Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ tư, 11/09/2024 06:40 GMT+7

Dồn lực giúp dân ứng phó với bão số 4

Biên phòng - Rạng sáng 26/9, đã vượt qua khu vực phía Nam của đảo Luzon (Philippines), đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 4 năm 2022 và được dự báo sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Trung nước ta. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP và chính quyền địa phương, Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố miền Trung đã duy trì thường trực quân số, phương tiện bám địa bàn, giúp dân ứng phó với bão số 4.

Thượng tá Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 4 tại Hải đội 2, BĐBP Quảng Trị. Ảnh: Đình Tiến

Địa bàn tỉnh Quảng Trị được dự báo sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi bão số 4 đổ bộ, những ngày qua, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã triển khai lực lượng bám địa bàn hỗ trợ nhân dân chuẩn bị các phương án ứng phó. Thượng tá Nguyễn Bá Duyệt, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Quảng Trị cho biết, tính đến sáng 26/9, tất cả 2.299 phương tiện/ trên 6.108, lao động của tỉnh Quảng Trị đã vào bờ tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, tại cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị còn có 14/113 thuyền viên của các địa phương khác đang neo đậu.

Tổ công tác Đồn Biên phòng cảng Cửa Việt, BĐBP Quảng Trị sử dụng ca nô yêu cầu ngư dân sắp xếp phương tiện đúng qui định. Ảnh: Việt Anh
Cán bộ Đồn Biên phòng Triệu Vân, BĐBP Quảng Trị giúp dân thu gom lưới tránh trú bão. Ảnh: Đình Tiến

Cũng trong sáng 26/9, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã thành lập 2 đoàn công tác đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của bão số 4 có thể gây ra.

Cán bộ Đồn Biên phòng cảng Thuận An, BĐBP Thừa Thiên Huế chuẩn bị phương án di dân đến nơi an toàn. Ảnh: Ngọc Bình

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện lệnh cấm biển từ sáng ngày 25/9, áp dụng với cả các loại phương tiện đánh bắt ở vùng bãi ngang, ven biển. Các Đồn Biên phòng tuyến biển và Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế tăng cường lực lượng, phương tiện phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan tổ chức hướng dẫn sắp xếp phương tiện vào khu neo đậu.

Tính đến sáng 26/9, đã có 2.045 phương tiện/ 11.194 lao động tỉnh Thừa Thiên Huế (tổng số phương tiện tàu cá của địa phương hoạt động trên biển là 2.062 phương tiện/11.350 lao động) vào bờ tránh trú an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các đơn vị vũ trang tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị bao cát gia cố các vị trí xung yếu trên địa bàn xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Ngọc Bình

Hiện, vẫn còn trên biển 17 phương tiện/156 lao động của tỉnh Thừa Thiên Huế đang đánh bắt ở khu vực Nam Vịnh Bắc Bộ và khu vực biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng cách bờ 40-65 hải lý; tất cả các phương tiện trên đã nhận được thông tin về bão, dự kiến trong ngày 26/9 sẽ vào bờ neo đậu.

Sáng 26/9, các đồn Biên phòng tuyến biến biển của BĐBP Thừa Thiên Huế đã tổ chức di dân ở các vị trí xung yếu đến nơi an toàn, đồng thời gia cố các tuyến đê xung yếu có thể sạt lở khi sóng biển dâng cao.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hải Vân, BĐBP thành phố Đà Nẵng hỗ trợ ngư dân đưa phương tiện tránh bão số 4. Ảnh: Hải Vân

Tại thành phố Đà Nẵng, lực lượng chức năng đã kiểm đếm được hơn 1.200 tàu cá vào neo đậu tại âu thuyền. Theo Thượng tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP thành phố Đà Nẵng, hiện có 18 tàu buôn bán xăng dầu đã được di dời ra khỏi khu vực âu thuyền để phòng, chống cháy nổ. Đơn vị đang tiếp tục phối hợp với Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung neo đậu trú bão an toàn.

Hiện tại, thành phố Đà Nẵng vẫn còn 35 tàu cá hoạt động trên biển, trong đó có 7 tàu gần bờ, số còn lại đang được hướng dẫn để ngư dân thoát ra khỏi vùng nguy hiểm và đang dịch chuyển vào gần bờ an toàn. Bộ chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai lực lượng bám địa bàn hỗ trợ nhân dân sắp xếp tàu thuyền, chằng chống nhà cửa và lên phương án sơ tán nhân dân khi cần thiết.

Viết Lam

Bình luận

ZALO