Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 28/09/2023 07:26 GMT+7

Đóng góp của Việt Nam trong thắng lợi mới của nhân loại

Biên phòng - Hiệp định bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại vùng ngoài quyền tài phán quốc gia (BBNJ) dự kiến ấn định thời điểm mở ký vào tháng 9/2023. Trong thắng lợi mới của các nỗ lực ngoại giao và chủ nghĩa đa phương này, Việt Nam đã thể hiện rõ nét tinh thần chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong vấn đề toàn cầu.

Phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết về BBNJ. Ảnh: Liên hợp quốc

Thắng lợi của chủ nghĩa đa phương

Những ngày đầu tháng 8/2023, nỗ lực ngoại giao và chủ nghĩa đa phương đã giành được chiến thắng vang dội khi Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua Nghị quyết về BBNJ, kết thúc quá trình đàm phán khó khăn và phức tạp kéo dài gần 2 thập kỷ.

Tại phiên họp toàn thể thông qua Nghị quyết về BBNJ tại trụ sở LHQ ở thành phố New York, Mỹ, đã có 150/193 quốc gia thành viên LHQ ủng hộ. Trong đó, nhiều nước đều bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với hiệp định này, đồng thời tái khẳng định cam kết và quyết tâm lớn trong việc đảm bảo thực thi một văn kiện nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng biển ngoài phạm vi tài phán quốc gia. Song hành với đó là củng cố hơn nữa khuôn khổ pháp lý toàn diện cho mọi hoạt động trên biển, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Đại hội đồng LHQ hoan nghênh việc chính thức thông qua Nghị quyết về BBNJ, nhất trí các đề xuất về công tác tổ chức, ngân sách nhằm đảm bảo hiệp định được triển khai hiệu quả và ấn định thời điểm mở ký hiệp định vào ngày 20/9/2023. Hiệp định được mở ký trong vòng 2 năm tính từ ngày 20/9 tại trụ sở LHQ và sẽ có hiệu lực sau 120 ngày kể từ khi có 60 nước gia nhập/phê chuẩn.

Đại hội đồng LHQ kêu gọi các quốc gia, các tổ chức kinh tế khu vực xem xét sớm ký, phê chuẩn để hiệp định nhanh chóng có hiệu lực. Đồng thời quyết định bổ sung đề mục về BBNJ vào chương trình nghị sự hàng năm của Đại hội đồng.

Trước đó, vào tháng 6/2023, BBNJ đã được Hội nghị liên chính phủ của LHQ chính thức thông qua bằng đồng thuận, đánh dấu sự ra đời của văn kiện thứ ba thực thi UNCLOS năm 1982. Hiệp định gồm 17 chương, 76 điều, 2 phụ lục với nội dung chính xoay quanh một số vấn đề gồm: Chia sẻ lợi ích nguồn gene biển; thiết lập vùng bảo tồn biển; đánh giá tác động môi trường; xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ; vấn đề chung như cơ chế ra quyết định của hội nghị các quốc gia thành viên, thành lập, vận hành các cơ quan, thể chế để thực hiện văn kiện, giải quyết tranh chấp, cơ chế tài chính...

Trong bối cảnh bị đe dọa nghiêm trọng, BBNJ được kỳ vọng sẽ tiếp thêm sức sống các đại dương thông qua việc góp phần củng cố hệ thống các văn kiện dựa trên UNCLOS năm 1982 trong quản trị các vùng biển và đại dương, đảm bảo phát triển bền vững cho tất cả các quốc gia.

Về vai trò quan trọng toàn cầu của BBNJ, UNCLOS năm 1982 lâu nay được coi như bản Hiến pháp của đại dương, trong đó quy định rõ nét quyền tự do hàng hải, tự do đánh cá và tự do nghiên cứu khoa học trên biển ở các khu vực ngoài vùng đặc quyền kinh tế... Tuy nhiên, văn kiện này chưa đề cập cụ thể việc tiếp cận, sử dụng và chia sẻ lợi ích từ các nguồn đa dạng sinh học biển nằm ngoài những vùng thuộc quyền tài phán quốc gia. Trong khi đó, những loài sinh vật đặc biệt chỉ sống ở vùng nước sâu hoặc xa bờ, đem lại những giá trị to lớn về đa dạng sinh học và kinh tế.

Trên thực tế, lâu nay không có cơ quan hay tổ chức nào chịu trách nhiệm hoặc được giao nhiệm vụ quản lý nguồn tài nguyên quý giá, quan trọng nhưng dễ bị tổn thương này. Việc bảo vệ các vùng biển quốc tế cũng vì thế mà từ lâu đã bị bỏ ngỏ, đa dạng sinh học tại những vùng biển đang đứng trước nhiều rủi ro. Đó cũng là động lực khiến sự ra đời của BBNJ sau quá trình thai nghén gần 2 thập kỷ được coi là một bước tiến lịch sử nhân loại trong nỗ lực bảo vệ đại dương.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 77 Csaba Korosi nhấn mạnh rằng, sự kiện thông qua BBNJ vừa qua là một kỳ tích. Các quốc gia trên toàn thế giới đã cùng đặt nền móng cho nhiệm vụ quản lý tốt hơn, bảo vệ đại dương hiệu quả hơn cho thế hệ tương lai.

Vì lợi ích chung

Trong thỏa thuận lịch sử này, Việt Nam đã có nhiều đóng góp vì lợi ích chung của các quốc gia đang phát triển và thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của đất nước. Đặc biệt, Việt Nam đề xuất các quy định liên quan đến xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, đồng thời thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP Kiên Giang vận động ngư dân thả cá thể rùa trọng lượng khoảng 80kg về với biển. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Riêng với Việt Nam, BBNJ ra đời sẽ đem lại những cơ hội, thuận lợi mới cho đất nước, tạo điều kiện thuận lợi hơn để Việt Nam tiếp tục vươn ra biển lớn, tạo đột phá trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đóng góp vào việc thông qua BBNJ, trong gần 2 thập kỷ qua và cao điểm từ năm 2018, Đoàn đàm phán liên ngành của Việt Nam do Bộ Ngoại giao dẫn đầu đã tham gia tích cực vào các phiên đàm phán, có những đề xuất, đóng góp thực chất cho dự thảo văn kiện.

Bạn bè quốc tế đánh giá, những đóng góp của Việt Nam trong việc thông qua BBNJ đã tiếp tục thể hiện một Việt Nam chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các công việc chung của cộng đồng quốc tế, bảo đảm sự phát triển bền vững cho tất cả các nước và thế hệ tương lai.

Xuyên suốt quá trình thương lượng, Việt Nam kiên định kêu gọi tuân thủ luật biển quốc tế và bảo vệ các quyền và lợi ích của đất nước trong quá trình đàm phán hiệp ước. Đoàn Việt Nam cũng có nhiều đề xuất vì lợi ích chung, đặc biệt là các quy định liên quan đến xây dựng năng lực và chuyển giao công nghệ biển, đồng thời thúc đẩy các nội dung của dự thảo văn kiện phù hợp với quy định của luật biển quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.

Nổi bật trong các đóng góp của Việt Nam, như góp ý về cơ chế quản lý, khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển, quản lý, khai thác bền vững tài nguyên đa dạng sinh học biển, luật pháp quốc tế về bảo tồn và sử dụng tài nguyên đa dạng sinh học. Cùng với đó, Việt Nam có nhiều nỗ lực bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển. Ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này nhằm thúc đẩy quản lý, bảo vệ hiệu quả các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, mở rộng các khu bảo tồn biển và ven biển lên ít nhất 6% diện tích biển Việt Nam.

Hệ sinh thái biển đóng vai trò rất quan trọng đối với nhiều quốc gia. Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng bảo tồn đa dạng sinh học biển có nghĩa là bảo vệ các nguồn tài nguyên vì lợi ích của các thế hệ tương lai. BBNJ được thông qua không chỉ khẳng định chiến thắng của ngoại giao và chủ nghĩa đa phương, mà còn là bước đi lịch sử chống lại các xu hướng hủy diệt đại dương, tiếp nối UNCLOS năm 1982 trong xây dựng và thực thi trật tự pháp lý trên biển vì hòa bình, hợp tác, phát triển và môi trường trong sạch.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO