Biên phòng - Bạc Liêu là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống với hơn 67.000 người, có 30 xã thuộc vùng khó khăn, 10 xã và 41 ấp đặc biệt khó khăn được đầu tư Chương trình 135 (giai đoạn 2016-2020). Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cho vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất… nên cuộc sống của đồng bào Khmer nơi đây có bước phát triển rõ nét, số hộ khá giàu không ngừng tăng lên, số hộ nghèo giảm dần theo từng năm. Cùng với đó, diện mạo các xóm, ấp nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cũng ngày càng khởi sắc.

Ông Kim Miên, Phó Trưởng ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Năm 2018, Bạc Liêu đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như vận động các nhà tài trợ, doanh nghiệp xây dựng 91 căn nhà tình thương; tặng trên 3.000 suất quà cho các hộ gia đình dân tộc khó khăn; khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn trong các ngày lễ, Tết, với kinh phí trên 5 tỉ đồng. Riêng trong quý 1 năm 2019, Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh đã trao tặng 2.000 suất quà, 1.000 suất khám và cấp thuốc miễn phí, 50 căn nhà tình thương... cho hộ nghèo”.
Chúng tôi đến Ninh Hòa, một trong những xã có đông đồng bào Khmer sinh sống nhất huyện Hồng Dân. Trước đây, điều kiện đi lại trong phum, sóc gặp nhiều khó khăn. Phần lớn bà con sản xuất nông nghiệp theo cách truyền thống, chậm đổi mới, ít áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên thu nhập không cao.
Ông Nguyễn Ngọc Tửng, Chủ tịch UBND xã Ninh Hòa cho biết: “Trước thực trạng trên, Ninh Hòa vận động bà con đổi mới cách làm, áp dụng các mô hình kinh tế hiệu quả vào sản xuất, từ đó mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Hiện, Ninh Hòa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm xuống còn 3,2%”.
Chúng tôi đến thăm ông Danh Mỹ, người có uy tín trong đồng bào Khmer ở ấp Tà Ben, xã Ninh Hòa, ông phấn khởi nói: “Tôi rất vui, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đường làng, ngõ xóm trong ấp được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Bà con đồng bào Khmer đồng lòng, chung tay góp sức xây dựng quê hương và có ý thức vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Phấn khởi nhất là trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường học tập”.
Còn anh Danh Cạnh, ở ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa không giấu nổi niềm vui: “Trước năm 2000, hoàn cảnh gia đình tôi khổ lắm. Con đông, nhà nghèo, không đất, không vốn sản xuất, nên cả gia đình kiếm đủ hai bữa cơm đã vất vả, nói chi đến chuyện dành dụm tiền xây nhà, mua ruộng đất... Năm 2005, gia đình tôi được chính quyền địa phương và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải quyết cho vay 20 triệu đồng mua con giống, xây chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất lúa kết hợp trồng hoa màu. Nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, cùng với sự nỗ lực của gia đình, đến nay, tôi đã xây được căn nhà khang trang trị giá hơn 300 triệu đồng và mua thêm 10 công ruộng trồng lúa, mỗi năm kiếm được hàng chục triệu đồng”.
Còn rất nhiều hộ Khmer nghèo, nhờ sự hỗ trợ của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nay đã vươn lên đủ ăn, từng bước khá giả, không ít hộ vươn lên làm giàu. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc mới của nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer ở Ninh Hòa.
Ông Vương Phương Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhận định: “Các chính sách dân tộc, chương trình, dự án dành cho đồng bào dân tộc Khmer ở Bạc Liêu được các địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt và có hiệu quả. Việc thực hiện Chương trình 135 đảm bảo đúng tiến độ, các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư, đáp ứng nhu cầu người dân, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với nhiều phương án hỗ trợ thiết thực, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Nhờ đó, người dân nông thôn có thêm cơ hội để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”.
Phương Nghi