Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 10:12 GMT+7

Đón dòng FDI dịch chuyển

Biên phòng - Khi thế giới bắt đầu hồi phục từ đại dịch Covid-19, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ trở lại mạnh mẽ và giúp Việt Nam quay trở lại quỹ đạo kinh tế với mức tăng trưởng GDP hàng năm vào khoảng 6,6%. Đây không phải dự báo mà là khẳng định được nhiều tổ chức kinh tế quốc tế đưa ra.

Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở, bởi Việt Nam đã sở hữu một thương hiệu quốc tế rất tốt nếu xét từ góc độ là điểm đến của FDI, cộng thêm cách thức Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19.

Thực tế, bất chấp những thách thức về y tế và kinh tế, trong năm 2020, Việt Nam vẫn thu hút được 28,53 tỷ USD tổng vốn FDI đăng ký cấp mới. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020...

Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo vốn FDI hàng năm của Việt Nam sẽ trở lại ở mức trên 30 tỷ USD nhờ sức hấp dẫn của thị trường với chính trị ổn định, chính sách rõ ràng và nhất quán. Đồng thời, Việt Nam đang giữ lợi thế nhờ lạm phát được kiểm soát, 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và trên hết là lực lượng lao động trẻ, chăm chỉ và có tinh thần khởi nghiệp.

Đặc biệt, Việt Nam đã rất tích cực hội nhập quốc tế với 3 FTA được ký kết trong năm qua: Hiệp định Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA), Hiệp định EU - Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Sự kết nối thương mại quốc tế đã và đang là động lực chính cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Các FTA sẽ hạ thấp các rào cản thương mại, tạo nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam cũng như mang lại nhiều cơ hội hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thương mại và giao dịch quốc tế. Với chiến lược này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong quý I-2021 của cả nước đã đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020, xuất siêu 2,03 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý, đại dịch Covid-19 vẫn có những tác động nhất định tới hoạt động kinh doanh, buộc các doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam phải thiết lập chuỗi cung ứng tại chỗ, thích ứng với hoàn cảnh mới để thực sự nắm bắt được cơ hội.

Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, siêng năng và nhiệt huyết nhưng còn thiếu kỹ năng và kinh nghiệm khi 1/3 lực lượng lao động được xếp loại lao động phổ thông. Nhiều người trong số đó chưa thể thích ứng hiệu quả với sự thay đổi liên tục của thị trường, đặc biệt là trước tác động của công nghiệp 4.0.

Một vấn đề khác đến từ chuỗi cung ứng trong nước là các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng cao, các tập đoàn quốc tế đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đánh giá kỹ lưỡng hơn đối với chuỗi cung ứng của họ để đảm bảo rằng mọi hoạt động đều đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Vì thế, các doanh nghiệp trong nước phải tự hoàn thiện, đổi mới quy trình, công nghệ, nâng cao chất lượng để thích nghi với thực tế mới này.

Bên cạnh đó, các thủ tục và quy định hành chính đối với doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn rườm rà và nhiêu khê, nhất là thủ tục hành chính về môi trường, đất đai, xây dựng.

Gần đây, cùng với sự thành công của Samsung và Intel tại Việt Nam, một số “ông lớn” công nghệ như Google và LG cũng đang chuyển hướng chuỗi cung ứng của mình sang Việt Nam. Rõ ràng, để phát huy lợi thế của một trong những quốc gia có môi trường đầu tư được cải thiện nhanh nhất, chúng ta cần tiếp tục duy trì những chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn hơn bao giờ hết đối với các nhà đầu tư.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO