn tấn condensate(để sản xuất ra các sản phẩm như xăng, dầu hỏa, diesel, fuel oil hoặc làm dung môi công nghiệp); tổng doanh thu đạt 54.560,6 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 8.676,7 tỷ đồng, nộp Ngân sách Nhà nước 3.626,5 tỷ đồng.

Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đơn vị này vẫn vận hành ổn định, cung cấp được gần 7.094 tỷ mét khối khí khô; sản xuất và cung cấp trên 61,2 ngàn tấn condensate, gần 1.976 triệu tấn LPG, tiếp tục duy trì cung cấp khí ổn định để sản xuất gần 15% sản lượng điện, 70% đạm, đáp ứng gần 70% thị phần khí hóa lỏng của cả nước. Kết quả doanh thu gần 80 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 10,5 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8,38 ngàn tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước gần 6 ngàn tỷ đồng, là đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Từ năm 2000 đến nay, riêng lượng khí hóa lỏng từ mỏ khí Nam Côn Sơn đã vận chuyển vào bờ hơn 100 tỷ mét khối khí và 23 triệu thùng condensate, có thời điểm lượng khí do dự án cung cấp đã góp phần sản xuất khoảng 40% tổng sản lượng điện cho cả nước.

Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, các khu công nghiệp Phú Mỹ 1, 2, 3, Cái Mép, Mỹ Xuân B, Mỹ Xuân B1 Đại Dương, Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng, All Wells… hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp điện lực, hóa chất, phân bón, công nghiệp sản xuất thép, vật liệu xây dựng… đều được giới thiệu lợi thế thu hút đầu tư như: Cảng sông tổng hợp, bãi container, kho ngoại quan, hệ thống xử lý nước thải, nhà xưởng cho thuê, công nghiệp phụ trợ. Mỏ khí Nam Côn Sơn hiện nay cung cấp phần lớn cho các nhà máy điện, đạm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai.

Nhà máy xử lý khí Dinh Cố tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Văn Chương

Đi trên đường phố của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hình ảnh đường ống dẫn khí xuất hiện thường xuyên trên các bảng hiệu, mang lại cảm giác về một mạch máu không ngừng vận hành. Cuối năm 2021, dự án nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và kho chứa khí đốt hóa lỏng (LPG) lớn nhất Đông Nam Á, nằm ở độ sâu từ 100-200 mét so với mực nước biển đã chính thức đi vào hoạt động. Công trình với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD được Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2020. Kho dưới mặt đất có sức chứa lên tới 240 ngàn tấn LPG. Phía nhà đầu tư công bố, trước khi xây dựng đã tiến hành khoan khảo sát, từ mặt đất xuống tới độ sâu 60 mét là đất bùn, nhưng dưới 60 mét là đá granit cứng, vì vậy, kho chứa khí này chịu được các tác động khi có động đất, sóng thần.

Trước khi đưa khí xuống mặt đất, Hyosung Vina đã lắp đặt tháp tách khí cao nhất Việt Nam, tổng chiều cao là 120 mét. Bên cạnh tháp là 10 bồn chứa khí nổi hình quả trứng, mỗi bốn có sức chứa 4 ngàn tấn và cũng là bồn chứa khí nổi lớn nhất thế giới. Khí hóa lỏng được sử dụng cho các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xuất khẩu, sản xuất phụ tùng ô tô, đồ nhựa chất lượng cao, y tế…

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hệ thống chứa khí hóa lỏng dưới mặt đất, các cảng biển tiếp nhận tàu vận chuyển khí, bên cạnh đó còn có các trạm tiếp nhận từ biển vào đất liền. Vì vậy, công tác bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống ống dẫn khí luôn được đặt lên hàng đầu. Đối với hệ thống đường ống dẫn khí trên biển, theo quy định, tàu thuyền không được neo đậu trong hành lang an toàn tuyến ống dẫn khí 2 hải lý. Trong khi đó, riêng tuyến ống khí Bạch Hổ dài hơn 200km, trong vùng nội thủy vào đến Trạm van Long Hải trong đất liền và tuyến ống khí Nam Côn Sơn có chiều dài hơn 360km trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam đến Trạm van Long Hải.

Trong kế hoạch công tác biên phòng tháng của BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu và BĐBP các tỉnh ven biển phía Nam luôn có nội dung bảo vệ an ninh, an toàn hệ thống đường ống dẫn khí, vận động ngư dân không vi phạm hành lang an toàn, tổ chức tuần tra trên biển, trên bộ để bảo vệ đường ống dẫn khí, nắm chắc tình hình, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các hoạt động nghi vấn gây ảnh hưởng đường ống dẫn khí.

Để bảo vệ hệ thống đường ống dẫn khí này, Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ và Công ty Đường ống khí Nam Côn Sơn thường xuyên phối hợp với BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức tuần tra vùng biển Đông Nam Bộ, từ mũi Kỳ Vân ra khu vực mỏ Bạch Hổ. Chỉ tính riêng từ năm 2021 đến nay, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Công ty Vận chuyển khí Đông Nam Bộ tổ chức 100 chuyến tuần tra trên biển, phát hiện, ngăn chặn và xử lý 70 tàu cá hoạt động gần hành lang đường ống dẫn khí.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO