Biên phòng - Ma Ly Pho - một địa danh đã gần nửa thế kỷ qua luôn đằm sâu trong ký ức, tấm lòng của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu. Bước ra từ quá khứ hào hùng, hôm nay, lại có một Ma Ly Pho vươn lên mạnh mẽ, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ, sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng.

Cách đây tròn 43 năm, ngày 17-2-1979, khi các bản làng trên tuyến biên giới phía Bắc còn đang chìm trong giấc ngủ, thì từ bên kia biên giới, những loạt pháo bất ngờ nã sang đất nước ta. Còn đó những “trang vàng” lấp lánh, tự hào của lịch sử BĐBP Lai Châu, ghi rõ: Khoảng 5 giờ 45 phút, ngày 17-2-1979, quân địch tập trung hỏa lực, pháo kích dồn dập vào các trận địa của ta, sau đó, chúng bất ngờ đem quân đánh chiếm 6 tỉnh biên giới Việt - Trung, trong đó có tỉnh Lai Châu.
Tại địa bàn Lai Châu, quân địch gây tội ác dọc chiều dài gần 60km, từ bản San Cha, xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, đến bản Huổi Luông, xã Huổi Luông, huyện Sìn Hồ. Tại xã Ma Ly Pho - nơi Đồn Công an vũ trang nhân dân Ma Lù Thàng (nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng) đóng quân - khi quân địch vừa vượt qua biên giới đặt chân vào đất của ta đã bị lực lượng của đồn đánh trả quyết liệt, đẩy lùi hàng chục đợt tấn công của địch, lập nhiều chiến công vang dội.
Nhiều năm nay, già làng Tẩn Dâu Vần, ở bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho vẫn thường kể cho con cháu nghe về trận chiến đấu anh dũng bảo vệ biên giới của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng trong chiến tranh bảo vệ biên giới. Qua cách diễn tả mộc mạc của ông, tinh thần chiến đấu của thế hệ cán bộ Biên phòng trước đây được tái hiện một cách sinh động, giúp người dân trong bản tự hào hơn về những người lính nơi tuyến đầu.
Ông Tẩn Dâu Vần chia sẻ: “BĐBP không chỉ bảo vệ vững chắc biên giới khi xảy ra chiến tranh, mà trong thời bình hôm nay, các anh cũng đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương. Bản làng mình hôm nay được đổi thay như thế này cũng là nhờ cán bộ BĐBP tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, từ bỏ tập tục canh tác cũ để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giúp bà con dân bản mình trồng chuối, trồng cây cao su, nên bây giờ đời sống của bà con đã ổn định rồi”.
Xã biên giới Ma Ly Pho có 9 bản, gần 650 hộ với gần 3.000 nhân khẩu. Nhiều năm qua, bà con vẫn duy trì các phương thức sản xuất lạc hậu, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng đã đề xuất với chính quyền địa phương xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa, chuyển giao cho các hộ dân học hỏi và làm theo để xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thiếu tá Nguyễn Văn Thu, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng cho biết: Khi xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, vì mục tiêu bảo vệ an ninh biên giới, chúng tôi luôn chú trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào. Thực hiện chủ trương của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, đơn vị đã xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, trong đó, mô hình trồng chuối thương phẩm đang mang lại hiệu quả cao, giúp bà con nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.
Triển khai nhiệm vụ, Thiếu tá Nguyễn Văn Thu đã cùng tập thể cấp ủy, chỉ huy đơn vị chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung củng cố hệ thống chính trị, phát triển đảng viên để thành lập chi bộ ở những bản “trắng” đảng viên, xây dựng kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cơ sở theo phương châm “vừa học, vừa làm”; áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Cách đây vài năm, gia đình anh Hoàng Quang Cò, ở bản Sơn Bình, xã Ma Ly Pho cũng như nhiều hộ dân khác trong bản từng thuộc diện hộ nghèo, với cuộc sống khó khăn và thiếu thốn đủ bề. Do không có kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, nên quanh năm làm nương rẫy vất vả, mà cuộc sống vẫn không đủ ăn. Năm 2014, gia đình anh được cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng giúp đỡ hướng dẫn phương pháp trồng chuối. Giờ đây, mỗi năm, gia đình anh thu được hàng trăm triệu đồng từ tiền bán chuối.
Anh Hoàng Quang Cò hồ hởi cho biết: “Khoảng 10 năm về trước, đời sống của bà con xã Ma Ly Pho khá vất vả, khó khăn. Trước kia, nương rẫy của bà con toàn trồng ngô, nhà nào làm nhiều cũng chỉ thu được khoảng 30 - 40 triệu đồng mỗi năm. Từ khi Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng vận động nhân dân trong xã trồng chuối, rồi làm cầu nối để thương lái bên Trung Quốc thu mua, mang lại giá trị kinh tế cao nên bà con ai cũng hăng hái trồng”.
Đến xã biên giới Ma Ly Pho, chúng tôi gặp ông Lý A Nhị, ở bản Hùng Pèng đang loay hoay rửa chiếc xe máy mới - thành quả từ mấy năm gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất mang tính hàng hóa. Ông tâm sự: “Hùng Pèng bây giờ đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Người dân trong bản được BĐBP giúp phát triển đàn gia súc, thay đổi tư duy mới trong chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp cho bà con, nâng cao đời sống, bà con ưng cái bụng lắm”.
Theo lời kể của các già làng, trưởng bản ở Ma Ly Pho, thời gian qua, Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng đã giúp người dân vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển đàn gia súc, giúp nhiều gia đình ở vùng quê này thoát nghèo. Các anh còn phối hợp với các ngành, các lực lượng kiên cố hóa hệ thống điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt, thủy lợi, xóa nhà tạm, ổn định dân cư và quy hoạch trồng rừng phòng hộ, rừng kinh tế, đưa xã Ma Ly Pho ngày càng phát triển.
Chúng tôi rời Ma Ly Pho trong một chiều biên cương đầy nắng. Độ này hoa ban đang nở rộ, quốc lộ 12 trắng ngần một sắc hoa. Bản làng Ma Ly Pho giờ đây đang khoác trên mình diện mạo mới của một vùng nông thôn biên giới, với cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn.
Đức Duẩn