Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:04 GMT+7

Đón Tết Ga Tho Tho cùng đồng bào Hà Nhì

Biên phòng - Trong cái lạnh dưới 10 độ C, những chùm hoa anh đào phớt hồng rung rinh trong gió. Những cây đào già cũng bắt đầu bung hoa khoe sắc trong làn sương mờ ảo. Thật kỳ lạ, đúng ngày Tết Ga Tho Tho của người Hà Nhì đen, mặt trời bỗng nhô lên khỏi làn mây mà không có một dấu hiệu báo trước sau chuỗi ngày dài sương mù dày đặc. Cả vùng biên Y Tý, Bát Xát, Lào Cai bừng sáng. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, người Hà Nhì tưng bừng, phấn khởi đón Tết Ga Tho Tho của dân tộc.

5c2713553f5e0209f700098b
Bữa cơm đầm ấm đón Tết Ga Tho Tho của gia đình bà Sần Giá Nơ, ở thôn Mò Phú Chải. Ảnh: Bích Nguyên  

Tết sớm

Tết Ga Tho Tho năm nay diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 15 đến 17-12-2018 (tức là từ ngày 9 đến 11-11 năm Mậu Tuất). Đúng hẹn, 9 giờ sáng, tôi có mặt tại nhà ông Ly Giờ Có, bản Lao Chải 3, xã Y Tý. Trong nhà ông khá đông khách, có cả BĐBP, nam nữ thanh niên, anh em, họ hàng, bạn bè trong xã, ngoài huyện tới thăm. Chủ, khách không phân biệt, mỗi người một tay vui vẻ chuẩn bị những mâm cỗ đón Tết. Trước đó, từ sáng sớm, ông Có và người nhà đã thức dậy mổ con lợn chừng hơn 1 tạ để ăn Tết. Lúc này, mùi thịt nướng thơm lừng một góc trời. Thịt nướng, thịt xào, canh đậu, cải xào, xôi nếp cẩm - những món ăn truyền thống của người Hà Nhì lần lượt được bày lên mâm, chỉ còn chờ chủ nhà làm lễ xong là khai cuộc.

Ông Ly Giờ Có, nguyên là Chủ tịch, Bí thư Đảng ủy xã Y Tý. Tháng 8 năm nay, ông được tổ chức phân công làm Bí thư Đảng ủy xã Ngải Thầu, cũng là xã biên giới giáp với Y Tý. Vì thế, khách mời ăn Tết năm nay của nhà ông có cả cán bộ xã Ngải Thầu. Tôi tò mò hỏi ông Có: “Ga Tho Tho” nghĩa là gì? Ông Có cười bảo: “Không biết dịch thế nào, chỉ biết đây là Tết để người Hà Nhì bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà và các vị thần linh trong một năm qua đã phù hộ cho gia đình khỏe mạnh, bình an, mùa màng bội thu”. Với ý nghĩa đó, Tết Ga Tho Tho được coi là nghi lễ truyền thống quan trọng của người Hà Nhì, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. 

Thông thường, người Hà Nhì chọn ngày Tỵ (ngày con rắn) đầu tiên của tháng 11 âm lịch để tổ chức Tết Ga Tho Tho. “Trong quan niệm của người Hà Nhì, ngày Tỵ là ngày của con người nên chúng tôi chọn ngày này để tổ chức Tết” - Ông Có cho biết. Dù rằng chọn ngày Tỵ, nhưng Tết Ga Tho Tho của người Hà Nhì không cố định mà thay đổi mỗi năm. Hóa ra, trong những điều kiêng kỵ của người Hà Nhì, có việc kiêng làm Tết Ga Tho Tho vào ngày đầu tháng. Nếu ngày Tỵ năm đó rơi vào ngày mùng 1, 2 hoặc mùng 3 thì người Hà Nhì sẽ lùi Tết Ga Tho Tho lại tới ngày Tỵ thứ 2 của tháng 11. “Chúng tôi quan niệm  ngày 1, 2, 3 là “ngày non”, không đẹp. Nếu ngày Tỵ đầu tiên của tháng 11 rơi vào ngày đó, bà con trong thôn sẽ thống nhất lùi lại, chọn ngày Tỵ tiếp theo mới tổ chức, vì thế, có năm Tết Ga Tho Tho rơi vào ngày 10 tháng 11 âm lịch” - Ông Có giải thích.

Mỗi gia đình người Hà Nhì đều nuôi ít nhất một con lợn để ăn Tết Ga Tho Tho, vì tập tục ở đây không mua thịt ngoài chợ mang về cúng. Đặc biệt, đồ cúng trên bàn thờ của người Hà Nhì phải có đủ tim, gan và thịt mông của con lợn. “Nhà nào không có điều kiện mổ lợn thì sẽ đi mượn thịt của họ hàng và bà con trong thôn về cúng, rồi trả sau. Người Hà Nhì không bao giờ mua thịt ngoài chợ về cúng tổ tiên, thần linh trong dịp này” - Một người Hà Nhì chia sẻ.

Đồ cúng của người Hà Nhì dâng lên tổ tiên không cầu kỳ mà rất đơn giản nhưng phải có đủ 4 món. “Theo truyền thống của chúng tôi, đồ cúng dâng lên bàn thờ nhất thiết phải có 1 bát chè gừng, 1 bát rượu, 1 bát cơm, 1 bát thịt. Đây là 4 món không bao giờ thiếu” - anh Chu Ché Xá, Trưởng thôn Lao Chải 1 cho biết. Cách làm chè gừng của người Hà Nhì cũng có nét riêng, tuân thủ những ý niệm đã đi sâu vào tiềm thức. “Gừng thái lát mỏng, bắt buộc phải bỏ lát đầu tiên, chỉ lấy 3 lát sau. Xong rồi cho gừng vào bát. Sau đó, lấy 3 thìa nước có thể là nước trắng hoặc nước luộc thịt và một ít muối cho vào bát” - Anh Xá kể. 

Đã đến nhà là phải ăn cơm

Theo chân những người lính Biên phòng Y Tý, chúng tôi có trọn một ngày ghé thăm, ăn Tết cùng bà con Hà Nhì ở thôn Lao Chải 1, Lao Chải 3,  Mò Phú Chải. “Đã đến nhà chơi là phải ăn cơm, dù chỉ một miếng” - Anh Ly Thó Suy, thôn Mò Phú Chải nhiệt tình mời bằng được chúng tôi ngồi vào mâm. Không khí đầm ấm trong mỗi gia đình Hà Nhì dường như xua tan cái lạnh ở xứ mù sương này.

Trải nghiệm Tết Ga Tho Tho, tôi khám phá ra một điều khá thú vị, dù vị thế của phụ nữ Hà Nhì ở đây chưa được coi trọng, nhưng trong Tết Ga Tho Tho, người đàn ông, chủ gia đình chưa thể làm lễ cúng tổ tiên, thần linh nếu người vợ không có mặt ở nhà. Bởi “nghi thức truyền thống của người Hà Nhì bắt buộc người vợ phải là người đưa đồ cúng cho chồng để dâng lên bàn thờ” - Anh Xá cho hay. Chính bởi điều này mà nhà anh Ly Xạ Giá chưa làm lễ cúng được, do vợ đi giã bánh giầy chưa về, trong khi nhà ông Có đã rộn ràng nâng chén rượu chúc nhau nhiều niềm vui và may mắn.

5c2aadc93f5e0221ae000c1b
Cán bộ Đồn Biên phòng Y Tý (BĐBP Lào Cai) cùng đón Tết Ga Tho Tho với gia đình ông Ly Giờ Có. Ảnh: Bích Nguyên

Tới 11 giờ trưa, Sờn Giá Pớ, vợ của anh Giá mới về với gùi bánh giầy nặng trĩu trên vai. Lúc này, không khí rộn ràng đón Tết thực sự ùa về ngôi nhà nhỏ trên sườn đồi. Bên bếp lửa hồng rực, anh Giá lau dọn bàn thờ (người Hà Nhì đặt bàn thờ ở trong góc bếp), lấy chậu, bát, thớt, chén, ống đựng rượu cất ở đó ra rửa. Thì ra, người Hà Nhì có bộ đồ thờ cúng riêng, không để lẫn với đồ dùng thường ngày. 

Chị Pớ mặc trang phục truyền thống, đội búi tóc giả, luôn túc trực trong bếp cùng chồng chuẩn bị đồ cúng. Chị lấy thịt luộc đưa cho anh Giá thái để vào bát, rồi xới cơm, chuyển bánh giầy cho chồng thành kính dâng lên bàn thờ tổ tiên. Bày biện bàn thờ xong, anh Giá và các thành viên trong gia đình lần lượt vái lạy tổ tiên, thần linh. Nghi lễ chưa dừng lại ở đó, anh Giá tiếp tục đem đồ cúng ra cửa nhà làm lễ một lần nữa. Nghi lễ cúng này được lặp lại trong 3 ngày Tết vào sáng và tối.

Xong phần lễ, chủ, khách mới ngồi vào mâm ăn Tết. Thịt lợn cúng được chia đều cho mỗi người trong gia đình cùng hưởng lộc. Trong 3 ngày Tết Ga Tho Tho, cũng giống như Tết Nguyên đán, người Hà Nhì sang nhà nhau chơi, chúc nhau những điều tốt lành. Thông thường, nhà nào cũng làm một vài mâm cơm mời khách. Chiếc mâm đan bằng mây tre truyền thống của người Hà Nhì rất lớn, có thể ngồi tới 10 người, thành ra chỉ 3 mâm khách thôi là đã rộn ràng cả bản. 

Bích Nguyên

Bình luận

ZALO