Biên phòng - Năm 2007, có 15 cặp vợ chồng đông con, thiếu đất sản xuất ở 5 thôn: A Đang, A Rồng dưới, A La, A Ngo, A Rồng đã dắt díu nhau lên Khu định canh định cư Pi Rao (xã A Ngo, huyện Đakrông, Quảng Trị), nơi có núi rừng hoang vu, trùng điệp để khai hoang, lập nghiệp. Đến nay, sau gần 10 năm, Khu định canh định cư Pi Rao bạt ngàn lau lách, cỏ dại rậm rịt níu chân người ngày nào đã thật sự đổi thay. Đường sá, nhà cửa khang trang, đời sống người dân từng bước được cải thiện...
Dẫn chúng tôi tham quan một vòng xung quanh thôn Pi Rao trên con đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp, anh Hồ Văn Lợi, Bí thư Chi bộ thôn Pi Rao cho biết: "Phải đến cuối năm 2015, Khu định canh định cư Pi Rao mới có quyết định của Nhà nước chính thức thành lập mang tên thôn Pi Rao. Từ 15 hộ dân ban đầu, đến nay, thôn Pi Rao đã có 70 hộ dân và 725 nhân khẩu (100% là người dân tộc Pa Cô). Ngay từ khi chuyển tới khu định canh định cư này, mỗi gia đình được chính quyền địa phương cấp cho 900m2 đất vườn và đất làm nhà ở, gần 1ha đất sản xuất...".
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân ổn định cuộc sống, canh tác để phát triển kinh tế, chính quyền địa phương các cấp đã quan tâm đầu tư, xây dựng đầy đủ hệ thống điện - đường - trường - trạm cho thôn Pi Rao. "Nay ở Pi Rao điện lưới quốc gia đã đến từng gia đình, đường ô tô vào tận ngõ, trường thì đã có 3 cấp học và trạm y tế đạt chuẩn rồi. Bà con mình giờ chỉ cần lo làm ăn kinh tế và nuôi con cái học hành nữa thôi" - anh Lợi chia sẻ.
Trong cái nắng nóng oi bức của vùng cao, già làng Hồ Văn Mười, người có uy tín ở thôn Pi Rao nhấp ngụm nước chè khô rồi nhớ lại: "Trước đây, mình ở thôn A Rồng dưới cùng con cháu. Vì nhà nghèo quá, không có đất để trồng trọt, chăn nuôi mà nhà lại đông con nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám năm này qua tháng khác. Khi nghe cán bộ xã về tuyên truyền, vận động di chuyển đến Khu định canh định cư Pi Rao, mình rất vui, liền bảo các con cùng đi. Mình còn vận động thêm vài gia đình nữa cùng đi theo. Tới khu định canh định cư này, chính quyền không chỉ cho đất sản xuất, làm nhà ở, mà còn hỗ trợ tiền làm nhà và mua giống cây trồng nữa. Cuộc sống bây giờ ổn định rồi, mọi thứ đều có cả. Nhà mình không còn lo lắng về lương thực, thực phẩm nữa vì đã có đất để trồng trọt, chăn nuôi. Con cháu cũng được đi học đàng hoàng rồi".
Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình, người dân nơi đây đã mạnh dạn khai hoang đất rừng, phạt cỏ dại, lau lách để trồng sắn, cây tràm lai, cây bời lời và cây ngô... Ngoài ra, bà con còn nuôi thêm dê, heo bản, gà và bò lai. Được sự tuyên truyền, vận động tích cực từ chính quyền địa phương, bà con thôn Pi Rao đã từ bỏ các tập tục canh tác lạc hậu như thả rông gia súc, gia cầm hoặc nhốt ngay dưới gầm nhà sàn... Thay vào đó, họ đã biết làm chuồng để nuôi nhốt đàn dê, bò, gà, biết sử dụng các loại máy móc cơ giới khi trồng trọt hay thu hoạch mùa vụ. Nhiều hộ trong thôn đã có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo và vươn lên làm giàu như hộ anh Hồ Văn Lay, Hồ Văn Sao, Hồ Văn Hầu, Hồ Văn Hanh...
Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây kiên cố, khang trang, anh Hồ Văn Sao, SN 1982, cho biết: "Tôi sinh ra ở thôn A Đang. Nhà tôi đông anh em lắm, đất đai của bố mẹ lại ít nên không đủ chia đều cho các con. Thế là tôi cùng vợ quyết định lên Khu định canh định cư Pi Rao để lập nghiệp, sinh sống. May sao ông trời cho tôi sức khỏe để làm việc nên giờ đây, chúng tôi đã trồng được nhiều cây, nuôi nhiều con và dựng được ngôi nhà khang trang này. Tôi sẽ đầu tư cho các con ăn học đàng hoàng. Đời mình nghèo khó, không biết chữ thì đời con phải biết chữ để làm giàu chứ". Nhờ ý chí và nghị lực vươn lên thoát nghèo, đến nay, gia đình anh Sao đã có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm và là một trong những hộ làm kinh tế giỏi ở thôn Pi Rao.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hồ Văn Hêm, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết: "Vì địa bàn xã bị chia cắt, đa phần diện tích là đồi núi nên đất cho người dân ở và sản xuất rất hạn hẹp. Do đó, đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhằm mở rộng diện tích đất canh tác, giúp cải thiện đời sống cho nhân dân, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ những gia đình thiếu đất ở và đất sản xuất, nhà đông con từ 5 thôn bản trong xã đến lập nghiệp, sinh sống tại Khu định canh định cư Pi Rao. Đến nay, thôn Pi Rao đã dần khởi sắc, các lĩnh vực y tế, giáo dục, kinh tế... đang được chú trọng đầu tư và trên đà phát triển bền vững".
Trần Thanh