Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 01/10/2023 09:57 GMT+7

Đòn bẩy thúc đẩy thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu

Biên phòng - Trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sau một năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đạt 54,87 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ. Theo Bộ Công thương, kết quả năm đầu tiên thực hiện đã khẳng định, hiệp định không chỉ là đòn bẩy thúc đẩy thương mại hai chiều, mà còn là lợi thế ưu việt cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên trong bối cảnh kinh tế, giao thương toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 gây ra.

Hạt mắc ca được chế biến thành rất nhiều sản phẩm nhằm nâng cao chuỗi giá trị. Ảnh: Mai Thảo

EVFTA phát huy hiệu quả

Hiệp định EVFTA đang tạo ra động lực cho các ngành hàng có lợi thế của Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU và tăng trưởng mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2020, xuất khẩu (XK) nông sản của Việt Nam sang EU đạt 3,39 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2019 do tác động của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, kể từ sau khi EVFTA có hiệu lực, XK nông sản sang thị trường này đã được cải thiện, thể hiện qua tốc độ tăng trưởng của một số mặt hàng vào EU tăng tốc rõ rệt.

Tính đến hết tháng 11-2021, XK thủy sản Việt Nam sang EU đạt 967 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020. Về mặt hàng rau quả, trái vải là một trong những loại trái cây đã chinh phục thành công thị trường EU ngay năm đầu tiên Hiệp định EVFTA được thực thi. Tính chung, XK rau quả Việt Nam sang EU có nhiều tiến triển tích cực, tăng trưởng bình quân hàng năm gần 20%. Chỉ riêng 8 tháng năm 2021, kim ngạch XK rau, củ, quả, trái cây của Việt Nam sang EU đạt 88,5 triệu USD.

Phân tích cụ thể cho thấy, Hiệp định EVFTA đã phát huy hiệu quả. Mặc dù Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do đợt dịch thứ 4 bùng phát tại vùng XK trọng điểm phía Nam, 11 tháng năm 2021, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch, với kim ngạch đạt 51,3 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, XK đạt gần 36 tỷ USD, tăng 12,6% và nhập khẩu đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam xuất siêu sang EU 20,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm ngoái.

Xét về mức độ tận dụng ưu đãi từ các hiệp định, đối với Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng ưu đãi đạt hiệu quả nhất qua số lượng chứng nhận xuất xứ (C/O) được cấp và sử dụng. Trong năm đầu tiên thực thi hiệp định, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền cấp C/O mẫu EUR.1 đã cấp khoảng 207.682 chứng nhận C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch đạt khoảng 7,71 tỷ USD đi 27 nước EU. Ngoài ra, các doanh nghiệp XK hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 6.115 lô hàng được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.

Với việc thực thi EVFTA, năng lực cạnh tranh và thị phần của hàng hóa Việt Nam ngày càng được cải thiện rõ rệt tại thị trường EU. Việt Nam hiện là đối tác thương mại thứ 15 của EU. Cũng nhờ Hiệp định EVFTA, Việt Nam tiếp nhận được nguồn đầu tư lớn từ EU với tổng số vốn đầu tư đăng ký đến tháng 11-2021 là hơn 22 tỷ USD. Với số vốn này, EU là nhà đầu tư FDI lớn thứ 6 tại Việt Nam.

Với các ưu đãi cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường mạnh mẽ tạo ra cho các doanh nghiệp Việt Nam lợi thế cạnh tranh rất lớn khi tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường EU. Việt Nam cũng có cơ hội và thuận lợi tiếp nhận công nghệ tiên tiến và hiện đại của EU đều thúc đẩy phát triển nền kinh tế số và xanh, thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ cao, giúp hàng hóa Việt Nam nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường cao như thị trường EU.

Liên kết để thâm nhập thị trường EU sâu hơn

Theo nhận định của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công thương, sang năm 2022, XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU được nhận định sẽ tăng trưởng khả quan hơn so với năm 2021 do các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tận dụng tốt những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA. Trong khi đó, sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, cả Việt Nam và EU đang thích ứng ngày càng tốt hơn với dịch bệnh, cùng đẩy nhanh quá trình tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường. Kinh tế-thương mại Việt Nam-EU với nền tảng vững chắc từ EVFTA sẽ đứng trước nhiều cơ hội triển vọng hậu đại dịch, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định EVFTA sẽ mang lại thuận lợi cho Việt Nam giao thương với các nước, nhưng muốn tận dụng triệt để các hiệp định đó thì doanh nghiệp phải chủ động hơn nữa. Cần có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường hơn để chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group đề nghị các bộ, ngành phải cùng bắt tay doanh nghiệp tạo vùng nguyên liệu đủ lớn, đáp ứng các tiêu chuẩn giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn khi XK vào EU. Về phía doanh nghiệp, cần lưu ý các luật và quy định của EU, mỗi loại sản phẩm và đối tượng khách hàng lại có quy định và yêu cầu riêng. Doanh nghiệp cũng cần chứng nhận đầy đủ về trách nhiệm xã hội, môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà máy chế biến.

Nhìn về dài hạn, để rau quả Việt Nam “đứng vững” tại thị trường EU, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho rằng, nên xây dựng chiến lược quốc gia cho ít nhất 3 sản phẩm. Từ 3 sản phẩm này chế biến thành đa dạng sản phẩm. Cũng theo bà Vy, các doanh nghiệp nên liên kết, thành lập hiệp hội XK rau, quả sang EU và cùng lựa chọn ra sản phẩm đủ năng lực XK dài hạn, dần tạo thương hiệu sản phẩm “made in Việt Nam” tại thị trường EU.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO