Biên phòng - Thực hiện quan điểm và tư duy mới của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình; chấp hành chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, 10 năm qua (2009-2019), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP, công tác đối ngoại biên phòng đã gặt hái nhiều thành công lớn khi tăng cường quan hệ, hợp tác thực chất, hiệu quả với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng. Thông qua các hoạt động đối ngoại biên phòng, kết hợp với ngoại giao nhân dân đã tạo được sự đồng thuận với nhân dân và các lực lượng bảo vệ biên giới của bạn trong giải quyết các vụ việc xảy ra trên biên giới; góp phần giữ vững ổn định biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.

Việt Nam có đường biên giới trên đất liền dài khoảng 4.924,115km, tiếp giáp với 3 nước (Trung Quốc, Lào, Campuchia), bờ biển dài khoảng 3.260km, vùng biển rộng trên 1 triệu km2, tiếp giáp với 7 nước (Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Campuchia, Malaysia, Bruney, Thái Lan và vùng lãnh thổ Đài Loan/Trung Quốc). Trong đó, tuyến biên giới đất liền có 25 tỉnh với 103 huyện, thị xã biên giới và 435 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới tiếp giáp với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia với 117 cửa khẩu, 85 lối mở biên giới và 3 cảng nội địa. Tuyến biển, đảo có 28 tỉnh, thành phố ven biển với 136 huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, 675 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển; có 189 cảng biển, 15 khu kinh tế ven biển, với hàng trăm dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Nhìn vào những số liệu trên, có thể thấy, khu vực biên giới đất liền, biển đảo của nước ta có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tuy nhiên, do khu vực này nhìn chung cơ sở hạ tầng chưa phát triển, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội còn nhiều khó khăn, tập trung chủ yếu là đồng bào dân tộc sinh sống (49 dân tộc) có mối quan hệ thân tộc, dòng họ lâu đời hai bên biên giới. Chính vì thế, các thế lực thù địch, đối tượng phản động lợi dụng vấn đề chủ quyền, lãnh thổ, dân tộc, tôn giáo, đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức của đồng bào còn hạn chế... để đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc và mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Đồng thời, chúng kích động, lôi kéo các phần tử bất mãn để tuyên truyền, phát triển đạo trái pháp luật; kích động di, dịch cư tự do, gây mất ổn định an ninh trật tự khu vực biên giới. Cùng với đó, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, với tính chất ngày càng tinh vi, xảo quyệt và manh động. Còn tuyến biển đảo, các yếu tố an ninh truyền thống và phi truyền thống cũng đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định an ninh trật tự khu vực và chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Do vậy, để giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương, quan điểm, định hướng của Đảng, Nhà nước như: Chiến lược “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra; “Chiến lược tổng thể hội nhập quốc tế đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ; và chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác đối ngoại. Đồng thời, chủ động tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ đạo ban hành các quyết sách quan trọng để duy trì ổn định tình hình ở khu vực biên giới, trong đó có: Đề án “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”; Đề án “Tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Lào, Việt Nam-Campuchia đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; “Thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc”. Đặc biệt, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Trong Nghị quyết 33 do Bộ Chính trị ban hành đã xác định công tác đối ngoại biên phòng lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan trực tiếp góp phần vào sự thành công của công tác xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Ngoài ra, thực hiện đối ngoại biên phòng, trong giai đoạn 2009-2019, Đảng ủy BĐBP đã ban hành Kế hoạch số 33-KH/ĐU ngày 5-11-2015 về thực hiện Nghị quyết số 806-NQ/QUTW ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Bộ Tư lệnh BĐBP cũng ban hành Chỉ thị số 1565/CT-BQP ngày 9-5-2018 về nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng trong tình hình mới. Đồng thời, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ trì, tham mưu cho Bộ Quốc phòng ký và tổ chức ký kết 52 văn bản hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hợp tác biên phòng và phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới; quản lý, kiểm soát cửa khẩu, đấu tranh phòng chống ma túy và tội phạm; đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới với 3 nước láng giềng: Trung Quốc, Lào và Campuchia. Qua đó, giúp cho các ban, bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương, các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh các Quân khu và các đơn vị trong toàn lực lượng BĐBP phối hợp với lực lượng chức năng liên quan của các nước láng giềng thực hiện, triển khai đối ngoại biên phòng hai bên biên giới. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh cũng chỉ đạo Bộ Chỉ huy BĐBP 25 tỉnh, thành phố biên giới đất liền tổ chức ký kết 389 biên bản hợp tác thuộc lĩnh vực biên phòng với 60 đại diện lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới tương ứng (cấp tỉnh) của Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Với một hệ thống các văn bản được ký kết, công tác phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới giữa BĐBP với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của các nước láng giềng được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất, nền nếp, chính quy. Các bên thường xuyên, luân phiên tổ chức gặp mặt, tọa đàm định kỳ theo 3 cấp (Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy và đồn, trạm Biên phòng) để trao đổi, phối hợp trên các lĩnh vực hợp tác biên phòng. BĐBP các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp hoạt động tuần tra song phương với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới các nước láng giềng được 5.621 lần/98.938 lượt cán bộ, chiến sĩ hai bên tham gia.
Kết quả, đã phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, hoạt động buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép của công dân Việt Nam sang Trung Quốc lao động, làm thuê mùa vụ; từng bước giải quyết tốt vấn về di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới Việt Nam-Lào và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên xuất nhập cảnh trái phép sang Campuchia và hoạt động của các thế lực thù địch, bọn phản động, các đảng phái đối lập ở Campuchia lợi dụng biểu tình, gây rối, ngăn cảnh quá trình phân giới, cắm mốc giữa hai nước. Trong công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm qua biên giới, BĐBP và các lực lượng chức năng của các nước láng giềng đã tổ chức hiệu quả các cuộc diễn tập trên toàn tuyến biên giới đất liền góp phần nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng, xử lý các tình huống xảy ra ở khu vực biên giới. Các đơn vị BĐBP đã phối hợp với các lực lượng chức năng của Trung Quốc, Lào, Campuchia bắt 1.027 vụ/3.178 đối tượng, thu giữ 4.801,5kg ma túy các loại và nhiều tang vật khác; phối hợp đấu tranh 2 vụ/2 đối tượng liên quan đến thành lập “Nhà nước Mông”; giải cứu, tiếp nhận 270 vụ/33 đối tượng/545 nạn nhân bị mua bán...
Bên cạnh đó, thông qua các chương trình giao lưu hữu nghị biên giới với các nước láng giềng, như: Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam-Trung Quốc (cấp Bộ Quốc phòng); Giao lưu “Biên cương thắm tình hữu nghị”; Giao lưu hữu nghị biên giới với Lào, Campuchia (cấp Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh) và Giao lưu công tác chính trị với Công an Biên phòng Trung Quốc ở từng cấp... đã góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa Quân đội và BĐBP Việt Nam với Quân đội, lực lượng vũ trang, quản lý, bảo vệ biên giới của các nước láng giềng, tạo sức lan tỏa lớn, nhất là với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân hai bên biên giới; thể hiện sự năng động, sáng tạo trong công tác đối ngoại biên phòng của BĐBP.
Một điểm nhấn nữa trong 10 năm thực hiện đối ngoại biên phòng chính là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức kết nghĩa đồn, trạm với lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của 3 nước láng giềng và tham mưu cho chính quyền địa phương tổ chức kết nghĩa “cụm dân cư hai bên biên giới”. Và trên toàn tuyến biên giới đất liền đã triển khai kết nghĩa đồn trạm, lực lượng vũ trang được 180 cặp/265 đồn Biên phòng; 205 cụm ở 21/25 tỉnh biên giới kết nghĩa cụm dân cư. Cùng với đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP còn phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ biên giới cho cán bộ của bạn Lào, Campuchia theo các biên bản thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương hàng năm và trao đổi, tập huấn nghiệp vụ biên phòng; giao lưu công tác chính trị với Công an Biên phòng Trung Quốc theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Đặc biệt, với vai trò của Chủ tịch Ủy ban theo phân cấp của Chính phủ và ủy quyền của Bộ Quốc phòng, BĐBP đã chủ trì, phối hợp với 7 tỉnh biên giới đất liền của Việt Nam tiếp giáp với Trung Quốc, các ban, bộ, ngành liên quan tổ chức tốt các hoạt động gặp gỡ, khảo sát song phương; báo cáo đề xuất Chính phủ nâng cấp một số cặp cửa khẩu, kéo dài thời gian thông quan, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng nhưng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định cho hoạt động xuất nhập cảnh của người, phương tiện, xuất nhập khẩu hàng hóa theo đúng quy chuẩn quốc tế và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế ASEAN-Trung Quốc. Không chỉ chú trọng đến công tác đối ngoại biên phòng với các nước láng giềng, BĐBP còn tích cực tham gia thực hiện các dự án, chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế UNODC, IOM thuộc tiến trình COMMIT (phòng chống mua bán người giữa các nước Tiểu vùng sông Mê Kông), chương trình AAPTIP về nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người; tham gia hợp tác quốc phòng, hợp tác biên phòng với Liên bang Nga, Australia, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan... để góp phần bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.
Ngoài ra, thực hiện chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ Tư lệnh BĐBP, không chỉ đỡ đầu các cháu học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam, BĐBP các tỉnh còn nhận đỡ đầu 107 cháu học sinh người Lào và 119 cháu học sinh người Campuchia sinh sống ở khu vực biên giới mỗi tháng 500.000 đồng/cháu; tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 68.328 lượt người dân, lực lượng vũ trang của Lào và Campuchia ở khu vực biên giới. Những hoạt động thấm đẫm tình đồng chí, tình anh em của BĐBP Việt Nam với quân và dân nước bạn Lào và Campuchia đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân ở khu vực biên giới.
Nhìn lại những dấu ấn nổi bật trong công tác đối ngoại biên phòng 10 năm qua, có thể khẳng định, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đối ngoại biên phòng theo đúng quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và thủ trưởng Bộ Quốc phòng; nắm chắc tình hình, vận dụng linh hoạt, sáng tạo hoạt động đối ngoại biên phòng để bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa, bằng biện pháp hòa bình trong Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia. Đồng thời, cùng với việc quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, BĐBP còn phát huy tốt vai trò trụ cột trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương về công tác đối ngoại biên giới thông qua các mô hình kết nghĩa đồn, trạm, lực lượng vũ trang; kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới để góp phần xây dựng, củng cố lòng tin, tình đoàn kết, hữu nghị với các nước láng giềng và đối tác, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân hai bên biên giới qua lại thăm thân, làm ăn trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân khu vực biên giới. Qua đó, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng độc lập chủ quyền, tôn trọng chủ quyền quốc gia, tôn trọng lợi ích của mỗi bên và góp phần xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân hai nước về biên giới hòa bình, ổn định, phát triển lâu dài; đưa đối ngoại biên phòng trở thành điểm sáng trong đối ngoại quốc phòng.
Hương Mai