Biên phòng - Những ngày đầu năm 2019, hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép trên tuyến biên giới tỉnh An Giang diễn ra có chiều hướng phức tạp. Trước tình hình trên, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, BĐBP An Giang đã tăng cường lực lượng, tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và thu được nhiều kết quả.
Căng mình chống buôn lậu
Tại tuyến biên giới tỉnh An Giang, hàng hóa nhập lậu được vận chuyển bằng xuồng máy có công suất lớn, chạy men theo các tuyến kênh, rạch qua địa phận ấp Bà Bài, ấp Cây Châm, thuộc xã Vĩnh Tế, thành phố Châu Đốc và xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, khu vực biên giới giáp ấp 2, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú... Sau đó, “hàng” được phân nhỏ, ém vào các điểm tập kết tại thành phố Châu Đốc để tuồn vào nội địa tiêu thụ...
Đã có hàng trăm vụ buôn lậu được các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ trong thời gian qua ở khu vực này, song đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Có thể dẫn ra một số vụ điển hình sau đây:
Vào ngày 14-1-2019, gần mốc giới 266, thuộc khóm Vĩnh Chánh 3, phường Vĩnh Nguơn, thành phố Châu Đốc, Tổ công tác của Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn phát hiện một số đối tượng đang đai vác hàng hóa từ Campuchia về Việt Nam, có nhiều biểu hiện nghi vấn. Thấy lực lượng chức năng, các đối tượng bỏ lại toàn bộ số hàng hóa và bỏ chạy về phía Campuchia. Tiến hành kiểm tra, Tổ công tác thu giữ 2.000 gói thuốc lá ngoại nhập lậu.
Trước đó, thực hiện kế hoạch của Bộ Chỉ huy BĐBP An Giang về tổ chức đợt cao điểm đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2019, từ ngày 2 đến 6-1, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn độc lập và phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 4 vụ buôn lậu quy mô lớn, tang vật thu giữ gồm 9.025 gói thuốc lá ngoại các loại, 9 tủ lạnh và hàng nghìn thiết bị điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng đã qua sử dụng.
Ngày 2-1, tại khu vực Kênh Tư, khóm Vĩnh Tây 2, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, Đoàn Đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Nam, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chủ trì, phối hợp Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn, tổ chức triển khai kế hoạch đấu tranh Chuyên án 014A. Lực lượng đánh án đã phát hiện 2 xe ô tô tải đang vận chuyển 388 sản phẩm hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, tổng trị giá hàng hóa khoảng 1 tỷ đồng; lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng hóa nói trên.
Đủ chiêu trò đối phó
Hoạt động buôn lậu qua biên giới tỉnh An Giang vẫn diễn biến phức tạp do lợi nhuận cao, thủ đoạn hoạt động phạm tội tuy không mới nhưng rất tinh vi. Như mặt hàng thuốc lá điếu nhập lậu vận chuyển thường bị các đối tượng xé lẻ, ngụy trang kín đáo, thuê mướn người vận chuyển bằng nhiều phương tiện khác nhau và không tập kết hàng như trước, nhằm đối phó với cơ quan chức năng.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Nam, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn: “Trên tinh thần kiên quyết tấn công các loại tội phạm, nhất là thời điểm đầu năm 2019, đơn vị đã ra quân đấu tranh quyết liệt. Vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ, đánh mạnh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Chủ động đánh mạnh vào các mặt hàng như thuốc lá ngoại, đường cát Thái Lan, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng... Có được kết quả trên, do đơn vị tổ chức triển khai nghiêm túc các kế hoạch, chỉ thị của cấp trên. Từ đó, đã kiềm chế, làm giảm hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn”.
Được biết, để ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới, hàng chục năm qua, các lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã đồng loạt ra quân đấu tranh, nhưng vẫn chưa có được giải pháp căn cơ. Theo lực lượng chức năng, một trong những nguyên nhân chính chưa ngăn chặn triệt để được buôn lậu qua biên giới là địa bàn rộng, phức tạp, thuận lợi cho các đối tượng hoạt động. Bên cạnh đó, do lợi nhuận quá lớn, mỗi chuyến “hàng” trót lọt sẽ thu được hàng chục triệu đồng, khiến cho các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi và hoạt động hết sức phức tạp, liều lĩnh.
Đặc biệt, theo tìm hiểu của chúng tôi, thay vì vận chuyển hàng hóa thuê cho các chủ buôn lậu khác như vài năm trước, thì hiện nay, dân buôn lậu tại tỉnh An Giang lại liên kết “làm ăn” theo đường dây, được bố trí rất bài bản, tổ chức công phu. Như thuốc lá được các chủ người Việt ở Campuchia đưa về địa bàn giáp ranh rồi liên lạc trực tiếp với các đầu nậu nhận hàng, theo hình thức mua bán “tiền trao, cháo múc”. Sau đó, hàng được giới cửu vạn vận chuyển bằng xe gắn máy chạy về địa điểm tập kết cho các chủ đầu nậu. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức hoạt động, các đầu nậu tính toán rất chặt chẽ, gắn trách nhiệm bồi thường hàng với dân cửu vạn, nên hoạt động ngày càng kín kẽ.
Theo Đồn trưởng Hoàng Văn Nam, thời gian tới, Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn tiếp tục tăng cường lực lượng, phương tiện, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các địa bàn trọng yếu để ngăn chặn buôn lậu. Ngoài ra, đơn vị tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt quan điểm không có “vùng cấm” trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ, tạo sự đồng thuận cao, từ đó, đẩy mạnh công tác đấu tranh, bắt giữ, không để hình thành các điểm nóng trên khu vực biên giới.
Lê Đồng