Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 28/03/2023 07:18 GMT+7

Đón Tết Hà Nhì nơi đầu nguồn sông Đà

Biên phòng - Sáng tinh mơ, ngoài sân, 3 người con trai của ông Chu Mụ Cà phải rất vất vả mới làm thịt được con lợn to gần một tạ. Trong nhà, vợ ông và 2 cô con dâu đã kịp nặn xong mẻ bánh giày khi trời vừa hửng sáng. Tại mỗi nếp nhà của người Hà Nhì nơi đầu nguồn sông Đà, những ngày Tết truyền thống đã bắt đầu...

21ja
Hát múa là một hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết ở các bản của người Hà Nhì. Ảnh: Phương Tú

Đã là ông nội của 7 đứa cháu, nhưng ông Chu Mụ Cà, Phó Chủ tịch UBND xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu vẫn rất phong độ, hoạt bát. Sau khi phụ giúp các con làm thịt lợn, ông Cà mời tôi nếm thử bánh giầy, được nặn bằng gạo nếp cẩm do nhà trồng được. Những chiếc bánh giầy màu tím nhạt vẫn còn âm ấm, thoang thoảng mùi nếp mới như ngon hơn khi thưởng thức trong căn nhà gỗ ấm cúng, vào đúng ngày đầu năm mới của người Hà Nhì.

Theo lời ông Chu Mụ Cà, thịt lợn và làm bánh giầy là 2 “thủ tục” không thể thiếu trong mỗi gia đình Hà Nhì vào dịp Tết. Bánh giầy có thể làm bằng gạo nếp nhà trồng hoặc đi mua; nhưng lợn thì nhất định phải là lợn gia đình tự nuôi, bởi sau khi thịt, lá gan của nó sẽ dùng để xem vận may, rủi của cả gia đình trong năm mới.

Việc thịt lợn và làm bánh giầy thường diễn ra đồng thời vào sáng ngày đầu tiên của năm mới để kịp cúng tổ tiên, ông bà... Trong đó, thịt lợn là việc của đàn ông, việc nặn bánh do phụ nữ đảm nhiệm. Tùy vào điều kiện gia đình mà con lợn được mổ to hay bé, mẻ xôi làm bánh giầy đầy hay vơi...

Lần đầu tiên lên đón Tết Hà Nhì ở Ka Lăng, tôi thật không uổng công dậy sớm để được tận mắt chứng kiến không khí Tết trong những nếp nhà ẩn hiện giữa mây trắng bồng bềnh. Bên những gốc mận đang bung hoa trắng xóa, người đàn ông Hà Nhì mạnh mẽ “đánh vật” với con lợn béo tốt. Trong bếp, những người phụ nữ khăn áo rực rỡ tíu tít với việc bếp núc. Góc sân, vài đứa trẻ còn ngái ngủ ngồi xem người lớn làm thịt lợn, giã bánh, khăn mũ còn vương hơi sương sớm.

Trò chuyện với ông Lỳ Xừ Xá, ở bản Tạ Phu, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ka Lăng mới hay, người Hà Nhì không ấn định ngày nào hằng năm để đón Tết mà đón Tết theo lịch riêng (thường là vào ngày Thìn, tức cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 dương lịch). Đây cũng là lúc người dân Hà Nhì đã tạm ngưng công việc đồng áng, ngô lúa đã thu hoạch xong. Tùy từng bản, từng xã mà Tết Hà Nhì được tổ chức sớm hay muộn vài ngày.

So với Tết truyền thống về “lý lẽ”, phong tục, tập quán của người Hà Nhì hiện không có gì thay đổi. Nhưng nhờ những chính sách, chế độ của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có người Hà Nhì, nên đời sống của người dân nơi đây đã có nhiều thay đổi tích cực. Việc chuẩn bị Tết bây giờ chu đáo hơn; ăn uống được cải thiện, món ăn cũng đa dạng. Tết năm nay, các hộ không đủ điều kiện đón Tết đều được UBND huyện Mường Tè hỗ trợ 150.000 đồng/khẩu, để ngày Tết thêm vui.

“Ngày trước, giao thông cách trở, đi từ xã nọ sang xã kia mất cả ngày đường. Nay đường sá đã tốt hơn nhiều, xe máy, ô tô lên được tận bản. Tết đến chỉ “a lô” là anh em ở xa lên ăn Tết. Tết đông vui hơn, giao lưu gần gũi hơn...” – Ông Xá vừa kể tôi nghe, vừa xăng xái giúp vợ chuẩn bị thực phẩm đón Tết.

Vợ ông Xá thấy tôi chú ý đến bộ trang phục bà đang mặc liền lụi hụi vào buồng lấy ra bộ quần áo bà dành để diện Tết. Hỏi chuyện mới hay, người phụ nữ Hà Nhì nào ở Ka Lăng cũng có 2-3 bộ quần áo truyền thống như vậy. Từ bàn tay khéo léo của mình, chính những người phụ nữ đã tạo ra các đường nét, hoa văn tinh tế, cầu kỳ, tỉ mỉ trên váy áo. Những bộ quần áo rực rỡ đã làm nên nét đặc trưng riêng có của người phụ nữ Hà Nhì nơi đầu nguồn sông Đà...

qu5g_21b
Người Hà Nhì quây quần bên mâm cỗ Tết. Ảnh: Phương Tú

Không chỉ được đón Tết ở các bản gần trung tâm xã Ka Lăng, theo chân đoàn cán bộ UBND huyện Mường Tè và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ka Lăng đi chúc Tết đồng bào Hà Nhì, tôi còn có dịp chứng kiến không khí Tết ở các bản xa xôi như: Nhù Tè, Nhù Cả, Tù Nạ, Lé Ma... Mặc dù, trận mưa lũ hồi tháng 9 khiến một số bản ở Ka Lăng bị ảnh hưởng không nhỏ nhưng ngày Tết, hộ nào cũng vẫn có thịt treo gác bếp, trẻ con, người già vui vẻ trong điệu múa, lời ca mừng năm mới. Khách đến với bản Hà Nhì vào những ngày Tết luôn được chào đón với tình cảm nồng nhiệt nhất.

Nói về đồng bào Hà Nhì, ông Tống Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè luôn dành những lời tốt đẹp nhất. Theo ông, nhiều năm qua, đồng bào Hà Nhì luôn là những người chịu khó lao động sản xuất, có truyền thống hiếu học, đặc biệt là thực hiện rất tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng bào Hà Nhì ở xã Ka Lăng, Mù Cả, Tá Bạ hay Thu Lũm luôn sống đoàn kết, gắn bó. Tinh thần và ý thức của bà con chính là yếu tố quan trọng để tạo nên sự vững chãi, yên ổn ở các xã biên giới xa xôi, cách trở của huyện Mường Tè.

Tháng 12, dọc theo những con đường vào các bản ở Ka Lăng, từng thảm cúc quỳ nở vàng rực rỡ, xa xa là những cánh rừng xanh thẳm ẩn hiện. Câu chuyện người Hà Nhì hiếu học, biết giữ rừng giống như những nốt nhạc vui cứ ngân vang, ngân vang mãi...; để khách phương xa như tôi, sau những ngày dừng chân nơi đây, bỗng thấy thương hơn, yêu hơn mảnh đất Ka Lăng – nơi con sông Đà đang “miệt mài” chảy vào đất Việt.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tống Văn Dương, để từng bước tạo nên những đổi thay tích cực trong đời sống của người Hà Nhì, mấy năm gần đây, huyện Mường Tè đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các xã nói chung, Ka Lăng nói riêng. Trong đó, bên cạnh quyết tâm giữ rừng, nhiều loại cây dược liệu phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của Ka Lăng đã và đang được đầu tư trồng tại vùng đất này.

Phương Tú

Bình luận

ZALO