Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:19 GMT+7

Đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế thích ứng biến đổi khí hậu

Biên phòng - Thời gian qua, các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ đang tích cực triển khai một số dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những mô hình sản xuất thích ứng với BĐKH, đã giúp đồng bào cải thiện cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nâng cao thu nhập. Ảnh: Hồng Diễm

Xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh là địa phương có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây màu trên đất triền giồng và giồng cát. Tuy nhiên, do tiếp giáp với vùng ven biển, nên nguồn nước ngọt trong canh tác gặp nhiều khó khăn, nhất là trong điều kiện BĐKH, thường chịu ảnh hưởng khô hạn, mặn xâm nhập... Vì vậy, trong sản xuất, địa phương xây dựng các mô hình canh tác phù hợp, vừa thích ứng với BĐKH, vừa gắn với chuỗi giá trị trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Chị Thạch Thị Kan Ra, ấp Bổn Thanh, xã Ngũ Lạc được Dự án Thích ứng BĐKH đồng bằng sông Cửu Long (Dự án AMD) đầu tư xây dựng mô hình tưới phun (1.000m2) từ năm 2018, hiện nay, mỗi năm, gia đình chị Kan Ra sản xuất từ 3 - 4 vụ màu như hành lá, cải ngọt, rau cần…, cho thu nhập từ 13 -15 triệu đồng/vụ.

Cũng như chị Kan Ra, gia đình ông Thạch Ri, ngụ tại ấp Thốt Lốt, xã Ngũ Lạc chia sẻ: “Gia đình chuyên trồng màu, từ năm 2015 đến nay, do điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn về thời tiết cũng như nguồn nước tưới, từ đó, gia đình đầu tư làm nhà lưới kết hợp tưới phun để chuyên sản xuất cây giống. Với diện tích hơn 1,6ha, trong đó, nhà lưới ươm cây giống có diện tích trên 0,7ha, hàng năm cung ứng ra ngoài thị trường khoảng 2,5 triệu cây giống các loại như ớt, cà chua… Sản xuất cây màu trong nhà lưới tạo hiệu quả rất lớn, giúp nông dân chủ động mùa vụ và hạn chế chi phí về phòng, chống các sâu bệnh gây hại, nhất là vào thời điểm khô hạn từ tháng Giêng đến tháng 4 hàng năm, lượng nước ngầm thường thiếu hụt nên các giếng khoan khó đáp ứng đủ nguồn nước cho nông dân vào vụ sản xuất bơm tưới đồng loạt. Đây là mô hình triển vọng của địa phương nhằm giúp nông dân làm giàu và góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện BĐKH ngày càng gay gắt như hiện nay”.

Ông Lê Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Lạc cho biết: “Mô hình trồng màu trong nhà lưới mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trên 80% lượng rau màu của nhà lưới được các tổ hợp tác, hợp tác xã ở Ngũ Lạc liên kết, thu mua sản phẩm. Sắp tới, Hội sẽ đầu tư thêm nhà lưới kết hợp tưới phun sương. Sản phẩm làm ra sẽ được các đơn vị liên kết bao tiêu theo quy trình khép kín: triển khai lịch xuống giống, chủng loại màu theo từng mùa vụ; hỗ trợ, đầu tư vật tư nông nghiệp… Như vậy, nông dân sẽ an tâm sản xuất, không còn tình trạng ùn ứ sản lượng khi vào mùa vụ đông ken, dẫn đến “cung vượt cầu”.

Tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được tham gia Dự án “Xây dựng năng lực cho cộng đồng nhằm ứng phó với thiên tai” giai đoạn 2 (2020 - 2022) do Tổ chức Bánh mì cho thế giới (BfdW) và Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) tài trợ, Quỹ hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) thực hiện, với mục tiêu giúp các cộng đồng dễ bị tổn thương ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khả năng ứng phó tốt hơn với các mối nguy hại môi trường khó lường. Một trong những hoạt động nổi bật của dự án là hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn thực hiện các mô hình sinh kế, như: nuôi ếch kết hợp nuôi cá, sản xuất lúa giống chịu mặn, trồng nấm rơm trong nhà, nuôi ốc bươu đen, nuôi gà Mông. Những mô hình kinh tế thích ứng BĐKH đã cải thiện thu nhập, vượt khó thoát nghèo, hướng đến một cuộc sống ổn định.

Vườn rau công nghệ cao mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Hồng Diễm

Lúc đầu, gia đình ông Trần Văn Liel, ở ấp Trường Thọ, xã An Mỹ, huyện Kế Sách nhận 100 con gà giống về nuôi, nhờ có đàn gà sống, gia đình đã bớt đi phần khó khăn. Ông Liel vui mừng cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, lại lớn tuổi, nên không lao động nặng nhọc được. Được sự hướng dẫn của cán bộ xã, tôi xây dựng chuồng nuôi bao lưới, nền trải một lớp trấu, vệ sinh sạch sẽ, đàn gà được tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh nên sức đề kháng tốt, dễ nuôi. Ngoài thức ăn, đàn gà còn ăn rau cải, củ quả, cỏ tự nhiên”.

Cũng khởi đầu từ mô hình nuôi gà Mông với 100 con gà giống, chị Lê Thị Mười Em, ở ấp Kinh Giữa 1, xã Kế Thành, huyện Kế Sách được khen “mát tay” vì đến hiện tại, đàn gà lớn nhanh, không hao hụt và chắc thịt. Theo thị trường, giá thịt gà Mông dao động từ 120.000 đến 140.000 đồng/kg, dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, đàn gà xuất bán mang lại cái Tết đầy đủ cho gia đình chị Mười Em.

“Mô hình nuôi gà Mông được triển khai từ đầu tháng 10/2022 ở các xã: An Mỹ, Kế Thành và Thới An Hội, với 70 hộ nuôi, giúp cải thiện thu nhập, tạo sinh kế bền vững cho các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn của địa phương. Qua kết quả ban đầu cho thấy, dự án này đã mở ra một hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh cho người dân địa phương. Tới đây, chúng tôi mong muốn các hộ sẽ tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình nuôi gà Mông, cùng nhau làm kinh tế để có cuộc sống ấm no, ổn định”. - Ông Lê Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Kế Sách, Trưởng ban Quản lý Chương trình Hỗ trợ phát triển huyện Kế Sách thông tin.

Hồng Diễm

Bình luận

ZALO