Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 13/09/2024 05:12 GMT+7

Dòng chảy phương Bắc 2 liệu có bị “nghẽn”?

Biên phòng - Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) gần đây liên tục đạt được những tiến độ quan trọng, khẳng định sẵn sàng đi vào vận hành. Dù được kỳ vọng là liều thuốc giải cơn khát năng lượng châu Âu nhưng thực tế vẫn còn nhiều ẩn khuất có thể tác động đến tương lai của dự án này.

Trạm cung ứng PIG trong hệ thống đường ống dẫn khí đốt thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 trên đất liền bang Mecklenburg-Vorpommern, Đức. Ảnh: AFP

Đầu tuần này, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 đã hoàn tất quy trình nạp đầy khí đốt trong đường ống đầu tiên của dự án. Đây là dự án gồm 2 tuyến đường ống vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga sang Đức qua Biển Baltic, có tổng chiều dài là 1.230km với công suất dự kiến khoảng 55 tỷ m3 mỗi năm.

Theo Công ty Nord Stream 2 AG (đơn vị vận hành dự án, thuộc sở hữu của Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga), quá trình lấp đầy khí đốt vào đường ống đầu tiên được triển khai từ ngày 4-10 và đến đầu tuần này đã lấp đầy khí đốt kỹ thuật, đảm bảo kế hoạch và yêu cầu thiết kế. Đường ống đầu tiên có dung tích khoảng 177 triệu m3, tạo ra áp lực bên trong đường ống là khoảng 103 bar. Mức áp lực này sẽ đáp ứng yêu cầu về vận chuyển khí đốt ngay cả trong tương lai. Cùng với đó, đơn vị vận hành cũng đang triển khai các bước tiền vận hành đối với đường ống thứ 2 của dự án.

Theo giới quan sát khu vực, tiến độ quan trọng này đạt được trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng đang bao trùm châu Âu. Dù được xem là một tín hiệu tích cực, song, động thái này cũng dẫn tới những diễn biến căng thẳng tiềm ẩn. Bởi lẽ, Dòng chảy phương Bắc 2 vốn gây nhiều tranh cãi và bất ổn ở phương Tây. Theo tuyên bố của Tập đoàn Gazprom vào đầu tháng trước, dự án đã vượt qua mọi sự phản đối của Mỹ để hoàn thành và có thể vận hành dự kiến trước cuối năm nay.

Cũng theo nhận định của giới quan sát, sự phản đối từ Mỹ cùng nhiều đồng minh châu Âu xuất phát từ lo ngại rằng, hệ thống này sẽ khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc hơn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Một số nước láng giềng của Đức cũng phản đối dự án vì lý do an ninh năng lượng, đáng chú ý nhất là Ba Lan. Trên thực tế, việc giải tỏa áp lực khi nguồn cung năng lượng khan hiếm đang là “bài toán” ngày càng khó tìm “lời giải” đối với thị trường châu Âu. Trong khi đó, Nga nhiều lần khẳng định sự sẵn sàng trong việc giúp các nước châu Âu giải tỏa “cơn khát” năng lượng.

Truyền thông châu Âu dẫn các nguồn tin cho biết, dù Dòng chảy phương Bắc 2 sẵn sàng đi vào hoạt động, song, để điều này được hiện thực hóa cũng sẽ phụ thuộc nhiều vào các cơ quan quản lý năng lượng của châu Âu. Trên thực tế, cơ quan quản lý năng lượng Đức hiện vẫn đang phê duyệt vận hành dự án này và dự thảo quyết định chứng nhận hoạt động của dự án có thể được đưa ra vào đầu năm sau. Quyết định này sau đó sẽ được chuyển tới Ủy ban châu Âu (EC) xem xét. EC gần đây đã tái nhấn mạnh rằng, các quy tắc của EU phải áp dụng đối với dự án này. Việc đảm bảo không phá vỡ các quy tắc cạnh tranh chung tại châu Âu được nhận định là một trong những “rào cản” lớn đối với Dòng chảy phương Bắc 2 và có thể sẽ tiếp tục gây nhiều tranh cãi.

Song hành với đó, giới quan sát chính trị châu Âu cho rằng, một trong những vấn đề hiện nay gây tác động lớn đến tiến trình vận hành của Dòng chảy phương Bắc 2 là biến động chính trị tại Đức. Hiện nay, chính phủ mới của Đức dự kiến sẽ được thành lập vào trước dịp Giáng sinh, trong thời điểm này, Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn sẽ nắm quyền điều hành đất nước.

Nhiều lo ngại cho rằng, chính phủ mới của Đức có thể sẽ đảo ngược thỏa thuận về dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vốn là chủ đề gây chia rẽ trong chính trường thời gian qua. Giới chuyên gia chính trị Đức cho rằng, vận mệnh của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sách lược mà chính phủ mới của Đức theo đuổi. Với nền tảng chính trị tương đối vững chắc của Đức dưới thời bà Merkel, nhiều chuyên gia tin rằng, biến động trên chính trường thì cũng sẽ không quá lớn để xoay chuyển một dự án vốn có thể mang tới lợi ích to lớn.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO