Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:13 GMT+7

“Đòn bẩy” để phát triển nghệ thuật xòe Thái

Biên phòng - Người Thái đặt chân đến Tây Bắc Việt Nam vào thế kỷ XI. Đến cuối thế kỷ XIII, người Thái đã khai phá Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), tạo lập cả một vùng đất miền Tây rộng lớn và cư trú ổn định.

Màn đại xòe với sự tham gia của 5.000 nghệ nhân và diễn viên quần chúng được tổ chức tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái, ngày 20/9/2019. Ảnh: Quang Khiêm

Trải qua mấy nghìn năm lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển, người Thái đã tạo dựng cho mình một bản sắc văn hóa riêng với những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội vô cùng phong phú, độc đáo, trong đó có nghệ thuật xòe Thái.

Nguồn gốc và giá trị nhân văn của xòe Thái

Người Thái rất ham mê và có khả năng văn nghệ. Nghệ thuật biểu diễn dân gian của họ rất phong phú, đa dạng. Họ có nhiều loại nhạc cụ, nhiều làn điệu dân ca, trong đó, xòe là hình thức nghệ thuật biểu diễn nổi tiếng nhất của người Thái.

Tương truyền, người Thái có hơn 30 điệu xòe được các thiếu nữ Thái múa trong tiếng trống xòe rộn rã, hay trong tiếng đàn tính tẩu dìu dặt, trầm bổng, như những cung bậc tâm hồn của những con người chân thành, mộc mạc, cởi mở mà không kém phần tinh tế, sang trọng.

Trong đó, xòe vòng là vũ điệu phổ biến, là hình thức múa hát tập thể, được mọi người yêu thích, thường biểu diễn trong các dịp lễ hội của bản mường. Mường Lò được xem là đất tổ của người Thái đen Tây Bắc, chính vì thế, có thể coi đây là nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe.

Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí..., điệu xòe ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên.

Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời hơn. Người xem còn thấy được cuộc sống cũng như sự nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của người Thái từ thuở sơ khai. Tất cả những điều đó thấm vào lòng người một cách tự nhiên.

Trong mỗi điệu xòe lại biến hóa không ngừng, hài hòa giữa tay, chân, hình thể, khuôn mặt, kết hợp với nhạc cụ, làm tăng giá trị biểu cảm. Những nét tinh tế, điêu luyện trong từng bước vũ đã làm say lòng biết bao du khách. Điều đó nói lên sức sống mãnh liệt cùng nét đẹp tỏa ra từ mỗi điệu xòe.

Nỗ lực bảo tồn và “đòn bẩy” để phát triển

Những năm gần đây, được sự quan tâm của chính quyền thị xã Nghĩa Lộ, xòe Thái đã được khai thác, lưu giữ, phổ biến đến toàn thể đồng bào trên địa bàn. Thị xã Nghĩa Lộ đã đăng ký và bảo vệ thành công Đề tài khoa học “Bảo tồn 6 điệu xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái”.

Đề tài quý giá này đã thu thập được nhiều tư liệu về nguồn gốc, giá trị, ý nghĩa, vai trò của các điệu xòe trong cộng đồng người Thái; xây dựng tập bài giảng về 6 điệu xòe cổ; bảo tồn các bản nhạc và nhạc cụ sử dụng trong múa xòe; xây dựng đĩa CD giới thiệu về 6 điệu xòe cổ.

Hiện nay, thị xã Nghĩa Lộ đã tập hợp được đội ngũ nghệ nhân, những người am hiểu, yêu thích xòe Thái, xây dựng bài giảng các điệu xòe, truyền dạy xòe Thái trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, thị xã Nghĩa Lộ còn triển khai truyền dạy xòe trong các trường học, vừa tạo được hứng thú cho các em học sinh, vừa bảo tồn được những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc thông qua xòe một cách lâu dài và bền vững. Thị xã Nghĩa Lộ cũng xây dựng nhiều chính sách đãi ngộ, phù hợp cho các nghệ nhân có nhiều đóng góp cho công tác sưu tầm, nghiên cứu và truyền dạy nghệ thuật xòe.

Địa phương cũng xây dựng được bản đồ các địa điểm trình diễn nghệ thuật xòe phục vụ khách du lịch tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật xòe và văn hóa dân gian của người Thái.

Các đội xòe tại Nghĩa Lộ ngày một tăng lên, các thôn, bản đều có đội xòe và hầu hết nhân dân các thế hệ của thị xã đều biết múa xòe. Xòe đã trở thành hoạt động văn hóa, món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống sinh hoạt của người dân.

Đặc biệt hơn, xòe Thái đã tạo ra sức lan tỏa, thu hút đông đảo khách du lịch đến tìm hiểu, khám phá và chiêm ngưỡng. Bảo tồn, phát huy xòe Thái, chú trọng khai thác du lịch văn hóa, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế, xã hội đang là hướng đi đúng và hiệu quả của thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Niềm tự hào di sản của nhân loại

Ngày 27/12/2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 5079/QĐ-BVHTT&DL công nhận 6 điệu xòe cổ của người Thái ở thị xã Nghĩa Lộ (Mường Lò), tỉnh Yên Bái là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tối 29/9/2013, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức màn đại xòe 6 điệu xòe cổ xác lập kỷ lục Guinness Việt Nam, với sự tham gia của 2.013 diễn viên và nghệ nhân. Ngày 20/9/2019, thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục tổ chức màn đại xòe với sự tham gia của 5.000 nghệ nhân và diễn viên quần chúng.

Ngày 15/12/2021, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 của UNESCO diễn ra tại Paris (Pháp), nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là sự đánh giá đúng mực đối với xòe Thái.

Để được UNESCO ghi danh, nghệ thuật xòe Thái đã trải qua một hành trình dài, bền bỉ với trách nhiệm và sự nỗ lực của các cấp lãnh đạo, các nhà văn hóa, nghệ nhân và cả cộng đồng người Thái ở Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La.

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, người có công lớn trong việc truyền dạy 6 điệu xòe cổ bày tỏ: “Thật xúc động và tự hào! Tôi thấy những cố gắng của mình thật có ý nghĩa. Tôi và cộng đồng người Thái ở Mường Lò sẽ tiếp tục cống hiến công sức, bảo tồn và phát huy di sản nghệ thuật xòe Thái, tiếp tục truyền dạy xòe Thái cho các thế hệ trẻ, để di sản văn hóa phi vật thể này mãi mãi trường tồn”.

Còn bà Đặng Phương Lan, thành viên Chi hội Bảo tồn tri thức bản địa vui vẻ cho biết: “Đây là niềm tự hào của dân tộc, của quê hương. Tôi thấy trách nhiệm của mình càng lớn hơn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của xòe Thái, để xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa và để thu hút khách du lịch nhiều hơn”.

Ngày 24/9/2022, Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật xòe Thái” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại sẽ diễn ra tại thị xã Nghĩa Lộ. Sự ghi danh này sẽ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tầm quan trọng, giá trị của xòe Thái trong cộng đồng, tăng thêm niềm tự hào về bản sắc văn hóa, phát huy hơn tinh thần đoàn kết cộng đồng. Mặt khác, khẳng định chính sách bảo vệ, xây dựng và phát triển văn hóa các dân tộc của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nông Quang Khiêm

Bình luận

ZALO