Biên phòng - Một mùa xuân nữa lại về trên đảo Sơn Chà, về với những người lính biển nơi biên cương của Tổ quốc. Là một người có nhiều duyên nợ với các anh, lần đầu tiên, tôi được đón Tết cùng những chiến sĩ quân hàm xanh đã vượt bao gian lao để bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió.

Đối với người lính biển, hình như không khí đón Tết được bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp - ngày đưa ông Táo về trời. Tôi có dịp đến chia vui với cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Lăng Cô, BĐBP Thừa Thiên Huế đúng lúc đơn vị đang chuẩn bị đón Tết, không khí thật rộn ràng. Trừ những người làm nhiệm vụ trực ban, trực chiến, còn lại, ai cũng có việc, nhóm này mổ lợn, nhóm kia gói bánh chưng, bánh giò, nhóm khác trang trí phòng đón xuân, tập duyệt văn nghệ… Trung tá Nguyễn Văn Nga, Đồn trưởng Đồn BP Lăng Cô cho biết: Đồn Lăng Cô có nhiệm vụ bảo vệ toàn bộ khu vực đảo Sơn Chà. Riêng ở đảo được biên chế một đội công tác trực 24/24 giờ, đơn vị đang tổ chức chuyến tàu ra đảo để mang đến cho cán bộ, chiến sĩ ngoài đó những món quà Tết từ đất liền và cả cành hoa mai để anh em vui đón Tết. Một chiến sĩ đang mổ lợn nói thêm vào: “Chúng em đang chuẩn bị thực phẩm và mứt, bánh cho anh em ngoài đảo đây"...
Mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, sau khi sắp xếp các loại thực phẩm tươi sống, lương thực, thức ăn khô, đồ hộp, mứt, bánh, kẹo, nhu yếu phẩm, gạo nếp, chả giò, thịt lợn, bánh chưng… lên tàu, Đồn trưởng Nga hạ lệnh xuất phát, thẳng hướng ra đảo Sơn Chà. Nhìn qua cửa sổ con tàu, tôi thấy thị trấn Lăng Cô xa dần rồi khuất sau làn sương mờ ảo. Giữa biển khơi bao la, gió bắt đầu thổi mạnh, những con sóng chồm lên, mặt biển xám xịt, con tàu chòng chành rẽ sóng lướt tới. Thay cho sự háo hức ban đầu, tôi bắt đầu chếnh choáng, rồi nôn thốc, nôn tháo..., chỉ có những người lính biển là vẫn kiên cường chống chọi với sóng gió.
Khoảng nửa giờ đồng hồ sau, mặt biển bình yên trở lại. Tôi tiến về phía mũi tàu, nơi Đồn trưởng Nga đang đứng phóng tầm mắt ra biển cả. Chỉ tay về phía đảo, anh Nga bảo: Đảo Sơn Chà là một vùng đảo nhỏ, diện tích khoảng một cây số vuông. Đây là khu vực rừng nguyên sinh cần được bảo tồn, có nhiều loại động vật hoang dã như nai, mang, sơn dương... sinh sống, nên rất giàu tiềm năng về du lịch sinh thái. Bám trụ giữa biển khơi, ngày ngày, cán bộ, chiến sĩ vượt núi, trèo đèo tuần tra bảo vệ biển, đảo. Để đi hết địa bàn, cán bộ, chiến sĩ phải khởi hành từ lúc gà gáy đến tận chiều tối mới về doanh trại. Buổi trưa, mọi người tự nấu mì tôm mang theo để ăn thay cơm. Hôm nào trời mưa không đun nấu được, anh em phải ăn mì tôm sống lót dạ… Bao nỗi niềm tâm sự của người lính biển đã giúp tôi vượt qua sóng biển, chống lại những cơn say chếnh choáng. Và chuyến hành trình vượt biển đã đưa tôi cùng đơn vị mang quà Tết đến với cán bộ, chiến sĩ ở đảo Sơn Chà.
Ra tận bến đón chúng tôi có Thiếu tá Phạm Quang Thắng, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng cùng đông đảo cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Chà. Nét mặt rạng rỡ, anh Thắng bảo: Nghe tin các bác ra thăm đảo, anh em vui mừng vì xúc động. Nói rồi, anh Thắng hỏi tôi: Bác đi biển thời tiết này chắc mệt lắm? Thay cho câu trả lời, tôi hỏi lại anh Thắng: Vậy là thêm một cái Tết nữa xa gia đình, chắc là nhớ vợ con nhiều lắm phải không? Thoáng chút ưu tư, Thiếu tá Thắng thổ lộ: Rất nhớ anh ạ! Nhưng em đã làm công tác tư tưởng cho vợ con nhiều lần nên quen rồi. Với lại, ra đảo canh giữ biển trời quê hương là nghĩa vụ và trách nhiệm của người lính biên phòng mà. Qua câu chuyện với anh, tôi hiểu được tâm trạng và nỗi niềm của những người lính đảo mỗi khi Tết đến xuân về. Những ngày Tết, ở quê hương Nam Định, vợ con anh cũng đang mong ngóng từng giờ. Bao năm gắn bó với đảo thì có bấy nhiêu cái Tết xa nhà.
Đồn trưởng Nga dẫn tôi đi thăm khu vực tăng gia sản xuất của các chiến sĩ trên đảo. Ở đây vẫn nuôi đủ gà, vịt, cá các loại và tận dụng các hốc núi trồng rau xanh để chuẩn bị cho những ngày lễ, Tết. Đồn trưởng Nga bảo: Cùng với lương thực, thực phẩm và quà Tết từ đất liền, tiêu chuẩn trong dịp Tết của mỗi cán bộ, chiến sĩ trên đảo tăng gấp đôi so với ngày thường. Đặc biệt, năm nay, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã quyết định cấp bổ sung và sửa chữa máy phát điện, bảo đảm cho bộ đội sinh hoạt trong những ngày mừng năm mới. Thiếu úy Hồ Ngọc Mạnh (25 tuổi), mới ra trường vừa nhận nhiệm vụ tại đảo Sơn Chà tâm sự: "Tết này, đảo sẽ có một cái Tết vui tươi, rộn ràng, đầm ấm. Em rất hiểu sự vất vả của những chuyến đi biển dịp giáp Tết, vì mùa này là mùa biển động, sóng to, gió lớn đầy gian nguy, vất vả. Thế nhưng, chúng em luôn được sự quan tâm của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các ban, ngành của tỉnh, huyện, thị trấn... Nhờ đó đã kịp thời động viên, mang không khí mùa Xuân, hơi ấm của đất liền đến với cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên đảo. Đây là nguồn động lực tinh thần to lớn giúp chúng em vượt qua khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong giây phút ấy, tôi thấy thật xúc động và có lẽ mọi người đều có chung một niềm cảm xúc dâng trào, đó là cảm giác ấm áp của tình người.
Thế rồi, thời khắc chia tay với những người lính đảo cũng đã đến, tàu chuẩn bị rời bến, tất cả đội đều có mặt tiễn khách với tình cảm đầy lưu luyến. Con tàu xa dần, chúng tôi nhìn thấy bóng dáng những người lính đảo vẫy chào và dõi theo mãi đến khi con tàu khuất dần trong làn sương của biển, khiến tôi không sao cầm được nước mắt. Lúc này, chúng tôi cảm nhận rất rõ mùa xuân đang về trên khắp vùng biển, đảo của Tổ quốc. Và nơi đảo xa ấy, trong làn gió man mác mang theo hơi mặn của biển, tôi cảm nhận được sự hy sinh thầm lặng của những người lính đảo đang ngày đêm âm thầm chịu đựng gian khổ, hy sinh để bảo vệ bình yên vùng trời, vùng biển đảo của Tổ quốc.
Giao thừa trên biển vắng
Những ngày Tết Nguyên đán này, khi mọi người được sum vầy bên người thân, gia đình, thì các chiến sĩ Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế phải lênh đênh giữa khơi xa, canh giữ cho vùng biển của Tổ quốc. Không khí đón Tết của các anh bốn bề chỉ có gió và sóng biển dạt dào. Và mùa xuân lại đến từ trong niềm tin, ánh mắt, nụ cười của những người lính biển. Đấy là những ước mơ bé nhỏ, là giây phút chạnh lòng trong thời khắc giao thừa đón xuân sang…
Chiều giáp Tết, công việc của các cán bộ, chiến sĩ ở đây khá bận rộn. Trung tá Lê Phước Quảng, Hải đội trưởng Hải đội 2, người có thâm niên hơn 10 năm làm lính biển tâm sự: "Cứ giáp Tết là cán bộ, chiến sĩ của đơn vị phải lên đường làm nhiệm vụ, đến khi về lại đất liền thì Tết đã qua. Thời khắc giao thừa cũng là lúc tàu của đơn vị đang lênh đênh giữa biển khơi nên anh em ai cũng xốn xang và nhớ gia đình lắm, nhưng rồi tự động viên nhau để hoàn thành nhiệm vụ". Ngưng chốc lát, anh lại nói tiếp: "Do đặc thù công tác như vậy, nên trước Tết, đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đón Tết sớm. Đón Tết sớm xong, bắt đầu từ ngày 28 Tết, cán bộ, chiến sĩ phải lên tàu làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ tuyến biển từ đảo Cồn Cỏ (tỉnh Quảng Trị) cho đến tận đảo Sơn Chà. Trước khi anh em lên đường làm nhiệm vụ, đơn vị chuẩn bị đầy đủ các món ăn, từ bánh chưng, dưa món, thịt lợn, đến các loại bánh mứt theo tiêu chuẩn để đưa lên tàu... và sẵn sàng xuất kích làm nhiệm vụ khi có lệnh!"
Tôi cùng Trung tá Lê Phước Quảng ra cảng thăm tàu BP31-12-01 của đơn vị. Trên boong tàu dựng lên một chiếc trại nhỏ. Đó là phòng đón xuân được trang trí thật đẹp với cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, câu đối Tết rực rỡ sắc màu. Phía bên cạnh, cành mai chúm chím nụ xuân cùng với mâm ngũ quả đặt trang trọng trên bàn thờ càng tôn thêm hương sắc năm mới. Anh Quảng bảo: "Tết này, mình phải túc trực ở đơn vị, phải thường xuyên liên lạc với tàu tuần tra. Còn nhớ, những ngày xuân năm trước, trên tàu lúc đó, đa số là chiến sĩ trẻ, giây phút tàu rời đơn vị, nhiều đồng chí mắt đỏ hoe. Cũng đúng thôi, họ là những thanh niên mà, có người chưa được một tuổi quân, lần đầu xa nhà, lại đón xuân trên biển mịt mù sóng gió, ai mà không bịn rịn, bâng khuâng, nhung nhớ. Cấp ủy, chỉ huy đơn vị phân công nhau thường xuyên gần gũi, động viên anh em...".
Mải tâm sự với đồng chí Hải đội trưởng, đèn sáng trong các ô cửa khi nào không hay. Cũng vừa lúc các chiến sĩ đã trang hoàng, chuẩn bị xong cho chiếc tàu. Đêm giáp Tết, gió biển se lạnh, phía thị trấn Thuận An rực rỡ ánh đèn. Trên tàu, những người lính biển đang say mê ca hát làm cho không khí ấm lại. Mọi người yêu cầu tôi hát, tôi đã hát nhạc phẩm "Bài ca không quên" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Bài hát kết thúc, anh em vỗ tay hoan hô thật vui. Đêm lắng đọng, cả tàu không ngủ, chúng tôi quây quần hỏi chuyện gia đình, chuyện sinh hoạt trên tàu, chuyện tình yêu của các chiến sĩ trẻ…, tôi thấu hiểu thêm những mất mát, hy sinh to lớn của những người lính biển. Thiếu úy Nguyễn Quang Thành, nhân viên hàng hải bảo rằng: "Vì yêu cầu nhiệm vụ, số anh em ở tàu được tranh thủ về quê ăn Tết rất ít. Có cán bộ, chiến sĩ hai năm chưa được về vui Tết với gia đình lần nào". Ngồi bên cạnh tôi là Châu Ánh, một binh nhất tuổi vừa tròn mười chín, lần đầu tiên ăn Tết xa nhà. "Tết phải xa nhà thế này chắc là nhớ lắm nhỉ?" - Tôi hỏi Ánh. Nở nụ cười hiền lành, chàng lính trẻ nói: "Nhớ lắm chứ anh, nhưng được sống trong không khí vui vẻ, đầm ấm của đơn vị thế này, em cũng thấy đỡ đi phần nào". Tôi biết, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lính biển đều biết vượt lên khó khăn gian khổ, mất mát, hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ...
Bình minh đến sớm nơi trùng khơi, dường như bình minh trên cửa biển Thuận An thật trong lành. Những tia nắng đầu xuân đang ngời lên trên mặt nước miên man. Tiếng còi tàu hụ lên một hồi dài như xé toang màn sương tĩnh mịch. Tất cả các chiến sĩ đã tập hợp ngay ngắn trên boong. Tạm biệt những người lính biển cũng là lúc mùa xuân đang rộn ràng khắp đất trời. Nhưng tôi biết, ngoài khơi xa ấy đang có những con tàu vẫn âm thầm vượt bão giông, đạp bằng sóng dữ. Nơi ấy, các anh vẫn chắc tay lái, vững tay súng canh giữ biển trời quê hương.