Biên phòng - Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giữ vị trí chiến lược và tầm quan trọng đặc biệt về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại và bảo vệ môi trường sinh thái của nước ta. Tại Văn kiện Đại hội Đảng qua các thời kỳ đều khẳng định nhất quán nguyên tắc, định hướng chiến lược là “bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển”, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc; thể hiện khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nhằm nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/NQ-QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Tại kỳ họp thứ 9, ngày 19-5-2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030. Đây là quyết định mang tính lịch sử của Quốc hội nhằm thực hiện Khoản 5, Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc của nhà nước”. Việc thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án còn tạo bước ngoặt lớn, rất tích cực cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021-2030.
Chính phủ, các bộ, ngành đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 120 của Quốc hội, cụ thể: Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN; Quyết định ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120 của Quốc hội.
Nhằm phát huy tốt hơn vai trò quản lý nhà nước về công tác dân tộc và thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, hiện nay, Ủy ban Dân tộc đã hoàn thiện tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt một số quyết định quan trọng như: Quyết định số 33/2020/QĐ-TTg về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS&MN theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 39/2020/QĐ-TTg về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021-2025. Các Quyết định này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc triển khai các nội dung thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030.
Ngoài các chính sách khung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hệ thống chính sách cụ thể nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và hệ thống pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Qua rà soát, tổng hợp, hiện có 118 chương trình, chính sách đang có hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng DTTS&MN, trong đó có 54 chính sách trực tiếp cho đồng bào DTTS, vùng DTTS và 64 chính sách chung có ưu tiên cho đồng bào DTTS. Kết quả đạt được trên 7 lĩnh vực chủ yếu:
Trước hết, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật địa bàn đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư đồng bộ, đạt được kết quả quan trọng. Đến nay, 100% đường từ tỉnh đến trung tâm huyện được rải nhựa hoặc bê tông hóa; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96,7%; 100% xã có trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; tỷ lệ thôn có đường giao thông được kiên cố tăng 16,7% so với năm 2015.
Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả ấn tượng, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 2-3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3-4%; huyện nghèo giảm 4-5%, có nơi giảm trên 5%; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn vùng giảm 1,2%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.300 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục, đào tạo ở vùng DTTS&MN ngày càng phát triển cả về quy mô, mạng lưới và chất lượng. Công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ đạt kết quả tốt, tỷ lệ từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết tiếng phổ thông tăng 1,7%; tỷ lệ đi học đúng độ tuổi cấp tiểu học tăng 8%, trung học cơ sở tăng 9%, trung học phổ thông tăng 14,7%. Đã xây dựng được 316 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú; 4 trường dự bị đại học dân tộc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của con em các dân tộc.
Cùng với đó, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe được chú trọng, phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ; chất lượng khám chữa bệnh có chuyển biến tích cực. Đến nay, vùng DTTS&MN có 99,5% số xã có trạm y tế, 83,5% trạm y tế đạt chuẩn quốc gia (tăng gấp 2 lần so với năm 2015); 77,2% số trạm y tế có bác sĩ; 93% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm 5,6%.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các DTTS đạt được kết quả rõ nét hơn. Đã có thêm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hóa quốc gia ở vùng DTTS&MN được công nhận; 559 nghệ nhân dân gian là người DTTS được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng. Hàng năm, đã tổ chức tốt Ngày hội văn hóa của các dân tộc, tạo được sức lan tỏa lớn, kết nối tình thân ái giữa các dân tộc, các vùng miền với nhau.
Chương trình đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, đạt kết quả tốt. 95% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; xây dựng được hơn 16.000 điểm bưu điện văn hóa xã, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, đa dạng của người dân. Đã phát sóng được 22 thứ tiếng dân tộc, phù hợp với từng vùng, miền. Cấp không thu tiền hàng triệu tờ báo, góp phần chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.
Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS được quan tâm, có chuyển biến rõ nét hơn. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS chiếm khoảng 14,5%; trong đó, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp chiếm 17,2%. Quốc hội khóa XIV có 86 đại biểu là người DTTS, chiếm 17,4%. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có 17 đồng chí là người DTTS, chiếm 8,5% (trong đó có 1 đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị).
Tỷ lệ đảng viên người DTTS tăng từ 10,94% (năm 2012) lên 11,98% (năm 2019). Hiện nay, 100% cơ quan, trường học, bệnh viện, xã, phường, thị trấn và các doanh nghiệp nhà nước ở vùng DTTS&MN có tổ chức đảng làm hạt nhân lãnh đạo.
Bên cạnh đó, quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước được nâng lên.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được chú trọng; cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở các địa bàn trọng yếu, vùng biên giới luôn nắm vững tình hình, chủ động phát hiện, giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xảy ra các “điểm nóng”, phức tạp về an ninh, trật tự.
BĐBP đã cử hàng trăm lượt sĩ quan, chiến sĩ tăng cường xây dựng cơ sở chính trị ở các địa phương vùng biên giới, góp phần giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Những kết quả quan trọng nêu trên đã góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước, khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng ngày càng vững chắc, tinh thần cảnh giác cách mạng của đồng bào được nâng lên, góp phần làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Hồng Chuyên