Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:20 GMT+7

Đông Bắc Á lại “nổi sóng” sau vụ Bình Nhưỡng phóng tên lửa

Biên phòng - Ngày 31-7, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ bán đảo Hodo thuộc tỉnh Nam Hamgyong ở bờ biển phía Đông nước này và bay khoảng 250km trước khi rơi xuống biển. Đây là lần phóng tên lửa thứ hai của Triều Tiên chỉ trong vòng chưa đầy một tuần khiến khu vực Đông Bắc Á vốn bình yên thời gian gần đây lại “nổi sóng”.

ctgl_11a
Vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng ngày 31-7. Ảnh: Yonhap

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JSC) cho biết, quả tên lửa đầu tiên được phóng đi lúc 5 giờ 6 phút (giờ địa phương), còn quả thứ 2 được phóng lúc 5 giờ 27 phút. Hai quả tên lửa đã bay khoảng 250km, ở độ cao gần 30km trước khi rơi xuống biển. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, các quả tên lửa này được xác định khác loại với những mẫu tên lửa mà Triều Tiên phóng trước đó, song ông không nêu rõ thuộc loại nào. 

Vụ phóng mới nhất này diễn ra 6 ngày sau khi Triều Tiên bắn 2 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn vào vùng biển phía Đông nước này. Những tên lửa này đã bay được khoảng 600km và được xác định là loại tên lửa “KN-23”, được phát triển dựa trên tên lửa đạn đạo Iskander của Nga. Tuyên bố của JSC nêu rõ: “Các vụ phóng tên lửa liên tiếp của Triều Tiên không có lợi cho những nỗ lực giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng dừng ngay hành động này”. Theo JSC, vụ phóng mới nhất dường như là một cuộc thử nghiệm vũ khí, xét tới độ cao khá thấp của tên lửa (chỉ khoảng 30km), nhằm gây sức ép buộc Hàn Quốc và Mỹ ngừng các cuộc tập trận sắp tới. 

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha khẳng định, vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên không giúp ích cho các nỗ lực giảm nhẹ căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. "Hành động của Triều Tiên không giúp giảm nhẹ căng thẳng quân sự, cũng như không giúp duy trì động lực cho đàm phán phi hạt nhân hóa khi các cuộc đàm phán đang trong quá trình được nối lại. Chúng tôi nhấn mạnh hành động này cần được chấm dứt", bà Kang Kyung-wha nêu rõ.

Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã họp khẩn để tìm hiểu và phân tích thông tin về vụ việc Triều Tiên phóng tên lửa vào rạng sáng 31-7.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên thử tên lửa kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân trong cuộc gặp chớp nhoáng tại khu phi quân sự liên Triều hôm 30-6. Tuy nhiên, khi hai bên chưa bắt đầu nối lại đàm phán, Bình Nhưỡng đã cảnh báo việc Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung có thể khiến tiến trình hòa bình sụp đổ. Tổng thống Donald Trump sau đó đã gạt bỏ tuyên bố này của ông Kim Jong Un, cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đang cảnh báo Hàn Quốc chứ không phải Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, báo Choson Sinbo - một tờ báo thân với Triều Tiên có trụ sở tại Nhật Bản, số ra ngày 31-7 cho biết, tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã tới kiểm tra một tàu ngầm mới chế tạo của nước này. Ông tuyên bố, tàu ngầm này sẽ "thực hiện nhiệm vụ tại vùng biển phía Đông (của Triều Tiên - tức biển Nhật Bản)" và việc triển khai loại vũ khí này đã "gần kề". 

Theo báo Choson Sinbo, việc các phương tiện truyền thông Nhà nước của Triều Tiên tiết lộ địa điểm triển khai tàu ngầm mới là "một biểu hiện của cam kết thực hiện chân thành Tuyên bố chung Singapore" mà nhà lãnh đạo Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký tháng 6-2018 và việc triển khai quân sự này chỉ là một hành động khiêu khích nhỏ vào Washington. 

Nhận định về các động thái gần đây của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, đây là một chiến thuật nhằm thúc đẩy sự tiến triển của các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.

Thu Uyên

Bình luận

ZALO