Biên phòng - Theo kế hoạch, Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam sẽ dự 3 giải đấu trong năm 2023 là AVC Challenge Cup 2023 (tháng 7), SEA V-League 2023 (tháng 8) và Asian Games 2023 (tháng 9). Với quỹ thời gian tương đối dài để chuẩn bị cho các giải đấu trên chính là cơ hội không thể tốt hơn để huấn luyện viên (HLV) Trần Đình Tiền thực hiện kế hoạch trẻ hóa đội hình để hướng đến tương lai.

Những gương mặt mới
Ở đợt tập trung lần này, vị thuyền trưởng của Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã triệu tập 4 gương mặt mới là chuyền hai Nguyễn Huỳnh Anh Phi (sinh năm 1996), Phan Công Đức (sinh năm 2003), chủ công Hoàng Xuân Trường (sinh năm 2000), phụ công Trương Thế Khải (sinh năm 2004). Trong đó, chuyền hai Nguyễn Huỳnh Anh Phi là gương mặt đã khẳng định được tên tuổi tại các giải đấu trong nước. Điểm mạnh của cầu thủ này chính là tư duy chiến thuật tốt, lĩnh hội nhanh các phương án chiến thuật mà Ban huấn luyện yêu cầu.
Tại vị trí chuyền hai, Phan Công Đức cũng là một gương mặt khá triển vọng, trong mùa giải đầu tiên giành được vị trí chuyền hai chính ở Thể Công, anh đã nhanh chóng thể hiện được năng lực với những tình huống quan sát nhanh, chuyền bóng khéo léo (đặc biệt trong những bài đánh chiến thuật). Màn thể hiện khá ấn tượng tại Vòng 1 - Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 và tại Cúp Hùng Vương 2023 đã giúp Phan Công Đức lọt vào “mắt xanh” của HLV Trần Đình Tiền.
Đối với chủ công Hoàng Xuân Trường, dù vắng mặt tại Vòng 1 - Giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2023 do chấn thương, nhưng màn trình diễn nổi bật trong 2-3 mùa giải gần đây đã giúp anh ghi điểm với HLV Trần Đình Tiền. Hoàng Xuân Trường là mẫu chủ công khá toàn diện với kỹ năng bắt bước một, phòng thủ tương đối tốt, đồng thời cầu thủ này cũng sở hữu khả năng bật đà 3,35m cùng những quả đập bóng uy lực.
Gương mặt còn lại là phụ công Trương Thế Khải - cầu thủ trẻ nhất trong đợt tập trung lần này. Với thông số ấn tượng về chiều cao 1m96 cùng khả năng bật tại chỗ 3,30m, Trương Thế Khải đã cho thấy sức mạnh vượt trội với miếng đánh một chân sau đầu và những pha đánh nhanh tốc độ. Ngoài vị trí phụ công, cầu thủ sinh năm 2004 có thể thi đấu tốt tại vị trí đối chuyền, với khả năng bật đà 3,35m cùng những cú đập bóng mạnh mẽ.
Ngoài 4 gương mặt mới, HLV Trần Đình Tiền đã cho gọi lại 2 gương mặt “mới mà cũ” là đối chuyền Phạm Văn Hiệp (sinh năm 2000) và Đinh Văn Phương (sinh năm 2003). Có thể, 2 cầu thủ này không được dự SEA Games 32 do thời gian chuẩn bị cho giải tương đối ngắn và Ban huấn luyện ưu tiên tính gắn kết trong lối chơi của đội, nhưng ở đợt tập trung lần này, cả Phạm Văn Hiệp và Đinh Văn Phương sẽ có thời gian tập luyện dài hơn để ghi điểm trong mắt Ban huấn luyện.
Chia sẻ về trường hợp của Phạm Văn Hiệp và Đinh Văn Phương, HLV Trần Đình Tiền cho biết: “Văn Hiệp là học trò của tôi tại Đội bóng chuyền Biên phòng, cậu ấy có phong độ ổn định trong nhiều năm gần đây, là cây ghi điểm chủ lực của Biên phòng. Còn Đinh Văn Phương có tiềm năng lớn, tuy nhiên em ấy cần thêm thời gian để trau dồi về chuyên môn lẫn tâm lý thi đấu. Từ nay đến cuối năm có nhiều giải đấu, vậy nên tôi sẽ trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ có dịp thể hiện mình”.
Bộ khung kết hợp yếu tố “sức trẻ và kinh nghiệm”
Tại SEA Games 32, Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam đã không hoàn thành mục tiêu bảo vệ tấm Huy chương Bạc, nhưng qua giải đấu đã giúp HLV Trần Đình Tiền và Ban huấn luyện tìm ra bộ khung tối ưu cho đội nhà để hướng đến các giải đấu tiếp theo. Với công thức là “sức trẻ” của chủ công Nguyễn Ngọc Thuân (sinh năm 1999), chuyền hai Đinh Văn Duy (sinh năm 2000), phụ công Trần Duy Tuyến (sinh năm 2001) kết hợp với “kinh nghiệm” của Đội trưởng Từ Thanh Thuận, chủ công Dương Văn Tiên, Quản Trọng Nghĩa, phụ công Vũ Ngọc Hoàng, libero Huỳnh Trung Trực.
Nổi bật trong các cầu thủ trẻ tại SEA Games 32 là chủ công Nguyễn Ngọc Thuân, với khả năng tấn công tầm cao đầy uy lực ở vị trí số 4 và những tình huống tấn công hàng sau, đồng thời với sức bật tốt, chủ công trẻ này đã không ít lần mang về những điểm số cho đội nhà từ những tình huống chắn bóng. Theo HLV Trần Đình Tiền, Ngọc Thuân là cầu thủ có tố chất tốt để trở thành một chủ công hàng đầu khu vực, tuy nhiên cầu thủ này cần cải thiện điểm yếu ở khâu phòng thủ, chuyền một, phát bóng.
Đinh Văn Duy cũng là một gương mặt để lại dấu ấn đậm nét trong lối chơi mà HLV Trần Đình Tiền xây dựng cho Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam. Chuyền hai trẻ này sở hữu tư duy chơi bóng khá hiện đại giúp đội nhà triển khai đa dạng, linh hoạt các tình huống tấn công trên sân. Đinh Văn Duy luôn tạo ra khác biệt với những đường chuyền nhanh ra hai biên, nhất là những đường chuyền sau đầu gây bất ngờ cho hàng chắn đối thủ. Trên mặt trận phòng ngự, sức bật tại chỗ 3,25m đã giúp anh không ít lần vô hiệu hóa những tình huống tấn công trên lưới của đối thủ.
Ở vị trí phụ công, Duy Tuyến đã phần nào chứng tỏ được năng lực, với không ít tình huống ghi điểm từ những tình huống đánh lao ngắn ở vị trí số 3. Đồng thời, với chiều cao 1,91m và sức bật tại chỗ 3,30m cùng sự nhanh nhẹn, Duy Tuyến giống như bức tường phòng thủ trên lưới rất khó bị xuyên phá. Tuy nhiên, để trở thành trụ cột của Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam trong tương lai, phụ công trẻ này cần trau dồi thêm về chuyên môn (đặc biệt là trong những tình huống phát bóng), cải thiện bản lĩnh, tâm lý thi đấu.
Bên cạnh những cầu thủ trẻ, vai trò của những gương mặt giàu kinh nghiệm như Đội trưởng Từ Thanh Thuận sẽ là đặc biệt quan trọng. Có thể, dù đã bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp, nhưng Đội trưởng Đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam vẫn luôn giữ trong mình khát khao thi đấu cháy bóng như khi anh còn đang ở tuổi đôi mươi. Khi thi đấu trên sân, Từ Thanh Thuận luôn thể hiện được vai trò đầu tàu là cây ghi điểm chủ lực của đội tuyển, đặc biệt những tình huống tấn công uy lực tại vị trí số 2 của anh đã không ít lần giúp đội nhà vượt qua khó khăn.
Trọng Thành