Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 05:07 GMT+7

Đổi thay trên quê hương cách mạng

Biên phòng - Là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn, Tràng Định là mảnh đất kiên cường, bất khuất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, là địa chỉ đỏ cách mạng. Phát huy truyền thống đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tràng Định luôn đoàn kết, phấn đấu, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng vùng biên ngày càng giàu mạnh. Hiện nay, 2 xã biên giới của huyện Tràng Định là Quốc Khánh và Đội Cấn đã cán đích trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự góp công, góp sức của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã, BĐBP Lạng Sơn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Ảnh: Văn Phúc

Khởi sắc từ vùng đất an toàn khu

Huyện Tràng Định là địa chỉ đỏ cách mạng với di tích Đường số 4. Đây là con đường huyết mạch để quân đội Pháp vận chuyển vũ khí, lương thực trong chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đường số 4 chạy dọc theo biên giới Việt - Trung. Trên tuyến đường này, thực dân Pháp từng xây dựng hàng trăm đồn bốt, nhằm dập tắt cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Để dập tắt âm mưu của thực dân Pháp, quân và dân tại Chiến khu Việt Bắc đã nhất tề đứng dậy, kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc chiến đó, bộ đội địa phương và nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định đã không quản ngại hi sinh, gian khổ, không tiếc sức người, của cải, trực tiếp tham gia chiến đấu, tiêu diệt sinh lực địch và phục vụ chiến đấu. Quân và dân huyện Tràng Định đã góp phần làm thất bại âm mưu của thực dân Pháp, củng cố căn cứ địa Việt Bắc, góp phần làm nên Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến thần kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập cho dân tộc.

Ngày 4/1/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định công nhận 6 xã An toàn khu tỉnh Lạng Sơn gồm: Tri Phương, Chí Minh, Chi Lăng, Đề Thám, Hùng Sơn và Đội Cấn nhằm ghi nhận những đóng góp của quân và dân Tràng Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Chiến tranh đã lùi xa, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Tràng Định bắt tay vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với nhiều chương trình, nổi bật là xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu là 2 xã biên giới Đội Cấn và Quốc Khánh, tuy cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, song trong những năm qua đã có nhiều nỗ lực bứt phá để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Đối với xã Đội Cấn, năm 2011, khi bước vào xây dựng nông thôn mới, xã chưa có tiêu chí nào đạt. Sau hơn 9 năm triển khai, với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự đồng lòng, nỗ lực của nhân dân, đến nay, xã Đội Cấn đã đạt 19/19 tiêu chí. Hiện nay, diện mạo nông thôn đã thay đổi rõ rệt, cơ sở y tế, trường học được xây mới khang trang, hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả, hiện đại. Thu nhập bình quân của người dân năm 2011 mới đạt 9 triệu đồng/người/năm, thì đến nay đã lên hơn 36 triệu đồng/người/năm, tăng gần 25%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32% vào năm 2011 xuống còn khoảng 10% vào năm 2020.

Tương tự như vậy, đối với xã Quốc Khánh, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, năm 2011, xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người 11 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo 27,31%; hạ tầng còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhất là các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân. Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 36,03 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,16%...

BĐBP góp sức xây dựng quê hương cách mạng

Diện mạo nông thôn mới của 2 xã Quốc Khánh và Đội Cấn không ngừng thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, trong đó có dấu ấn của những người lính quân hàm xanh.

Trung tá Đỗ Văn Phúc, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Mã cho biết: “Bên cạnh nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị xác định, tham gia Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới 2 xã Quốc Khánh và Đội Cấn tiến hành khảo sát địa bàn, xây dựng kế hoạch và giải pháp xây dựng nông thôn mới phù hợp với khả năng, điều kiện của đơn vị, địa phương và nguyện vọng của nhân dân”.

Đồn Biên phòng Pò Mã hỗ trợ cây giống giúp người dân tại địa phương phát triển kinh tế. Ảnh: Văn Phúc

Trung tá Đỗ Văn Phúc cho biết thêm: “Đồn Biên phòng Pò Mã luôn chú trọng củng cố đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác vận động quần chúng. Trong đó, ưu tiên phân công những đồng chí có kinh nghiệm bám sát cơ sở, phát huy vai trò, trách nhiệm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền 2 xã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, đơn vị còn đảm bảo khu vực biên giới luôn ổn định để tạo môi trường tốt cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Mã còn tham gia xây dựng nông thôn mới bằng nhiều phần việc, mô hình, chương trình thiết thực, hiệu quả, tiêu biểu là mô hình “Hợp sức toàn dân, tấn công tội phạm”. Hằng năm, đơn vị đã tham mưu cho 2 xã xây dựng kế hoạch và tổ chức phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới. Trong đó, xã Quốc Khánh được chọn làm điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm trong sạch địa bàn, tạo môi trường ổn định cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Triển khai mô hình “Công trình dân sinh, thắm tình đồn xã”, đơn vị đã tham mưu, phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể, nhân dân trên địa bàn 2 xã hỗ trợ các hộ nghèo tiền mua thức ăn chăn nuôi, giúp dân làm đường liên thôn…

Đối với Chương trình “Nâng bước em tới trường” và mô hình “Con nuôi đồn Biên phòng”, từ năm 2014 đến nay, đơn vị luôn duy trì hỗ trợ 6 em học sinh trên địa bàn mỗi tháng 500.000 đồng/em. Ngoài ra, đơn vị đang nuôi 2 em tại đồn, thường xuyên đảm bảo tốt nơi ăn, chỗ ở; phân công cán bộ hướng dẫn, kèm cặp 2 em học tập, sinh hoạt. Đến nay, 2 con nuôi của đơn vị đã tự tin, trưởng thành, có kết quả học tập tốt và gắn bó với đơn vị hơn.

Với Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, đơn vị phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Tràng Định giúp các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã Đội Cấn, Quốc Khánh tổ chức sản xuất và hỗ trợ 500 cây hồi phát triển kinh tế vườn rừng. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Hội Phụ nữ tại địa phương triển khai các hoạt động về bình đẳng giới, chăm sóc, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, tham gia xây dựng nông thôn mới…, góp phần xây dựng vùng biên ấm no, hạnh phúc.

Tuấn Khang

Bình luận

ZALO