Biên phòng - Toàn cầu hóa ngay trong giai đoạn đầu phòng, chống dịch Covid-19 đã bộc lộ yếu điểm khi nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều nền kinh tế khốn đốn vì quá phụ thuộc vào nguồn cung cấp vật tư, nguyên liệu sản xuất ở một số quốc gia nắm giữ lợi thế. Sự cần thiết phải hình thành các chuỗi cung ứng kép đang buộc chính phủ nhiều quốc gia tăng đầu tư trong nước và điều chỉnh chính sách, dịch chuyển đầu tư, sản xuất hàng hóa sang các quốc gia phù hợp.

Ở khu vực châu Á, Việt Nam trở thành “lựa chọn” hàng đầu trong làn sóng dịch chuyển đầu tư toàn cầu. Bởi, Việt Nam không chỉ là điểm sáng của thế giới trong ứng phó và đẩy lùi tác động của đại dịch Covid-19, mà còn nhờ môi trường đầu tư thuận lợi, an toàn.
Thực tế, Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về các chỉ số năng lực cạnh tranh như: Thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư, lao động, tỷ lệ cung ứng nội địa, ổn định chính trị...
đặc biệt là các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Chính phủ đang mang lại lợi thế cho chúng ta. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng ghi nhận mức độ hài lòng của doanh nghiệp với chính quyền địa phương cao nhất trong vòng 15 năm qua. Đơn cử, thời gian để doanh nghiệp hoàn thành giấy chứng nhận đầu tư, mã số thuế... đã giảm từ 60 ngày xuống còn chưa tới 30 ngày; hơn 50% quy định kiểm tra chuyên ngành đã được lược bỏ; quyền sở hữu trí tuệ cũng được thực thi hiệu quả hơn...
Hiệu ứng rõ nhất là gói hỗ trợ 2,2 tỷ USD của Chính phủ Nhật Bản đã và đang tạo “cú hích” mạnh trong làn sóng dịch chuyển đầu tư của doanh nghiệp nước này đến các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ và đa dạng hơn với sự hiện diện của hơn 57 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện, tổng vốn FDI vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 12,3 tỷ USD. Đáng chú ý là các tập đoàn lớn của Mỹ, EU, Nga... đang tăng cường sự hiện diện cũng như vốn đầu tư tại Việt Nam như Google, Microsoft (Mỹ), Rostec (Nga), BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp, Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thụy Điển)...
Trong bối cảnh tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến 69% doanh nghiệp bị giảm doanh thu do thị trường thu hẹp; 45% doanh nghiệp thiếu vốn; 22% doanh nghiệp đình trệ vì thiếu vật tư, nguyên liệu sản xuất..., sự dịch chuyển đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thực sự là “thời cơ vàng” để các doanh nghiệp Việt Nam bật lên tham gia vững chắc vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để đón nhận cơ hội này, các doanh nghiệp trong nước buộc phải sớm xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ và chương trình quốc gia nâng cao năng lực quản trị của cộng đồng doanh nghiệp; đẩy nhanh thực hiện các yêu cầu quốc tế hóa và số hóa; thực hiện các mô hình kinh doanh bền vững, sáng tạo và có trách nhiệm. Mặt khác, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hạ tầng khu chế xuất, khu công nghiệp chuyên ngành, đáp ứng tối đa yêu cầu cần đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài.
Mới đây, tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2020, Thủ tướng đã giao các Bộ, ngành triển khai chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư chiến lược ở tầm quốc gia để chủ động tham gia kiến tạo, thu hút đầu tư công nghệ cao, vận động đưa các công đoạn sản xuất, kinh doanh đầu cuối, có giá trị gia tăng cao hơn vào Việt Nam. Thủ tướng cũng cam kết xóa bỏ các quy định chồng chéo, bất hợp lý; minh bạch, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính...
Làn sóng FDI mới cùng với thúc đẩy đầu tư công, đầu tư tư nhân, đối tác công - tư được Chính phủ xác định là “4 mũi giáp công” để Việt Nam sớm phục hồi nền kinh tế và đạt được tốc độ tăng trưởng GDP trên 5% trong năm nay.
Thanh Thảo