Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:30 GMT+7

Đồn Bắc Hà - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Biên phòng - Di tích đồn Bắc Hà - công trình quân sự đồn trú của thực dân Pháp xây dựng trên vùng đất Bắc Hà, tỉnh Lào Cai những năm cuối thế kỷ XIX và tồn tại đến năm 1950 khi huyện Bắc Hà hoàn toàn được giải phóng. Công trình được xem là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Đoàn công tác của Bảo tàng tỉnh Lào Cai và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà tham gia khảo sát thực địa di tích Đồn Bắc Hà. Ảnh: Khuất Linh

Trao đổi về di tích đồn Bắc Hà có từ khi nào, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lào Cai Nguyễn Văn Thắng cho biết: Căn cứ cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Bắc Hà tập 1 năm 1995 và một số tài liệu chính sử khác thu thập được, nhất là tài liệu tiếng Pháp “Lịch sử Lào Cai thời Pháp thuộc (1888-1850)” do người Pháp biên soạn cho thấy: Từ năm 1886, thực dân Pháp chiếm được Lào Cai và nhiều lần âm mưu đánh chiếm Bắc Hà nhưng đều bị nghĩa quân Bắc Hà do thủ lĩnh Giàng Chẩn Hùng đánh bại. Đến năm 1894, thực dân Pháp mới chiếm được Bắc Hà. Ngay sau khi chiếm đóng, chúng thiết lập bộ máy cai trị mới. Hệ thống chính trị, bộ máy quân sự cũng hình thành theo hệ thống và sau đó tiến hành xây dựng các đồn bốt như: đồn Bắc Hà (có quy mô lớn nhất), đồn Si Ma Cai, đồn Bảo Nhai...

Theo tài liệu ảnh từ Cơ quan kinh tế hải ngoại của Pháp - Tổng Chính phủ Đông Dương (do chuyên gia vùng Nouvelle Aquitaine - Cộng hòa Pháp) hỗ trợ Bảo tàng tỉnh Lào Cai tra cứu cho thấy, đồn Bắc Hà là một công trình đồn trú quân sự có quy mô lớn trong hệ thống đồn trú của thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các công trình trong đồn Bắc Hà được bố trí, sắp xếp theo hình xoáy ốc từ thấp lên cao, với lớp tường rào bằng dây thép gai bên ngoài cùng, tiếp đến là lớp tường thành bảo vệ bao quanh đồn có nhiều chòi canh gác cùng lối ra vào. Bên trong đồn có nhiều kiến trúc với chức năng khác nhau, hình thành nên hệ thống khép kín bên trong nhằm phục vụ quân Pháp khi chiếm đóng tại Bắc Hà.

Thực hiện chiến thuật đóng đồn bốt để đàn áp đi đôi với thủ đoạn chính trị xảo quyệt để bình định, đầu năm 1894, Pháp chiếm La Hù; ngày 25-2-1894, Pháp lập thêm đồn Si Ma Cai và tổ chức đạo quân dã chiến để tiến sang Bắc Quang và Hoàng Su Phì (Hà Giang). Bắc Hà trở thành căn cứ bàn đạp yểm trợ cho quân Pháp bình định toàn vùng và đến tháng 4-1894 thì hoàn thành công cuộc chinh phục liên khu Bắc Hà - Bắc Quang - Hoàng Su Phì. Pháp duy trì 3 đồn: Bắc Hà, Bảo Nhai, Si Ma Cai đến đầu năm 1900, sau đó, bảo trì đồn Bắc Hà đến tận ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945).

Trong suốt quá trình xâm chiếm thực địa tại Bắc Hà, thực dân Pháp đã sử dụng công trình quân sự này làm trung tâm hành chính để điều hành toàn bộ hoạt động chính trị, quân sự của cả vùng, đồng thời làm bàn đạp để đánh chiếm sang Hà Giang. Đến năm 1950, huyện Bắc Hà được giải phóng, chấm dứt chế độ đô hộ của thực dân Pháp tại đây, đồng thời xóa bỏ vai trò của đồn Bắc Hà.

Trải qua thăng trầm của lịch sử, hiện tại, các công trình thuộc di tích đồn Bắc Hà đã bị phá hủy gần hết, chỉ còn lại một số hạng mục như lô cốt; bể nước 3 ngăn ở trung tâm đỉnh đồi; một đường hầm ở phía Nam di tích và hệ thống kè móng bao quanh đồn. Một số hạng mục chỉ còn lại dấu tích của nền móng như nhà Quan Ba, chuồng ngựa, nhà lính và một số hạng mục mục chưa được xác định...

Ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng: Với những kết quả nghiên cứu bước đầu của đơn vị đã cơ bản phác họa xong diện mạo, đặc điểm, vai trò của di tích. Với hiện trạng di tích đã bị phá hủy và xuống cấp như hiện nay, Bảo tàng tỉnh Lào Cai đề nghị các cấp chính quyền huyện Bắc Hà tổ chức bảo vệ và tuyên truyền cho nhân dân, du khách cùng chung tay bảo vệ di tích này trước khi được UBND tỉnh xếp hạng. Cùng với đó, có phương án trình cấp có thẩm quyền bảo tồn và phát huy lâu dài, hiệu quả các giá trị của di tích theo quy định của pháp luật.

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bắc Hà cho biết, tiến độ lập Hồ sơ di tích cấp tỉnh đồn Bắc Hà tính đến nay đã đạt trên 60%; nhiều nội dung, công việc phối hợp cùng Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã được thực hiện, như phối hợp khảo sát nghiên cứu thực địa, điền dã thu thập thông tin, phỏng vấn những người am hiểu về lịch sử di tích...

“Với huyện du lịch vùng cao Bắc Hà, việc lập hồ sơ đề nghị công nhận đồn Bắc Hà là di tích lịch sử cấp tỉnh được Thường trực Huyện ủy, UBND huyện đặc biệt quan tâm và xác định đây là nội dung quan trọng cần sớm thực hiện. Di tích này trong tương lai sẽ là điểm đến thăm quan khám phá của đông đảo du khách, nhưng quan trọng hơn là “địa chỉ đỏ’ để giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, do vậy, rất cần quan tâm gìn giữ, bảo tồn” - Ông Bùi Văn Vinh khẳng định.

Khuất Linh

Bình luận

ZALO