Biên phòng - 41 năm sau ngày giải phóng, đặc biệt là sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, diện mạo nông thôn vùng căn cứ cách mạng xã Sơ Ró, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) hôm nay đã có những thay đổi rõ rệt trên nhiều lĩnh vực; đời sống vật chất và tinh thần của bà con có nhiều khởi sắc được bắt nguồn từ ý Đảng và lòng dân.

Xuôi theo Quốc lộ 19 rồi rẽ vào đường Trường Sơn Đông, chúng tôi trở về thăm lại vùng căn cứ cách mạng xã Sơ Ró (trước đây gọi là xã A13 thuộc Khu 7) vào những ngày nắng gắt hanh vàng đến chói chang. Năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu El Nino nên Sơ Ró cũng không là ngoại lệ trong vùng khô hạn thuộc phía Đông tỉnh. Tuy vậy, chiều xuống khí hậu ở đây cũng dần mát mẻ, đêm về những căn nhà sàn của bà con trong buôn đã lên ánh điện. Khu vực trung tâm xã, các hàng quán tạp hóa, quán cà phê tấp nập hoạt động đến khuya tạo không gian của một thị tứ tương đối sầm uất. Bây giờ về Sơ Ró rất thuận lợi nhờ tuyến đường giao thông đã trải nhựa. Nhiều con đường nhỏ vào các thôn, làng cũng đã được bê tông hóa, việc đi lại trao đổi hàng hóa cũng dễ dàng hơn.
Dưới cái nắng chói chang, nhưng trên những triền đồi đều thấy một màu xanh của mía, mì, bí đỏ, dưới thấp là ruộng ngô và lúa 2 vụ xanh tốt. Trong cảm xúc đổi thay này, khi nhớ về ký ức một thời chiến tranh ác liệt, ông Đinh Truk, nguyên Huyện ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã A13 từ năm 1960 và là một cán bộ lão thành cách mạng bồi hồi chia sẻ: "Trước đây, người dân chỉ sống tự cung tự cấp nên thiếu thốn trăm bề; làng, xã gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, cuộc sống, ốm đau đều dựa vào rừng. Không những thế, giặc Pháp đóng đồn hãm hiếp phụ nữ, sát hại dân lành và trẻ em. Bà con phải thường xuyên dời làng vào rừng sâu đánh địch. Đến thời Mỹ-Diệm thì địch lại thường xuyên càn vào đốt làng, phá hoại mùa màng, nương rẫy.
Với khát khao độc lập, tự do nên bà con Ba Na dù có đói khổ cũng chỉ ăn khoai mì mà dành gạo để nuôi giấu cán bộ". Ông Truk còn kể rằng, bà con với suy nghĩ thật giản dị là chỉ mong đất nước được hòa bình, mọi người tự do lao động để... tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhiều công dân một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, giữ trọn niềm tin đến hôm nay, như các cán bộ tiền khởi nghĩa: Đinh Bưk, Đinh Mik, Đinh Ươn và cả ông Lê Tam (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai) đã từng hoạt động ở vùng đất này...
41 năm sau ngày giải phóng, Sơ Ró hôm nay tuy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đã có những thay đổi rõ nét: Toàn xã có 681 hộ với 3.678 nhân khẩu, trong đó, đồng bào Ba Na chiếm hơn 80%. Xã có 2 thôn người Kinh từ Hải Dương và Hưng Yên vào lập nghiệp năm 2001 theo chính sách đi kinh tế mới của Nhà nước. Hai dân tộc Kinh và Ba Na đã có sự gắn kết trong cuộc sống và sản xuất.
Hơn thế nữa, những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các Chương trình 134, 135, 167, Chương trình vay vốn ưu đãi, Chương trình xây dựng nông thôn mới... cuộc sống của người dân Sơ Ró đã được cải thiện rõ rệt. Đồng bào Ba Na đã biết dẫn thủy nhập điền trồng lúa nước 2 vụ đạt năng suất cao tại cánh đồng làng Byă 60ha và đưa giống bắp lai vào canh tác đại trà. Họ còn biết trồng những cây hàng hóa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng như: Cây mì (738ha), đậu các loại (314ha), bí đỏ (24ha), ớt (15ha), dưa hấu (26ha), mía (trồng mới 200ha)...
Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm 2015. "Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ cây mì, bắp, bí đỏ, nuôi bò sinh sản như hộ ông Đinh Y Vai (làng Kpoh), Đinh Pech (làng Quel) với mức thu nhập trên 150 triệu đồng/năm; hộ ông Đinh Pit (làng Kươk) thu nhập trên 100 triệu đồng/năm... Nhiều hộ sử dụng thuần thục máy cày, xe công nông để hỗ trợ cho các gia đình khác trong xã" - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơ Ró, ông Phạm Đức Đua chia sẻ trong niềm phấn khởi.
Nhiều năm trở lại đây, kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của bà con được cải thiện rõ rệt nên nhiều thế hệ học sinh được học lên cấp cao hơn rồi trở về phục vụ địa phương. Tự hào về sự nghiệp trồng người, Phó Bí thư Thường trực Phạm Đức Đua kể vanh vách: "Toàn xã có 690 học sinh ở 3 cấp học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) và đạt 95% sĩ số học sinh đến lớp; trường Tiểu học Kim Đồng, Mầm non Hoa Mai và Phổ thông Dân tộc bán trú Nguyễn Trãi đã được xây dựng khang trang". Không những thế, ông Đua còn cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con nơi đây luôn được chính quyền quan tâm và nhiều năm nay trên địa bàn xã không có dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, nhiều hủ tục ở địa phương được xóa bỏ và không có tệ nạn tự tử, thuốc thư, ma lai như nhiều năm về trước.
Một điều đáng mừng nữa là nhờ sự hướng dẫn của khuyến nông huyện Kông Chro, từ năm 2016, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã bắt đầu đưa cây mía vào trồng trên diện tích ruộng màu của gia đình mình. "Hy vọng rằng, với sự hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp ở cơ sở sẽ là tiền đề giúp cho Sơ Ró không bao lâu sẽ hết hộ nghèo" - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Sơ Ró nhấn mạnh. Có điều trăn trở nhất như ông Đinh Truk đúc kết là cả một đời gắn bó với mảnh đất Sơ Ró nhưng vẫn còn nhiều hộ lười biếng lao động. Bởi vậy, ông Đinh Truk đã nói vui: "Siêng thì ăn gạo đỏ, làm như con thỏ (lười biếng) chỉ có trông chờ gạo trắng (gạo cứu đói)" và ông chia sẻ: "Để xóa được cái nghèo, đồng bào các dân tộc phải kiên quyết vượt qua những hủ tục còn sót lại; chấm dứt tình trạng lười biếng lao động và biết tiếp thu kinh nghiệm sản xuất hiện đại trong canh tác cây trồng trên vùng đất nhiều nắng, ít mưa này"...
Trở lại Sơ Ró lần này với bao điều cảm xúc ghi nhận từ sự thay đổi trên một vùng đất khó. Cái nắng, cái gió đã làm cho con người kiên cường vượt qua mọi khó khăn như truyền thống đồng bào Ba Na ở đây vẫn một lòng theo Đảng, Bác Hồ để xây dựng cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Tôi chợt hiểu ra rằng: "Bàn tay ta làm nên tất cả/Có sức người sỏi đá cũng thành cơm" đúng với phẩm chất đất và người Sơ Ró một nắng hai sương nơi đây!
Lê Văn Nhung