Biên phòng - Viết về đồng chí Phan Trọng Tuệ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành những lời trân trọng: “Đồng chí Phan Trọng Tuệ, người cộng sản kiên trung, một vị tướng, một cán bộ cao cấp của Đảng, của Nhà nước đức độ và tài năng, hết lòng vì nước, vì dân. Đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, gia nhập đảng từ năm 1934 lúc mới 17 tuổi, đã 2 lần bị địch bắt, tù đày, tra tấn nhưng đồng chí vẫn giữ vững khí tiết… Với tôi, đồng chí là người bạn chiến đấu thủy chung”.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Đồng chí Phan Trọng Tuệ sinh ngày 7-7-1917, quê ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Hà Nội), một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, cách mạng. Thân sinh đồng chí là cụ Phan Trọng Định, một nghệ nhân tài hoa nổi tiếng một vùng. Do mưu sinh, cụ phải chuyển sang Lào sinh sống. Tại đây, cụ đã sinh ra 4 người con sau này đều là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó có 2 người đã từng làm Bí thư Tỉnh ủy Sơn Tây là Phan Trọng Tuệ, Phan Trọng Quang...
Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, đồng chí Phan Trọng Tuệ giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm (năm 13 tuổi) và kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương khi mới 17 tuổi.
Năm 1935, đồng chí Phan Trọng Tuệ tham gia lãnh đạo cuộc mít tinh của sinh viên, học sinh tại Viêng Chăn phản đối thực dân Pháp, nên bị bắt giam 4 tháng. Sự việc này, cùng với ảnh hưởng và những việc làm yêu nước của gia đình họ Phan, khiến chính quyền sở tại lo ngại, trục xuất cả gia đình về quê gốc Sài Sơn để quản thúc. Trở về quê hương, đồng chí Phan Trọng Tuệ cùng với đồng chí của mình nhanh chóng khôi phục hoạt động cách mạng ngay tại địa phương.
Năm 1940, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Sơn Tây. Năm 1941, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư liên Tỉnh ủy gồm Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây, Hà Nam và cuối năm 1941, đồng chí là Xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách công tác binh vận.
Tháng 9-1943, đồng chí bị thực dân Pháp bắt ở Bình Lục và giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Cuối năm 1943, tại tòa án Sơn Tây, đồng chí bị kết án 27 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo. Trong tù, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng, là Chi ủy viên Khối Hà Nội-Sơn La.
Ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, các cựu tù chính trị Côn Đảo được phân công đi các tỉnh miền Nam và miền Trung lãnh đạo kháng chiến. Đồng chí Phan Trọng Tuệ được phân công ở lại Tây Nam Bộ thành lập Quân đội, trên cương vị Thanh tra kháng chiến tại tỉnh Hậu Giang, Ủy viên Liên tỉnh ủy miền Tây Nam Bộ.
Từ những năm trước cách mạng, dù hoạt động ở Lào hay ở quê nhà, không sợ hy sinh gian khổ, đồng chí luôn bám dân, gần dân, được Đảng tin cậy giao nhiều trọng trách, để gây dựng và phát triển phong trào cách mạng. Bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, nhưng đồng chí vẫn giữ khí tiết của người cộng sản.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, đồng chí được Đảng giao giữ nhiều chức vụ quan trọng ở Nam Bộ, một chiến trường đầy khó khăn, gian khổ và ác liệt. Nhưng với lòng dũng cảm, trí thông minh, sáng tạo, trên mọi cương vị được giao, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần quan trọng bảo vệ chính quyền non trẻ và tiến hành cuộc kháng chiến thắng lợi.
Sau này, trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng chí đã cùng các thành viên Chính phủ đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất và xây dựng đất nước. Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đồng chí đã có nhiều công lớn trong việc xây dựng ngành giao thông vận tải lớn mạnh đáp ứng nhu cầu khôi phục, xây dựng kinh tế và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua hơn 50 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Trọng Tuệ được Đảng phân công đảm nhiệm nhiều lĩnh vực quan trọng. Đồng chí đã để lại cho cán bộ, chiến sĩ, đảng viên và nhân dân nơi đồng chí hoạt động hình ảnh của một đảng viên bất khuất, kiên trung, liêm khiết, có tác phong bình dị, chân thành và cởi mở, đặc biệt quan tâm đến người lao động, một đồng chí lãnh đạo có tính nguyên tắc cao, linh hoạt, sắc sảo, nghiêm khắc nhưng cũng rất khoan dung, độ lượng.
Vị Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng Công an nhân dân vũ trang
Ngày 3-3-1959, khi lực lượng Công an nhân dân vũ trang được thành lập, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP). Những ngày đầu xây dựng lực lượng khó khăn muôn bề.
Lúc đó, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu “gian nan nhất là thời kỳ đầu”, vừa phải củng cố xây dựng đồn, trạm Biên phòng, vừa phải chỉ đạo tiễu phỉ, đánh gián điệp, biệt kích ngoài biên giới, giới tuyến. Để có cán bộ phục vụ lâu dài trong lực lượng, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ đã chỉ đạo cơ quan cán bộ rà soát lại số cán bộ có trình độ văn hóa cao gửi đi đào tạo tại các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các trường đại học khác.
Trong những lần được gặp Bác Hồ, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ vẫn nhớ lời Bác dặn: “Công tác chống gián điệp, biệt kích phải do cấp ủy thống nhất lãnh đạo nhằm huy động và phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng quần chúng với các ngành, nhất là lực lượng Công an, Quân đội và dân quân, du kích; với phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, trong đó lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu.
Nghe theo lời Bác dặn, lực lượng Công an nhân dân vũ trang phối hợp với các lực lượng trong ngành, cùng với toàn dân đã đánh bại cuộc chiến tranh gián điệp biệt kích của Mỹ-ngụy, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cổ vũ, chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà.
Bác còn dặn: Công an Biên phòng đóng quân ở vùng rừng núi, hải đảo phải biết dựa vào nhân dân, được nhân dân tin yêu giúp đỡ, như vậy công tác mới có kết quả. Đối với những đơn vị đóng quân nơi hẻo lánh, gian khổ, ra một bước là phải trèo núi, băng đèo... thì cấp trên phải quan tâm nhiều hơn những đơn vị đóng ở thành phố. Cấp trên phải chú ý đến đời sống tinh thần, vật chất cho chiến sĩ, nhưng chiến sĩ cũng phải có sáng kiến để cải thiện đời sống của bản thân.
Nhớ lời Bác dạy, kể cả khi rời xa lực lượng Công an nhân dân vũ trang để đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ hay về với cuộc sống đời thường, Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ luôn trăn trở, suy nghĩ về công tác bảo vệ biên giới và lo lắng đến đời sống tinh thần, vật chất của người chiến sĩ nơi biên cương, hải đảo.
Bảo Hà