Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 26/09/2023 10:45 GMT+7

Đón Tết Chôl Chnăm Thmây - an toàn là trên hết

Biên phòng - Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-9 nên Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2020 (diễn ra từ ngày 13 đến 16-4) của đồng bào dân tộc Khmer sẽ không diễn ra một cách tưng bừng, rộn rã như những năm trước. Thay vào đó, các tỉnh, thành phố có đông đồng bào dân tộc Khmer tập trung thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch để bà con được đón một cái Tết giản đơn nhưng thật sự vui tươi, an toàn.

c70b_22
Ông Lâm Văn Mẫn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng trao quà cho Hòa thượng Tăng Nô nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2020. Ảnh: Phương Nghi

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Để chuẩn bị tổ chức cho đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền trong bối cảnh dịch Covid-19 đang ở giai đoạn mang tính chất quyết định, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản gửi đến các chức sắc, trụ trì cùng tăng ni, phật tử đề nghị đón Tết Chôl Chnăm Thmây đầm ấm nhưng không tổ chức quy mô đông người.

Năm nay, Tết Chôl Chnăm Thmây buộc phải điều chỉnh quy mô và cách thức tổ chức để phòng tránh dịch bệnh Covid-19. Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng Thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, Trụ trì chùa Khléang ở thành phố Sóc Trăng cho biết: Hội đã thông tin đến các trụ trì và Ban quản trị chùa Khmer trong tỉnh chú trọng tuyên truyền, vận động đồng bào phật tử thực hiện nghiêm các quy định chung về công tác phòng chống dịch Covid-19. Đối với các nghi lễ diễn ra trong Tết cổ truyền từ ngày 13 đến 16-4, các chùa không tập trung đông người và hướng dẫn, khuyến cáo đồng bào ở tại phum sóc, tổ chức nghi lễ tại gia đình. Tất cả tăng ni, phật tử thực hiện được những điều này đã mang phúc, lộc đầu năm đến cho bá tánh.

“Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu thực hiện các nghi lễ tại chùa không quá 10 người (gồm 2-4 vị sư và 4-6 vị ban quản trị chùa). Không cho phép người dân kinh doanh, buôn bán tại chùa, không tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí... Đến nay, hầu hết đồng bào phật tử trong tỉnh đều nhận thức tốt về tình hình dịch bệnh và chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19” - Hòa thượng Tăng Nô nói.

Những ngày này, các tuyến đường trong các phum sóc ở Sóc Trăng đều vắng bóng người và phương tiện qua lại, do bà con hạn chế ra đường và tất cả đều đeo khẩu trang, giữ khoảng cách theo quy định mỗi khi có việc cần phải ra khỏi nhà. Cùng với lãnh đạo xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi đến chùa Bâng Cro Chap Thmây. Tại đây, Thượng tọa Thạch Thươl, Chi hội trưởng Chi hội Đoàn kết sư sãi yêu nước huyện Long Phú, Trụ trì chùa Bâng Cro Chap Thmây cho biết: “Để chung tay phòng, chống dịch Covid-19, chùa đã thông báo, vận động bà con tổ chức đón Tết với quy mô nhỏ, gọn; chủ yếu tổ chức trong phạm vi gia đình, không đến chùa đông người để phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Đồng thời, không tập trung bà con phật tử trong thời gian làm lễ rước đại lịch; chùa sẽ tổ chức cầu siêu chung cho tất cả các linh hồn người quá cố...”.

Ông Sơn Sal, A cha chùa Luông Bassac Bãi Xàu, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng nói: “Đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer năm nay, tôi và người thân trong gia đình cùng bà con phật tử đã chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ hằng ngày. Do Tết năm nay diễn ra vào thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên tôi đã tuyên truyền, vận động bà con phật tử cũng như các thành viên trong gia đình hạn chế tham gia các hoạt động lễ hội và ít đi cúng viếng nơi chùa có đông người. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình tích cực vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế”.

5hk9_22a
Chùa Chrôi Tum Chắc ở tỉnh Sóc Trăng tạm đóng cửa trong thời gian cách ly toàn xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Phương Nghi

Ông Kim Long, ở ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Ở địa phương đã tuyên truyền, vận động bà con không nên tập trung đông người, ra khỏi nhà thì phải đeo khẩu trang; lễ cưới, lễ tang ở địa phương cũng thông báo bà con không nên tập trung đông người. Đặc biệt, những ngày Tết Chôl Chnăm Thmây, bà con Khmer không đi chùa mà chỉ cúng kiến tại gia đình”.

Với sự vào cuộc kịp thời, khẩn trương của các cấp chính quyền địa phương, cùng với sự đồng lòng của các chùa, sư sãi, a cha và ý thức cộng đồng trách nhiệm của đồng bào Khmer, hy vọng rằng, Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay sẽ đầm ấm, gói gọn các lễ trong nội bộ gia đình. Bà con Khmer bày tỏ sự đồng tâm, hiệp lực cùng với chính quyền địa phương và cả nước phòng, chống dịch Covid-19 một cách hiệu quả nhất. 

Phương Nghi

Bình luận

ZALO