Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 05/06/2023 08:20 GMT+7

Đổi thay trên đỉnh Khău Choong

Biên phòng - Từ trung tâm huyện Bảo Yên (Lào Cai), chúng tôi phải vượt qua gần 40 cây số đường đèo dốc mới đến được bản Đáp của người Tày nằm cheo leo trên đỉnh Khău Choong. Nơi đây từng được coi là một vùng đất nghèo khó, nhưng những gì mà chúng tôi thấy hôm nay là một cuộc sống ấm no và nhiều khởi sắc.

6z5u_14a
Những ngôi nhà sàn khang trang của người dân bản Đáp. Ảnh: Thế Lượng

Bản định cư của người Tày

Bản Đáp là bản xa nhất và khó khăn nhất của xã Nghĩa Đô (Bảo Yên, Lào Cai), là nơi định cư từ lâu đời của đồng bào Tày, Dao. Theo ông Ma Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Đô thì hơn 10 năm trước đây đường sá đi lại rất khó khăn, điện lưới và mọi dịch vụ khác chỉ là con số 0.

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi đến bản Đáp là con đường vào bản. Những năm trước đây, con đường này rất hẹp và dốc, phải băng qua nhiều con suối. Những hôm mưa, đường trơn như đổ mỡ, nước suối dâng cao chảy tràn qua đường không đi được. Sự thay đổi của con đường dài 6km vào bản Đáp này được bắt đầu từ năm 2009, khi Nhà nước quan tâm và đầu tư mở rộng, đổ cấp phối, hạ bớt những dốc cao, xây cống qua suối. Giờ đây, ô tô và xe máy có thể dễ dàng ra vào bản. Có đường rộng, người, phương tiện đi lại dễ dàng, dân bản mừng lắm, hàng hóa được lưu thông thuận lợi hơn.

Vào đầu những năm 2000, cả bản chỉ có 32 hộ dân sinh sống, đến nay đã có gần 50 hộ. Cuộc sống của đồng bào ngày một nâng cao nhờ vào sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng các cấp chính quyền địa phương. Đó cũng là động lực để người dân bản Đáp tích cực vươn lên trong cuộc sống. Những ngôi nhà sàn ở bản Đáp đến nay đã được xây dựng khang trang và kiên cố. Nhiều hộ dân trong bản đã có ti vi, những thông tin thời sự về tình hình kinh tế-xã hội trong và ngoài nước nay đã đến được với người dân, nhiều người có điện thoại để liên lạc với bên ngoài.

Nếu như những năm trước đây, nước sạch là một trong những nỗi lo của người dân thì đến nay, cả bản có tới hơn chục bể nước và vòi nước công cộng phục vụ sinh hoạt cho dân bản theo chương trình cấp nước sạch của Dự án 135 giai đoạn 2. Không chỉ đủ nước sinh hoạt mà người dân còn đủ nước phục vụ sản xuất, tưới tiêu trên đồng ruộng.

Hiện nay, ở bản không còn tình trạng đồi núi bỏ hoang, không còn tình trạng du canh du cư mà thay vào đó là những đồi cây công nghiệp bạt ngàn với cây keo, mỡ, sa mu... Người dân bản Đáp còn trồng sắn cao sản cho năng suất cao, trong khi thị trường tiêu thụ sắn của Lào Cai ngày càng có nhu cầu lớn về nguyên liệu. Việc xen canh tăng vụ với việc đưa giống khoai tây, ngô lai vào thử nghiệm bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân bản Đáp. Cùng với đó là việc áp dụng các kỹ thuật nuôi trồng theo mô hình VAC, VACR đã được người dân đưa vào trong mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến nay, đa số người dân bản Đáp đã thoát nghèo, có cuộc sống no đủ hơn, không còn lo thiếu lương thực mùa giáp hạt.

Con chữ mở hướng tương lai

Người Tày ở bản Đáp luôn nhớ trong đầu những con số về đường đi học của con em mình. Để đi học mầm non và lớp 1, trẻ đi khoảng 1 cây số đường núi, đồi. Ngoài ra, các cấp học từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, học sinh đi núi khoảng 7 cây số. Những con số tuy không lớn về khoảng cách đường đi, nhưng ở vùng cao, đường núi, đường rừng và lắm khe suối so với những bàn chân nhỏ của bọn trẻ đủ để nói lên sự gian nan về chuyện học ở bản nhỏ này.

Anh Hoàng Văn Bạo, Trưởng bản Đáp cho biết, cách đây hơn chục năm, bản Đáp còn nghèo và thưa thớt dân cư. Điện không có, chỉ leo lét đèn dầu trong những căn nhà sàn, đường xuống núi lại khó đi nên tỷ lệ trẻ bỏ học ở bản khá nhiều. Số trẻ đi học ở bản Đáp, nhất là học Trung học phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Sau nhiều năm tuyên truyền, vận động, dần dần, dân bản đã hiểu được vai trò của con chữ đối với cuộc sống nơi đây nên đã dành cho con em những điều kiện thuận lợi nhất để đến trường. Xã cho lập phân hiệu trường mầm non và trường tiểu học ngay tại trung tâm bản.

z3n9_14b
 Học sinh bản Đáp đã được theo học Trung học phổ thông ngay tại trung tâm xã Nghĩa Đô. Ảnh: Thế Lượng

Thay phiên nhau, các thầy cô ở trung tâm xã lên "cắm bản" dạy chữ. Bản Đáp ban ngày cũng như ban đêm, khung cảnh tĩnh lặng vì bao quanh chỉ có rừng rậm và núi cao sừng sững làm cho ai cũng thấy rợn người. Vậy mà, bao năm nay, các thầy, cô giáo đã lặn lội lên bản Đáp dạy chữ. Vào những ngày mùa đông giá lạnh, sương mù đặc quánh xung quanh điểm trường thành một màn trắng xóa không nhìn thấy nhà dân, học sinh phải 8 giờ mới đến đủ được.

Sau khi hoàn thành chương trình lớp 2, số trẻ học từ lớp 3 đến lớp 9 phải lặn lội xuống núi học tại điểm trường chính. Đường xa tới gần 8 cây số xuyên qua núi rừng, bắt buộc các em phải ăn ở tại trường. Hiện nay, trường Tiểu học và Trung học cơ sở Nghĩa Đô đều đã xây dựng nhà bán trú cho các em học sinh bản Đáp ăn học tại trường.

Cách đây gần chục năm, xã có trường Trung học phổ thông ngay tại trung tâm nên sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, học sinh bản Đáp không phải lặn lội ra trung tâm huyện để học nữa. Chính vì thế, số học sinh đi học nghề, học cao đẳng, đại học ngày càng tăng lên trong những năm gần đây. Nhiều em sau khi học xong đã về xã để làm việc và làm cán bộ của bản. Điều này đã minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của học sinh bản Đáp và sự nhận thức về chuyện học của người dân nơi đây.

Bản Đáp hôm nay đã thay đổi hơn trước nhiều. Theo Trưởng bản Hoàng Văn Bạo thì nhờ có con chữ, trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng lên, kinh tế phát triển ổn định, số hộ nghèo giảm đi đáng kể. Hiện nay, đường giao thông và điện lưới đã rút ngắn khoảng cách về đời sống vật chất, tinh thần giữa người dân bản Đáp với các địa phương lân cận.

Thế Lượng

Bình luận

ZALO