Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 30/03/2023 02:09 GMT+7

Đồng bào Vân Kiều trồng rừng theo “chuẩn quốc tế”

Biên phòng - Lần đầu tiên, đồng bào Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) biết đến khái niệm “chứng chỉ FSC”. Điều đáng mừng là đã có sự thay đổi tư duy về việc trồng rừng không chỉ vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, mà còn hướng đến quản lý rừng theo tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ môi trường bền vững.

Đồng bào Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh phấn khởi tham gia trồng rừng theo “tiêu chuẩn quốc tế”. Ảnh: Trúc Hà

Chúng tôi đến thôn Chênh Vênh để tìm hiểu về hướng đi mới trong khai thác rừng bền vững của đồng bào Vân Kiều. Thực ra, trồng rừng theo tiêu chí FSC không còn xa lạ với miền xuôi, nhưng với người dân miền núi, đặc biệt là các xã vùng cao biên giới quanh năm chỉ biết đến nương rẫy, đời sống kinh tế còn khó khăn, việc tiếp cận các thông tin còn ít ỏi thì điều đó rất lạ lẫm. Tháng 12-2021, Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh được kết nạp vào Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị. Điều đó có nghĩa là những cánh rừng thuộc Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh sẽ được đánh giá, nếu đủ tiêu chí sẽ được cấp chứng nhận FSC.

Tiêu chí trồng rừng FSC (Forest Stewardship Council) là đảm bảo các tiêu chí phát triển bền vững, cân bằng giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích của nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương.

Thời gian qua, với sự hỗ trợ của dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng là nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biến đổi khí hậu” do Liên minh châu Âu và Ủy ban Y tế Hà Lan-Việt Nam đồng tài trợ, nhiều hoạt động khác nhau đã được thực hiện một cách tích cực nhằm giúp Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh quản lý, kiểm soát rừng trồng tốt hơn.

Song song với các hoạt động tập huấn, hội thảo, cung cấp kiến thức về quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, các bên cũng tổ chức hoạt động khảo sát, đánh giá liên quan đối với rừng cộng đồng tại thôn Chênh Vênh, như: điều tra trữ lượng mây và tre, đánh giá rừng có giá trị bảo tồn cao, đánh giá tác động môi trường và xã hội. Kết quả của những đánh giá này giúp Ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh củng cố kế hoạch quản lý rừng bền vững, bao gồm kế hoạch phát triển và khai thác bền vững đối với lâm sản ngoài gỗ.

Thực tế, chứng nhận FSC đối với lâm sản ngoài gỗ rừng cộng đồng có ý nghĩa quan trọng trên các phương diện kinh tế, môi trường và xã hội là nâng cao giá trị kinh tế. Điều đó thúc đẩy tạo việc làm và thu nhập cho cộng đồng; thúc đẩy bảo vệ, trồng và làm giàu rừng; góp phần bảo vệ môi trường rừng...

Từ chỗ là khái niệm xa lạ, nhưng đến nay, đồng bào Vân Kiều ở thôn Chênh Vênh đã có kiến thức về trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC. Ông Hồ Văn Chiến, Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh phấn khởi cho biết, trước đây, chúng tôi không hề biết chứng nhận FSC nghĩa là gì. Nghe cán bộ giải thích và qua làm thực tế đã biết FSC là một chứng nhận quốc tế trong quản lý rừng bền vững. Nếu rừng của chúng tôi được cấp chứng nhận FSC thì điều đó có nghĩa là người ta thừa nhận rừng được quản lý và bảo vệ tốt. Vui nhất là lâm sản ngoài gỗ từ rừng cộng đồng của người dân có thể được mua với giá tốt hơn.

Ưu điểm của trồng rừng theo chứng chỉ FSC là rừng được quản lý bền vững hơn, hạn chế sự xói mòn của đất đai, cải thiện tình trạng môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu và tăng cường tích trữ carbon rừng. Nếu đủ tiêu chí, bình quân mỗi ha rừng sẽ mang lại từ 15 đến 20 triệu đồng cho người dân. Điều này mở ra hi vọng thay đổi về đời sống kinh tế cho bà con ở miền rừng còn lắm khó khăn này.

Ở thôn Chênh Vênh, các pa nô truyền thông với thông điệp dễ hiểu, dễ nhớ cũng được lắp đặt tại các khu dân cư và khu vực bìa rừng, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về công tác quản lý và bảo vệ rừng. Nhận thấy “cái lợi trước mắt và lâu dài” của trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC, nhiều người dân thôn Chênh Vênh đã hăng hái đăng kí tham gia làm thành viên.

Người dân thôn Chênh Vênh khai thác rừng để có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống. Ảnh: Trúc Hà

Anh Hồ Văn Noi cho biết: “Lâu nay, cũng như nhiều người dân khác, tôi trồng rừng trên sườn núi, đợi rừng lớn để bán rồi trồng lại thửa khác. Từ khi được cán bộ giới thiệu trồng rừng tiêu chuẩn mới này có nhiều cái lợi nên tôi ghi tên vào làm thành viên. Tháng 12-2020, tôi được tham gia đi học hỏi mô hình trồng, khai thác và cung ứng mây bền vững ở huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam. Thấy bà con nơi đó làm rất hiệu quả, nên tôi thấy tự tin hơn để trồng trên diện tích rừng của mình theo tiêu chuẩn mới”.

Từ ngày được kết nạp và được đi tham quan về, anh Hồ Văn Noi chăm chỉ lên rừng hơn. Anh cẩn thận vun vén gốc cây theo hướng dẫn, để lại những thân cây cỏ giữ ẩm, cắt tỉa cành để cây vươn thẳng, đạt chất lượng gỗ cao nhất. “Nếu chăm sóc đúng kĩ thuật, thời gian tới, rừng của thôn Chênh Vênh được phát triển, bảo vệ và khai thác một cách hiệu quả thì đời sống của bà con Vân Kiều ở đây khấm khá hơn rất nhiều. Bây giờ trồng rừng theo tiêu chí FSC rồi, chúng tôi rất hi vọng vào kết quả đánh giá, được cấp chứng nhận FSC. Có như thế thì đời sống của người dân chúng tôi sẽ khá hơn nhờ rừng” - anh Noi chia sẻ và bày tỏ niềm hi vọng của mình.

Hiện nay, rừng cộng đồng thôn Chênh Vênh đã sẵn sàng cho kỳ đánh giá FSC giai đoạn 2021-2025 của Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị là 774ha. Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam, việc đánh giá FSC được áp dụng đối với rừng tự nhiên giao cho cộng đồng quản lý, bởi vậy, sẽ tạo nhiều động lực hơn đối với đồng bào trong quản lý và bảo vệ rừng.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO