Biên phòng - Xã Ea Bung, huyện Ea Súp là xã biên giới đầu tiên và cũng là duy nhất ở khu vực biên giới của tỉnh Đắk Lắk đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, quân và dân trên địa bàn chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương.
Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp chỉ đạt 4/19 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30%, sau 10 năm, Ea Bung đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, diện mạo nông thôn hoàn toàn đổi khác, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Ea Bung là xã thuần nông, cây trồng chính là lúa nước, nhưng trước đây, điều kiện khí hậu xã biên giới này rất khắc nghiệt, mùa mưa thì lũ lụt, mùa khô thường thiếu nước. Cùng với việc người dân canh tác theo kiểu truyền thống, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất cây trồng thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đảng ủy, UBND, các hội, đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học vào sản xuất, tập trung xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, năng suất, chất lượng cây trồng được nâng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng được cải thiện.
Ông Phạm Minh Hóa, ở thôn 6, xã Ea Bung cho biết: Khi tôi vào đây lập nghiệp chủ yếu khai hoang để lấy đất sản xuất, hệ thống kênh mương thủy lợi không có. Trong khi đó, vùng đất này thường xuyên xảy ra hạn hán, lũ lụt, sản xuất dựa cả vào tự nhiên, năm nào lũ ít thì còn có ăn, năm nào thiên tai, hạn hán nhiều coi như đói, nên đời sống của người dân khổ lắm. Từ khi triển khai xây dựng nông thôn mới, Nhà nước đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi, nguồn nước chủ động, người dân sản xuất nông nghiệp thuận lợi, vùng đất xấu bây giờ đã thành vựa lúa có năng suất cao. Nhiều hộ gia đình mở rộng diện tích canh tác từ 15-20ha lúa, đời sống người dân khá hơn, có của ăn, của để.
Xã Ea Bung hiện có hơn 1.000 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu, chủ yếu là người dân từ tỉnh Thái Bình và tỉnh Quảng Nam đi xây dựng kinh tế mới. Toàn xã có gần 15.000ha lúa nước, trong đó, giống lúa được mệnh danh là “ngon nhất thế giới” là ST25 chiếm diện tích lớn. Ngoài lúa, nhiều mô hình cây ăn quả cũng đang hình thành và phát triển như mô hình trồng xoài, chăn nuôi bò, lợn theo quy mô trang trại… Điển hình như gia đình ông Lê Thành Trung, ở thôn 8, xã Ea Bung, sản xuất 15ha lúa 2 vụ, mỗi năm thu hoạch hơn 100 tấn lúa, trừ chi phí cũng lãi cả trăm triệu đồng.
Sau 10 năm triển khai với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể, sự giúp đỡ của BĐBP và đặc biệt là nỗ lực của nhân dân, Ea Bung đã sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để có được thành quả như vậy, ngày từ khi triển khai, Đảng bộ và chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định từng mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn cụ thể. Trong đó, giai đoạn đầu tập trung phát triển nông nghiệp, cây lúa làm mũi nhọn, nên các nguồn lực ưu tiên vào xây dựng kiên cố hóa hệ thống kênh mương, phát triển giao thông, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ.
Theo báo cáo, trong 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, xã Ea Bung đã huy động được 43,6 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó, người dân đóng góp 600 triệu đồng. Đến nay, xã không còn nhà tạm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,8%; thu nhập bình quân đầu người hơn 41 triệu đồng/năm; 100% các tuyến đường liên xã, liên thôn, nội thôn được cứng hóa; 100% người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Sau khi “cán đích” nông thôn mới, chính quyền và nhân dân xã Ea Bung tiếp tục phát huy nội lực giữ vững các tiêu chí, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Lê Hồng Hạnh, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung chia sẻ: Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng với kinh nghiệm và quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Ea Bung sẽ tìm những giải pháp phù hợp để phát huy nguồn lực trong dân. Trước hết là tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân. Sau đó là huy động nguồn nội lực, tranh thủ nguồn đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, vận dụng cơ chế chính sách linh hoạt để thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, y tế, giáo dục.
Ngoài ra, xã Ea Bung cũng quan tâm việc bảo tồn văn hóa các dân tộc mang đậm bản sắc địa phương và đầu tư cải tạo cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo đúng kế hoạch.
Lê Hường