Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 02/10/2023 05:38 GMT+7

Đối phó với trách nhiệm

Biên phòng - Kể từ khi lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc ra quân tổng kiểm soát các phương tiện từ ngày 15-5 đến nay, rất nhiều chủ phương tiện mô tô, xe máy đổ xô đi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, để đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định.

Các đại lý bảo hiểm thu bộn tiền nhờ người mua bảo hiểm mô tô, xe máy tăng vọt. Tuy nhiên, đáng buồn là bản thân người tham gia loại hình bảo hiểm này không quan tâm đến mục đích chia sẻ rủi ro trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, mà chủ yếu để đối phó với sự kiểm tra của Cảnh sát giao thông.

Với hơn 61 triệu mô tô và hơn 4 triệu ô tô đã đăng ký, thị trường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả, chưa hấp dẫn được người tham gia. Lý giải về điều này, các chuyên gia cho rằng, một phần là do sự “cào bằng” trong cả mức phí tham gia cũng như mức chi trả. Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa chứng minh được lợi ích của sản phẩm và quyền lợi khi khách hàng sử dụng sản phẩm bảo hiểm của mình.

Có thể nhận thấy bất cập trong hạn mức bồi thường tai nạn giao thông. Ngay cả thiệt hại về người đến mức tử vong, nhà bảo hiểm cũng chỉ bồi thường tối đa 100 triệu đồng/người. Trong khi đó, chi phí điều trị thương tật đối với tai nạn giao thông thường rất tốn kém. Chưa hết, cơ sở để giải quyết mức bồi thường là phải phân biệt được lỗi cụ thể của các bên. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp bảo hiểm và người được bảo hiểm không thương lượng được mức bồi thường, vụ việc sẽ được đưa ra tòa.

Trước thực tế, để được bồi thường tai nạn giao thông, đương sự phải qua nhiều thủ tục rối rắm và mất nhiều thời gian. Đây cũng là lý do khiến các chủ xe không tích cực mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

Vậy, làm thế nào để thu hút chủ phương tiện mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới?

Trước hết, thủ tục bồi thường cần phải đơn giản. Khi tai nạn giao thông xảy ra, Công an xác định được tỉ lệ lỗi của các bên, chủ xe có giấy yêu cầu bồi thường, thông báo tình hình tai nạn, xảy ra ở đâu... cho doanh nghiệp bảo hiểm. Căn cứ vào tỉ lệ lỗi của các bên do công an cung cấp và chi phí khám chữa bệnh, chi phí sửa chữa xe, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ phải bồi thường ngay cho người bị tai nạn có mua bảo hiểm.

Mặt khác, cần bỏ hạn mức trách nhiệm bồi thường, thay vào đó là bồi thường theo thiệt hại thực tế, tỉ lệ lỗi, đồng thời bổ sung thiệt hại tài chính gắn liền với quyền và tài sản bị thiệt hại. Như với người bị tai nạn, ngoài bồi thường về điều trị, còn có thiệt hại khác là giảm sút thu nhập trong và sau ngày nạn nhân điều trị.

Ngoài ra, cần xây dựng thang đóng bảo hiểm bắt buộc dựa trên mức độ rủi ro của các đối tượng tham gia giao thông, mà ở đó, đối tượng có rủi ro càng cao, mức đóng bảo hiểm càng nhiều và ngược lại.

Việc quy định chủ xe cơ giới phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự và doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường cho bên thứ ba là cần thiết. Song, loại hình bảo hiểm này chỉ có thể thu hút khách hàng khi doanh nghiệp thuyết phục được người tham gia tin tưởng vào giá trị sản phẩm dựa trên những dữ liệu cụ thể về việc chi trả, bồi thường, chứ không phải dựa trên sự bắt buộc bằng mệnh lệnh hành chính.

Chỉ khi người dân thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm, chúng ta mới loại bỏ được tình trạng mua bảo hiểm đối phó, mỗi khi có đợt ra quân, kiểm tra kiểm soát. Có như vậy, giấy chứng nhận bảo hiểm mới đúng như ý nghĩa tên gọi, chứ không chỉ là một tờ giấy để xuất trình với công an.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO