Biên phòng - Chúng tôi về thăm lại mảnh đất cách mạng Ia Mơ (Chư Prông, Gia Lai) vào dịp ngày mùa. Mọi thứ đã khác hoàn toàn với cảnh xơ xác ngày nào. Ia Mơ nay đã đổi thay, khoác trên mình màu vàng của những ruộng lúa đang độ chín rộ. Từng đàn bò, đàn dê nối đuôi nhau về chuồng, bụng no căng.
Xã Ia Mơ có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh, quốc phòng trên tuyến biên giới của tỉnh Gia Lai. Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, Ia Mơ là một vùng căn cứ cách mạng quan trọng, quân - dân nơi đây luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực tự cường, ra sức đánh giặc gìn giữ quê hương và bảo vệ biên giới. Vào thời bình, quân-dân chung tay trong công cuộc xây dựng đời sống mới, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Rơ Ô Thuy, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn BP Ia Mơ, đơn vị quản lý địa bàn xã Ia Mơ nhớ lại, năm 2012, nơi đây giống như một vùng đất hoang hóa, bốn bề là rừng khộp, thiếu nước trầm trọng, rất khó khăn trong sản xuất và sinh hoạt. Với mong muốn thay đổi cách trồng lúa rẫy sang lúa nước hai vụ, cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia Mơ đã mạnh dạn triển khai mô hình cánh đồng lúa nước hai vụ để bà con học hỏi, làm theo.
Thách thực đặt ra đối với Đồn BP Ia Mơ cũng là nỗi lo chung của bà con, đó là nguồn nước để cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất. Chọn thời điểm bắt đầu thực hiện mô hình là khi hoàn thành công trình thủy lợi Ia Mơ để lấy nước làm ruộng, năm 2014, Đồn BP Ia Mơ đã gặt hái được thành công lớn. Chỉ với mảnh ruộng diện tích canh tác 0,5ha, các chiến sĩ Đồn BP Ia Mơ đã thu hoạch được 3,5 tấn lúa giống để dành tặng các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, già làng, trưởng thôn và trao đổi lúa giống cho bà con phát triển sản xuất. Đây cũng là bước ngoặt mở ra cách làm lúa nước cho đồng bào nơi đây, làm thay đổi tập tục lúa rẫy, hái lượm của đồng bào từ xa xưa.
Tiếp theo thành công đạt được, những người lính quân hàm xanh Ia Mơ lại mạnh dạn mở rộng diện tích lên 0,7ha để cung cấp thêm giống cho bà con. Để mô hình lúa nước hai vụ phát triển bền vững, Đồn BP Ia Mơ đã cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống địa bàn hướng dẫn bà con cách trồng lúa, chăm sóc, bón phân theo đúng thời vụ, phòng trừ các loại sâu bệnh để lúa phát triển tốt và đạt năng suất như mong muốn. Năm 2016, Đồn BP Ia Mơ lại thay đổi giống lúa Mai Lâm ở cánh đồng điểm, kết quả rất khả quan. Gống này chống sâu bệnh tốt, năng suất lúa gần như gấp đôi so với giống lúa cũ, thời gian canh tác cũng được rút ngắn. Ngoài ra, để tăng thu nhập cho người dân, Đồn BP Ia Mơ hướng dẫn bà con đào ao thả cá, trồng măng, nuôi bò, dê...
Chia sẻ với chúng tôi, ông Châm Thon (làng H'Náp, Ia Mơ) phấn khởi nói: "Trước đây, nhà mình trồng lúa trên rẫy, nó không có hạt nhiều, lại bị con chim ăn. Cách đây 2 năm, nhìn Biên phòng trồng lúa ở ruộng của nó tốt, lại nhiều hạt nên tôi cùng bà con trong làng xin giống về trồng. Các cán bộ Biên phòng cho lúa giống, nhưng sợ bà con không biết trồng lại tới để hướng dẫn cách trồng và chăm sóc. Giờ đây, gia đình mình đã không lo đói vào mùa mưa, cũng có mấy bao lúa bán để cho các con đi học...".
Nhờ sự đồng lòng, quyết tâm xây dựng phát triển kinh tế của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia Mơ và chính quyền địa phương, cùng nhân dân nên chỉ sau 3 năm thực hiện mô hình ruộng lúa nước, vùng đất này đã vươn mình trỗi dậy, nảy nở những mầm xanh về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Phạm Hoàng