Biên phòng - Sáng 6-8, tỉnh Bến Tre đã long trọng tổ chức kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9, 50 năm ngày Bến Tre được tuyên dương danh hiệu "Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy" và đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - Đội quân tóc dài và một số cá nhân.
Đến dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hơn 130 Mẹ Việt Nam Anh hùng; các cô, các bác trong Đội quân tóc dài năm xưa.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng Đảng bộ và nhân dân Bến Tre nhân lễ kỷ niệm 50 năm ngày Bến Tre được phong tặng danh hiệu cao quý “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt Ngụy”, chúc mừng những thành tựu mà Bến Tre đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các thế hệ phụ nữ trong tỉnh.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trân trọng trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho đại diện tập thể Hội Phụ nữ giải phóng - Đội quân tóc dài. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho đại diện gia đình hai đồng chí: Huỳnh Minh Lễ, chiến sĩ đặc công, Chính trị viên phó Đại đội, Chủ nhiệm đặc công Tỉnh đội Bến Tre và đồng chí Lê Văn Duyệt, chiến sĩ tình báo, Trưởng ban Trinh sát quân báo, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bến Tre.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đi liền với cuộc Đồng khởi là sự ra đời và phát triển của Đội quân tóc dài - một hiện tượng, một sự sáng tạo độc đáo của Bến Tre. Đây chính là lực lượng góp phần làm nòng cốt cho phong trào chiến tranh du kích trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước. Đội quân tóc dài ban đầu thuần túy chỉ là đấu tranh chính trị, nhưng về sau lực lượng này tham gia cả đấu tranh về quân sự. Năm 1961, số nữ du kích xã, ấp đã lên đến hơn 3.000 người, chiếm 1/9 số nữ du kích trong toàn miền Nam lúc bấy giờ.
Năm 1964, tại Bến Tre đơn vị nữ vũ trang đầu tiên mang phiên hiệu C.710 - lực lượng bộ đội nữ đầu tiên của chiến trường Khu 8 đã ra đời. Trong đó, những con người rất tiêu biểu như Tạ Thị Kiều (Mười Lý), Nguyễn Thị Tuyết (Út Tuyết) là những đội viên du kích xuất sắc, chỉ huy lấy đồn địch bằng sự mưu trí, linh hoạt và dũng cảm. Trong Đại hội liên hoan anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn miền Nam, bà Tạ Thị Kiều được tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Nhắc đến Đội quân tóc dài không thể quên đồng chí Nguyễn Thị Định - cô Ba Định, một trong những người lãnh đạo của phong trào Đồng khởi, vị nữ tướng Phó Tổng tư lệnh tài ba đã lãnh đạo và tạo điều kiện cho Đội quân tóc dài làm nên kỳ tích. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Tỉnh ủy, trực tiếp là của cô Ba Định, Đội quân tóc dài xung trận, trực diện với quân thù, đấu tranh với hình thức “tản cư ngược” từ vài chục, vài trăm đến hàng ngàn người tràn về dinh quận Mỏ Cày, lên án hành động dã man, cướp bóc, bắn giết nhân dân trong Đồng khởi.
Từ Bến Tre, Đội quân tóc dài được nhân rộng và phát triển hầu hết ở các tỉnh Nam bộ, góp phần quan trọng trong việc chuyển tình thế cách mạng từ phòng ngự, giữ gìn lực lượng sang tiến công địch liên tục giành thắng lợi. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong phong trào Đồng khởi, trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Hội Phụ nữ giải phóng tỉnh Bến Tre đã vận động, tập hợp lực lượng nữ lên đến hàng trăm, hàng nghìn người tích cực tham gia vào tất cả các mặt hoạt động: Chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội; đã hình thành Đại đội vũ trang nữ đầu tiên của toàn quân khu. Đội quân chính trị chủ yếu là nữ đã tổ chức đấu tranh hàng nghìn cuộc, lực lượng bộ đội nữ đã chiến đấu hàng trăm trận giành thắng lợi...
Nhân dịp Hội Phụ nữ giải phóng - Đội quân tóc dài đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã vận động số quà trị giá 500 triệu đồng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân vận động 500 phần quà hỗ trợ hỗ trợ Bến Tre phần gia đình chính sách tỉnh Bến Tre.
Đăng Bảy