Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:25 GMT+7

Đồng bào dân tộc thiểu số hưởng lợi từ chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế

Biên phòng - Không cần mất thời gian và công sức để chờ đợi giấy chuyển viện từ tuyến dưới lên, hiện nay, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) có thể tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc. Thông tuyến BHYT là một chính sách thiết thực, nhân văn giúp đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế.

Người dân tộc thiểu số làm thủ tục đăng ký khám bệnh bằng thẻ BHYT tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La. Ảnh: TTXVN

Nhờ chính sách thông tuyến BHYT mà gần 1 năm nay, chị Thào A Mến, người dân tộc Mông đến từ huyện miền núi Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa có thể bắt xe khách thẳng xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để điều trị cho con trai của mình. Con trai của chị Thào A Mến mắc bệnh tim bẩm sinh, đã phẫu thuật lần 2, phải thường xuyên tới bệnh viện để theo dõi, kiểm tra sức khỏe và tình hình diễn biến của bệnh. Gia đình chị Thào A Mến thuộc diện hộ nghèo, con trai chị được cấp thẻ BHYT và được chi trả chi phí khám, chữa bệnh. Gia cảnh chị Thào A Mến khó khăn, 2 vợ chồng làm nông nghiệp, ngoài chi phí điều trị lâu dài, thì chi phí đi lại thực sự là gánh nặng đối với gia đình chị.

Nhớ lại thời gian chưa có chính sách thông tuyến BHYT, chị chia sẻ: “Nhà cách trung tâm huyện Mường Lát rất xa. Mỗi lần khám lại bệnh cho con trai, chúng tôi ở lại bệnh viện huyện, khám bệnh và làm các thủ tục, giấy chuyển viện, rồi sau đó mới được chuyển lên tuyến tỉnh, rất mất thời gian, công sức đi lại và chi phí ăn, ở. Từ ngày có chính sách thông tuyến BHYT, gia đình tôi chỉ cần bắt xe khách thẳng tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức đi lại và chi phí”.

Cũng như vậy, anh Nông Văn Dĩnh, người dân tộc Tày ở tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Bản thân có sức khỏe yếu, rất hay đau ốm. Những năm về trước, tôi chỉ khám, chữa bệnh tại trạm y tế xã, hoặc bệnh viện đa khoa huyện. Nhưng từ đầu năm tới bây giờ, tôi đã được lên tuyến tỉnh khám bằng thẻ BHYT với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Tôi cũng như nhiều bà con khác vô cùng yên tâm và nhận thấy chính sách thông tuyến BHYT đã giúp chúng tôi được hưởng nhiều lợi ích hơn trong việc khám, chữa bệnh”.

Chính sách thông tuyến BHYT được triển khai và có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Trong đó nêu rõ, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc. Thẻ BHYT đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, khi điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển viện vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Quy định mới này đã tạo thuận lợi lớn cho người dân có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt, đối với người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người dân, bệnh nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp cận dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại trong khám, chữa bệnh tại các tuyến trên.

Rõ ràng, chính sách thông tuyến BHYT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia BHYT trên cả nước nói chung, đặc biệt là đối với người nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là việc thông tuyến BHYT sẽ kéo theo những áp lực, trách nhiệm lớn hơn nữa cho các bệnh viện tuyến tỉnh, khi lượng bệnh nhân về khám, chữa bệnh sẽ tăng cao, trong khi đó, tuyến huyện đôi khi lại vắng bóng bệnh nhân. Trước tình hình đó, đòi hỏi, các cơ sở y tế tuyến xã, huyện phải nâng cao hơn nữa chất lượng khám, chữa bệnh, để thu hút bệnh nhân tới thăm khám và chữa bệnh, đồng thời, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO