Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung những thách thức trong quan hệ nước lớn kiểu mới

Biên phòng - Sau hai ngày 10 và 11-7, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ -Trung (S&ED) lần thứ 5 tại Oa-sinh-tơn giữa các cơ quan hàng đầu của chính quyền Mỹ và Trung Quốc đã đạt được những thỏa thuận mới song vẫn còn nhiều bất đồng về nhận thức chung trong quan hệ song phương.

 500image001.jpg
Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn phát biểu tại S&ED lần thứ 5. Ảnh: Internet

Mặc dù mậu dịch thương mại song phương giữa Mỹ - Trung kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đã tăng 198 lần, kim ngạch thương mại đã tăng từ 270 tỷ USD lên 500 tỷ USD trong 5 năm trở lại đây, nhưng trong quan hệ kinh tế - thương mại còn nhiều rào cản. Hai bên vẫn còn tồn tại những tranh chấp và nghi ngờ lẫn nhau. Hiện nay, các nhà đầu tư Mỹ vào Trung Quốc đang phải đối mặt với những rào cản về những hạn chế quyền sở hữu trong khoảng 90 lĩnh vực. Ngược lại, các nhà đầu tư Trung Quốc muốn tìm cơ hội đầu tư vào Mỹ rất lo ngại đến nguy cơ bị ảnh hưởng bởi các quyết định bất lợi từ Quốc hội Mỹ hoặc bị từ chối vì lý do an ninh của nước Mỹ. Mỹ cho rằng trong giao dịch thương mại việc định giá quá thấp đồng NDT của chính quyền Bắc Kinh chỉ có lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc và gây bất lợi cho doanh nghiệp nước ngoài.

Đối thoại lần này đã thu hút các nhà lãnh đạo 20 bộ ngành của cả hai nước tham gia đàm phán về các lĩnh vực an ninh, kinh tế, tài chính giữa Mỹ - Trung, khu vực và toàn cầu.

Kết thúc đối thoại, hai bên đã đạt được thỏa thuận hướng tới ký kết hiệp định đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hai nước. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Giắc Liu phát biểu: “Việc Trung Quốc thỏa thuận đàm phán hiệp định đầu tư trên tất cả các lĩnh vực được coi là bước tiến quan trọng nhất trong đối thoại lần này”.

Bên cạnh đó, an ninh mạng tiếp tục là một vấn đề nhức nhối. Hai bên không đạt được nhận thức chung về vấn đề này. Mỹ thẳng thắn và cực lực lên án hoạt động ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của tin tặc quốc tế, trong đó Trung Quốc là thủ phạm hàng đầu. Ước tính, mỗi năm Mỹ thiệt hại khoảng 300 tỷ USD do các cuộc tấn công của tin tặc quốc tế. Phó Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn nhấn mạnh: “Cả hai nước chúng ta đều sẽ hưởng lợi từ internet mở rộng, an toàn và đáng tin cậy. Tệ nạn đánh cắp mà chúng ta đang trải nghiệm phải được xem là đã vượt quá giới hạn và cần phải chấm dứt”. Vấn đề này càng trở lên phức tạp hơn khi cựu nhân viên tình báo Mỹ Ét-uốt Xnâu-đơn tiết lộ thông tin về chương trình giám sát mật của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA), trong đó có nhắc tới các mục tiêu tấn công là các mạng máy tính của Trường Đại học Thanh Hoa và Đại học Hồng Kông cũng như các công ty viễn thông của Trung Quốc để thu thập tin nhắn văn bản từ hàng triệu người sử dụng. Trong khi đó, Mỹ chỉ muốn tập trung vào các vụ đánh cắp thông tin thương mại và các tài sản trí tuệ khác.

 437image003_w660.jpg
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Giắc Liu, Ngoại trưởng Giôn Ke-ri và Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Dương, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại cuộc đối thoại. (Ảnh: Reuters)

Hiện nay, mặc dù Mỹ tuyên bố trung lập trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở châu Á, kêu gọi các nước giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới tự do hàng hải trong khu vực… Song việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, những vấn đề xung quanh tranh chấp lãnh hải ở Đông Á, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên làm ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ Mỹ - Trung. Trung Quốc cho rằng chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ tại châu Á đã và đang trở thành đòn bẩy cho các nước đang bị Trung Quốc lấn át và tạo nên thế cân bằng trong khu vực.

Cũng như 4 lần đối thoại trước, Đối thoại Mỹ - Trung lần này vẫn chưa tìm được nhận thức chung trong giải quyết một số vấn đề song phương cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu. Việc tạo dựng quan hệ nước lớn kiểu mới giữa hai nước vẫn đang trong quá trình tìm tòi mặc dù quan hệ giữa hai nước đang đi theo hướng cân bằng hơn kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Ô-ba-ma và Tập Cận Bình hồi tháng trước. Sự tồn tại nghi ngờ và thiếu lòng tin chiến lược lẫn nhau hay bất đồng trong giải quyết một số vấn đề trong quan hệ Mỹ - Trung phải chăng là những thách thức lớn trong xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới Mỹ - Trung hiện nay.

Hoàng Xuân Tám

Bình luận

ZALO