Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

“Đơn giản họ là cán bộ biên phòng tăng cường”

Biên phòng - Trong danh sách các xã khu vực I, II, III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có thể nhận thấy, nhiều xã biên giới trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn (khu vực III), nay đã có những bước tiến thần kỳ. Ở địa bàn Tây Nguyên, có tỉnh 100% xã biên giới đã thoát ra khỏi “danh phận” khu vực III, với những “gam màu” sống động của vùng nông thôn mới (NTM). Biên giới phát triển, mục tiêu đã hoàn thành, nhưng vai trò của người lính Biên phòng (BP) trong công tác xây dựng địa bàn thì vẫn vẹn nguyên sự cống hiến…

Trung tá Vũ Văn Hoằng, cán bộ BP tăng cường, Đại biểu HĐND xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai) thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trên địa bàn (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thái Kim Nga

“Làn gió mát” đến từ sức trẻ

Bên cạnh đội ngũ cán bộ tăng cường và chủ trương bố trí đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ thôn làng, đảng viên phụ trách hộ gia đình thì “dự án” tăng cường thủ lĩnh Đoàn thanh niên đồn BP ra làm Phó Bí thư Đoàn xã đã được Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Kon Tum triển khai thực hiện một cách hiệu quả, với quyết tâm sẽ “phủ sóng” toàn bộ 13/13 xã biên giới trong thời gian tới đây. Đi sâu tìm hiểu mô hình này, có thể nhận thấy, đây là việc làm không chỉ “cho đi” mà người lính BP còn được “nhận lại”.

Đại tá Lê Minh Chính, Chính ủy BĐBP Kon Tum chia sẻ: “Việc tăng cường cán bộ Đoàn đồn BP ra địa bàn là nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn thanh niên địa phương. Đây là lực lượng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống. Đoàn mạnh thì cả bộ máy cũng sẽ mạnh hơn chứ không thể yếu đi. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, chúng tôi cho đi là để nhận lại. Với đội ngũ đông đảo đoàn viên, thanh niên ở địa phương, nếu được quy về một mối sẽ là những “thanh thép” dẻo dai để xây dựng thế trận BP toàn dân vững mạnh. Bên cạnh đó là những hoạt động giao lưu, kết nghĩa, đỡ đầu giữa những người trẻ tuổi, tạo nên sức sống trẻ trung, năng động, nhiệt huyết trên biên giới...”.

Sinh ra từ đất làng, lớn lên trên vùng quê biên giới, Đại úy A Hùng, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn BP cửa khẩu quốc tế Bờ Y, BĐBP Kon Tum có rất nhiều lợi thế để trở thành “thủ lĩnh” Đoàn thanh niên năng động, nhiệt huyết “nói được, nghe được và làm được”.

Sau ngày được cấp trên tín nhiệm chỉ định làm Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, Đại úy A Hùng luôn phát huy kiến thức, sở trường của mình tham gia xây dựng, triển khai các chương trình hành động của Đoàn thanh niên địa phương.

Trong vai trò là Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, việc gặp gỡ tiếp xúc, trao đổi với đoàn viên, thanh niên ở các thôn, làng là “chuyện cơm bữa” của Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã. Nhờ đó, anh kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, điều kiện, hoàn cảnh của từng người để bàn bạc, đề xuất với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn thanh niên xã tìm hướng giải quyết phù hợp, hiệu quả nhất.

Từ ngày có sự hiện diện của “thủ lĩnh” Đoàn thanh niên mang quân phục BP này, những cuộc họp, buổi giao lưu của đoàn viên, thanh niên trong xã trở nên đa dạng, sống động và có chiều sâu hơn. Cùng với đó, chất lượng trong công tác lãnh đạo điều hành, xây dựng các văn bản của Ban Chấp hành Đoàn thanh niên xã Pờ Y cũng được nâng lên rõ nét, góp phần xây dựng vùng cửa ngõ ngã ba Đông Dương ngày càng ổn định và phát triển.

Thượng úy Brô Minh Phong, Trợ lý công tác quần chúng, Phòng Chính trị, BĐBP Kon Tum cho biết: “Đến thời điểm này, đã có 8 xã biên giới thuộc 3 huyện Đắk Glei, Ngọc Hồi và Sa Thầy đã bố trí Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã là cán bộ BP.

Qua theo dõi, chất lượng hoạt động Đoàn, nhất là công tác phong trào của các địa phương đều được nâng lên. Đoàn viên, thanh niên đồn BP và xã phối hợp tham gia tuần tra biên giới, triển khai hiệu quả các chiến dịch tình nguyện, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng các mô hình trợ giúp phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Đặc biệt, trong 2 năm qua, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn biên giới thực sự là “quả đấm thép” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới và từ địa bàn khác vào khu vực biên giới, góp phần bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân...”.

Miệt mài cống hiến dù ở bất kỳ cương vị nào

Nếu ví quá trình xây dựng NTM trên biên giới là công trình kiến trúc quy mô hoành tráng thì những cán bộ BP tăng cường xứng đáng được xem như những người thợ giỏi. Tuy nhiên, khác với người thợ, khi công trình hoàn thành đã có thể được nghỉ ngơi thì cán bộ BP tăng cường vẫn tiếp tục thực hiện công việc đồng hành và kiến tạo của mình, vẫn miệt mài cống hiến cho đất rừng biên giới.

Điểm qua một số địa phương đã “chạm đích” xây dựng NTM trên địa bàn biên giới các tỉnh Tây Nguyên như xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai); xã Ea Bung, huyện Ea Suop (Đắk Lắk); xã Thuận An, Đắk Lao, huyện Đắk Mil (Đắk Nông)... để thấy vai trò của đội ngũ cán bộ BP tăng cường không hề “nhạt” đi mà thậm chí còn đậm nét hơn.

Trong vai trò cán bộ BP tăng cường xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai), Trung tá Vũ Văn Hoằng đã từng đảm nhận khá nhiều cương vị khác nhau (trước đây, anh là Phó Bí thư Đảng ủy xã, còn hiện nay là Đại biểu HĐND xã). Dù ở vị trí công tác nào anh cũng nỗ lực hết mình cống hiến cho sự phát triển trên biên giới. Sau ngày xã Ia Dom đạt chuẩn NTM, cứ ngỡ công việc của anh sẽ “nhẹ gánh”, song thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Công tác dân vận ở địa bàn NTM phải luôn được đẩy mạnh, bởi “xây đã khó mà giữ thì càng khó hơn”.

Để xã giữ vững các tiêu chí, Trung tá Vũ Văn Hoằng phải thường xuyên bám sát các thôn làng, tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích giúp người dân hiểu và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong xây dựng quê hương biên giới bình yên và phát triển.

Trung tá A Tĩnh (thứ 4 từ phải sang), cán bộ BP tăng cường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã Đắk Long, huyện Đắk Glei (Kon Tum) tặng bò cho hộ nghèo trên địa bàn (ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: Thái Kim Nga

“Khi đã đạt chuẩn NTM thì đương nhiên một số chính sách ưu tiên dành cho các chủ nhân nơi đất làng cũng sẽ giảm đi. Dù ít, dù nhiều thì điều này cũng sẽ tác động đến tâm tư tình cảm của bà con nên chúng tôi cần phải tập trung tuyên truyền giải thích kết hợp giúp đỡ hỗ trợ cho bà con. Bên cạnh đó là những thách thức trên lĩnh vực an ninh trật tự, chuyện tranh chấp xảy ra trong cộng đồng, duy trì nếp sống văn hóa, vệ sinh thôn làng, an toàn thực phẩm... muốn bà con thực hiện tốt, chúng tôi phải đi, phải nói và làm nhiều hơn” - Trung tá Vũ Văn Hoằng chia sẻ.

“Đi, nói và làm nhiều hơn” - cũng là sự trải nghiệm mỗi ngày của Thiếu tá Nguyễn Văn Thanh, cán bộ BP tăng cường giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy, kiêm Trưởng khối dân vận xã biên giới Ea Bung, huyện Ea Suop (Đắk Lắk). Đánh giá về đội ngũ cán bộ BP tăng cường, ông Lê Hồng Hạnh, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung tóm lược: “Cả 19 tiêu chí trong xây dựng NTM ở xã Ea Bung đều có dấu ấn của BĐBP. Điều này đồng nghĩa trách nhiệm của những cán bộ BP tăng cường như đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Cao Đức Diện (Thiếu tá, bác sỹ tăng cường xã) và đội ngũ đảng viên đồn BP tham gia sinh hoạt chi bộ thôn, phụ trách hộ gia đình là vô cùng quan trọng. Họ đã đồng hành và sẻ chia với chúng tôi suốt những chặng đường đã qua và cả những thách thức đang đón đợi ở phía trước...”.

Từ làn gió mát được khởi nguồn từ sức trẻ, đến sự trải nghiệm “đi, nói và làm nhiều hơn” khi biên giới đã chạm đích xây dựng NTM, người lính mang quân hàm xanh vẫn miệt mài cống hiến, bởi đơn giản họ là những cán bộ BP tăng cường luôn sẵn sàng đồng hành và sẻ chia.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO