Biên phòng - Theo Bộ Thương mại, giá trị xuất khẩu qua thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới của Việt Nam đạt trên 80.000 tỷ đồng trong năm 2022. Riêng với Amazon, năm 2022 số doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng tăng 80% so với cùng kỳ, kim ngạch tăng 45%, chiếm 1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Việt Nam là một trong những nước mở cửa sau đại dịch sớm nhất. Quá trình phục hồi của doanh nghiệp Việt diễn ra ngay sau đó rất nhanh chóng với sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ và nỗ lực nhiều bên. Dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải đối diện với một số thách thức toàn cầu, sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thói quen và nhu cầu mua sắm trực tuyến sau đại dịch.
Theo dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Zion Market Research, trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng của TMĐT xuyên biên giới toàn cầu sẽ đạt hơn 28%/năm... Tại Việt Nam, xuất khẩu online còn mới mẻ vì TMĐT xuyên biên giới có những yêu cầu rất gắt gao.
Tuy nhiên, nếu vượt qua các yêu cầu thì tiềm năng của thị trường là rất lớn. Một số thương hiệu Việt đã thu được những kết quả kinh doanh vượt mong đợi khi tham các sàn TMĐT xuyên biên giới như Sunhouse, ChicnChill, Cà phê Mê Trang với tăng trưởng trên 150%/năm...
Phân tích từ các chuyên gia cho thấy, trước đây hoạt động xuất nhập khẩu dường như chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn và khả năng tiềm lực kinh tế cao. Nhưng hiện nay, những doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cũng có thể bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu nếu họ thực sự chủ động. Đặc biệt, 82% doanh nghiệp được khảo sát có sử dụng website/ứng dụng TMĐT phục vụ xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp này cũng đang hướng tới việc mở rộng thị trường đến Mỹ, Nhật Bản và EU.
Dù đã ghi nhận nhiều thành tựu, các chuyên gia chỉ ra các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn đối mặt với một số thách thức khi xuất khẩu TMĐT. Những thách thức này tập trung vào 4 vấn đề chính gồm: kiến thức; năng lực; quy định và chi phí.
Mặc dù, tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới tăng hơn 2 lần TMĐT nói chung vẫn gặp nhiều rào cản giống như những rào cản xuất khẩu theo phương thức truyền thống. Đó là quy định khắt khe của thị trường nhập khẩu, vấn đề phát triển sản phẩm và năng lực cạnh tranh, rào cản về chi phí, thông tin tiếp cận thị trường...
Để “thông đường” cho xuất khẩu xuyên biên giới tại Việt Nam, 14 nhà cung cấp dịch vụ trong ngành TMĐT xuyên biên giới như Amazon, eBay, Alibaba, Etsy, Shopify... mang đến các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt thúc đẩy xuất khẩu qua TMĐT.
Điển hình như Amazon Global Selling đã hợp tác với các cơ quan chính phủ và các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ, trao quyền cho các doanh nghiệp xuất khẩu online thông qua việc đào tạo, nâng cao nhận thức về TMĐT xuyên biên giới, xây dựng thương hiệu toàn cầu cho Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, hoàn thiện các chính sách xuất khẩu trực tuyến để nâng cao giá trị sản phẩm và kinh doanh bền vững hơn trên quy mô toàn cầu.
Nếu doanh nghiệp nhận được sự hỗ trợ toàn diện hơn, đẩy ứng dụng TMĐT vào xuất khẩu, doanh thu xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam có thể đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.
Sự bùng nổ thương mại điện tử thời gian gần đây đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Năm 2023 sẽ tiếp tục chứng kiến những thay đổi, dịch chuyển. Mô hình thương mại điện tử kỹ thuật số tạo ra những giá trị mới trên thị trường toàn cầu, không chỉ xuất khẩu sản phẩm “Made-in-Vietnam” mà hướng tới mang các “Thương hiệu Việt Nam” ra toàn cầu.
Do vậy, các chuyên gia thương mại quốc tế khuyến nghị, Việt Nam cần sớm khắc phục những hạn chế những “khoảng trống” về chính sách trong quá trình chuyển từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online. Trong đó, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, hoàn thiện chính sách phù hợp cho TMĐT, từ đó tạo thuận lợi và thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam phát triển.
Thanh Thảo