Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 01:23 GMT+7

Đối ngoại nhân dân bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trong tình hình mới

Biên phòng - Biên giới quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng, là “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, là “phên dậu” của mỗi quốc gia. Chủ quyền, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của đất nước và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Bởi vậy, tăng cường đối ngoại nhân dân để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước; tạo động lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển với các nước láng giềng.

z0li_9
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh và Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP trao đổi về công tác tổ chức Chương trình “Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc” lần thứ 5 năm 2018 tại Cao Bằng. Ảnh: Viết Hà

Đối ngoại nhân dân là bộ phận cấu thành quan trọng của công tác đối ngoại quốc phòng-an ninh, do các tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương tiến hành, nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối ngoại nhân dân thực chất là công tác dân vận nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân Việt Nam ở trong và ngoài nước thực hiện chủ trương, chính sách hòa bình, hữu nghị và hợp tác của nước ta đối với nước ngoài; đồng thời, vận động nhân dân các nước ủng hộ đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước ta. Đối ngoại nhân dân có ưu thế là tiến hành với nhiều hình thức, phương pháp, nhiều tổ chức chính trị, xã hội, thậm chí cả các tổ chức phi Chính phủ... mà đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước không thể thực hiện.

Đối ngoại nhân dân trên tuyến biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc - Lào và Campuchia đã góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa cụm dân cư đối diện hai bên biên giới; kết nghĩa đồn - trạm Biên phòng của Việt Nam với các lực lượng bảo vệ tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào và Campuchia; giữa các Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc - Lào và Campuchia ở cơ sở của ta và bạn; vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí giúp các cụm dân cư khu vực biên giới của bạn phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng nhà Hữu nghị cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, các hộ gia đình đã đóng góp tích cực trong xây dựng, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Nhận đỡ đầu, giúp đỡ học sinh nghèo khu vực biên giới của bạn có điều kiện được đến trường. Tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới của bạn. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ biên giới của bạn.

Thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến chủ quyền, an ninh biên giới; chủ động đấu tranh ngăn chặn hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, chủ quyền lãnh thổ và hoạt động của các loại tội phạm; tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh ở khu vực biên giới trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên. Để nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, hợp tác và cùng phát triển, cần thực hiện tốt mấy bài học kinh nghiệm cơ bản sau:

Trước hết, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ đối ngoại nhân dân bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đây vừa là giải pháp, vừa là bài học cơ bản, nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hai bên biên giới về bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đảng ta chỉ rõ: Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của cách mạng Việt Nam. Điều đó thể hiện sâu sắc tư duy biện chứng, khoa học của Đảng ta.

Hai là, tích cực tham gia vận động, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên toàn tuyến biên giới. Trước những diễn biến phức tạp mới ở trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc - Lào và Campuchia, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta một mặt, tích cực thông tin để nhân dân nước bạn hiểu, nắm được tình hình; mặt khác, trên cơ sở luật pháp quốc tế, vận động nhân dân trên khu vực biên giới ủng hộ lập trường của Việt Nam trong giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, yêu cầu họ chấm dứt hoạt động phi pháp gây căng thẳng ở khu vực biên giới. Hoạt động vận động, đấu tranh của các đoàn thể, tổ chức nhân dân sẽ góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thể hiện rõ thái độ đúng đắn và lập trường chính nghĩa của nhân dân ta; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế.

Ba là, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước láng giềng có chung đường biên giới; mở rộng quan hệ truyền thống và đối tác quốc tế. Trong quan hệ với các nước láng giềng, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta tiếp tục phát huy vai trò đoàn kết, hữu nghị đặc biệt với nhân dân nước bạn, đưa mối quan hệ này đi vào chiều sâu, thực chất. Bên cạnh việc kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, các đoàn thể, tổ chức nhân dân ta tiếp tục triển khai tinh thần thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc phát huy quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước.

Đồng thời, các đoàn thể, tổ chức nhân dân ta tiếp tục triển khai các hoạt động song phương và đa phương, với nhiều nội dung, hình thức phong phú để đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN với trọng tâm vì người dân, các tổ chức nhân dân ta cũng triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện mong muốn và trách nhiệm của nhân dân Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng, góp phần làm sinh động quan hệ hợp tác theo kênh Nhà nước, Chính phủ. Với các bạn bè truyền thống, các đoàn thể, tổ chức nhân dân ta  duy trì tốt quan hệ, tình cảm gắn bó, thủy chung với các nước có chung đường biên giới.

Bốn là, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia có trách nhiệm trong các hoạt động song phương, đa phương, đóng góp cho phong trào nhân dân khu vực và thế giới. Quán triệt tinh thần Nghị quyết XII của Đảng về: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Bởi vậy, các đoàn thể và tổ chức nhân dân ta cần nỗ lực, chủ động hội nhập quốc tế trên nhiều lĩnh vực, từ hòa bình, đoàn kết, hữu nghị đến hợp tác phát triển kinh tế, hợp tác ngành, nghề...

Thời gian tới, trên cơ sở quán triệt, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế, các tổ chức, đoàn thể, nhân dân các tỉnh có biên giới cần tiếp tục phát huy thành tựu đó, tăng cường hơn nữa hoạt động đối ngoại nhân dân với các nước láng giềng truyền thống, nhằm củng cố hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.  

Thượng tướng Trần Đơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Bình luận

ZALO