Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ sáu, 25/10/2024 01:53 GMT+7

Đồng bào vùng cao không còn “đói văn hóa”

Biên phòng - Khi “văn hóa nghe nhìn” phủ sóng tới các bản, làng đã thực sự mang đến cho bà con các dân tộc thiểu số ở vùng cao những “món ăn tinh thần” vô cùng bổ ích. Qua đọc báo, xem ti vi và cập nhật Internet, đồng bào vùng cao không chỉ nắm bắt được tình hình thời sự trong nước và quốc tế, mà còn nắm vững các kiến thức khoa học-kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống.

Ông Hoàng Văn Dầu, người có uy tín của thôn Nà Pán thường xuyên đọc báo, xem ti vi để cập nhật tin tức hàng ngày. Ảnh: Ngọc Ánh

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Dầu, dân tộc Sán Chỉ, người có uy tín của thôn Nà Pán, xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đúng hôm gia đình ông tổ chức mừng sinh nhật tuổi 72 cho vợ của ông - bà Hoàng Thị Hạng. Trong ngôi nhà trình tường truyền thống khang trang, ngăn nắp, các con cháu tập trung về đông đủ để mừng sinh nhật cho mẹ, cho bà.

Trước khi mọi người ngồi vào mâm cơm, ông Dầu đã chuẩn bị chu đáo mâm lễ để dâng cúng kính báo với tổ tiên. Ông mời một thầy mo đến thắp hương cầu khấn tổ tiên phù hộ cho bà Hạng có nhiều sức khỏe, sống lâu trăm tuổi, con cháu hiếu thảo, làm ăn phát đạt... Sau lễ cúng là bữa tiệc mừng sinh nhật mẹ (bà) được các con, cháu chuẩn bị chu đáo với 5 mâm cơm ấm cúng. Mọi người cùng ngồi vào mâm nâng ly rượu chúc bà Hạng những lời chúc tốt đẹp nhất.

Trong bữa cơm, ông Hoàng Văn Dầu kể nhiều câu chuyện liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc mình và các dân tộc anh em. Ông nói, xem trên ti vi và đọc báo, ông biết người Kinh có phong tục cúng giỗ để tưởng nhớ người đã khuất, gọi là ngày giỗ. Còn người Sán Chỉ không có ngày giỗ mà chỉ mừng sinh nhật cho người thân khi còn sống. Sinh nhật được con cháu tổ chức cho bố mẹ, ông bà để thể hiện lòng biết ơn đối với bậc đã sinh thành, nuôi dưỡng con cháu khôn lớn nên người.

Ông Dầu chia sẻ: “Tôi đọc báo, nghe đài và xem ti vi, được biết, các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam đều có phong tục, tập quán văn hóa khác nhau. Phong tục, tập quán của dân tộc nào cũng hay, cũng đẹp. Thế mà nhiều bạn trẻ hiện nay chưa hiểu hết cái hay, cái đẹp của di sản văn hóa cha ông để lại. Các cháu thờ ơ với văn hóa của dân tộc mình để chạy theo cái mới, cái lạ từ bên ngoài du nhập vào. Vì vậy, tôi mong trên đài, báo, ti vi có nhiều hơn các chương trình, bài viết tuyên truyền về nét đẹp văn hóa dân tộc truyền thống để thế hệ trẻ được đọc, được xem, thấu hiểu rồi mới có ý thức gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc mình”.

Còn tại xã biên giới Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, do địa bàn chủ yếu là núi cao, cách biệt với các xã vùng thấp nên những năm trước đây, đồng bào Dao trên địa bàn xã luôn trong tình cảnh “đói văn hóa”. Ông Triệu Tiến Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Mẫu Sơn cho biết: “Khoảng chục năm về trước, số hộ gia đình người Dao ở Mẫu Sơn có ti vi đếm trên đầu ngón tay. Những tờ báo in được chuyển về từ Thủ đô Hà Nội và thành phố Lạng Sơn thì chỉ cán bộ xã và giáo viên mới có để đọc. Nhưng mấy năm nay thì khác rồi. Tất cả 8 thôn, bản của xã đều được phủ sóng phát thanh-truyền hình. Số hộ mua sắm được ti vi đạt trên 95% tổng số hộ trên toàn xã. Các tờ báo được Nhà nước trợ cấp không thu tiền đã được chuyển về tận tay trưởng thôn và người có uy tín ở từng thôn, bản”.

“Vui nhất là từ cuối năm 2016, trụ sở UBND xã Mẫu Sơn đã được nối mạng Internet. Mặc dù sóng wifi ở đây vẫn còn chập chờn, nhưng khi được nối mạng, công việc gửi chuyển văn bản, giấy tờ qua hòm thư điện tử được giải quyết nhanh chóng và thuận tiện hơn trước rất nhiều” - ông Triệu Tiến Liêm phấn khởi chia sẻ.

Hàng xóm đến dự bữa tiệc mừng sinh nhật tuổi 72 của bà Hoàng Thị Hạng do chồng bà và các con đứng ra tổ chức. Ảnh: Ngọc Ánh

Qua đọc báo, xem ti vi và Internet, đồng bào không chỉ cập nhật được tình hình thời sự trong nước và quốc tế, mà còn nắm được các kiến thức khoa học-kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất chăn nuôi, nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống. Ông Triệu Văn Quý, dân tộc Dao, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mẫu Sơn, hiện là người có uy tín của thôn Trà Ký mặc dù đã nghỉ hưu gần hai chục năm nay, nhưng ông Quý vẫn thường xuyên đọc báo và xem thời sự trên ti vi vào mỗi buổi tối.

“Vào thời điểm họp Quốc hội, ban ngày tôi phải đi chăn trâu nên không có thời gian theo dõi truyền hình trực tiếp. Nhưng cứ tối đến là tôi tranh thủ mở ti vi để theo dõi tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Vấn đề tôi quan tâm nhất là những chính sách của Đảng và Chính phủ đang đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, trong đó có xã biên giới Mẫu Sơn của chúng tôi. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên xem các chương trình phổ biến kiến thức khoa học-kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe để vận dụng vào cuộc sống và hướng dẫn cho bà con làm theo” - ông Quý thông tin.

Đánh giá về vai trò của các loại hình thông tin đang được người dân trên địa bàn huyện tiếp cận, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Lộc Bình Phạm Minh Huệ khẳng định: “Những năm gần đây, nhờ nắm bắt được tin tức, thời sự từ báo đài, truyền hình và Internet, cuộc sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi tích cực, trình độ dân trí của bà con được nâng lên, đời sống văn hóa, tinh thần của bà con có nhiều khởi sắc”.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO