Biên phòng - Đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giảm mạnh tới 13%. Đây là mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua, theo Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố.
Giảm nghèo rõ rệt ở vùng DTTS
Ông Ô-xman Đi-oăn, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết: Việt Nam tiếp tục đạt được những tiến bộ mạnh mẽ trong giảm nghèo và tăng thịnh vượng chung. Điều quan trọng là giảm nghèo rõ rệt ở các vùng bị tụt hậu và các nhóm khó khăn như nhóm người DTTS. Thu nhập từ hoạt động nông nghiệp tại vùng miền núi có thể giúp Việt Nam tiếp tục giảm nghèo và đã giảm từ 13,8% năm 2014 xuống còn 9,8% vào năm 2016. Hiện nay, 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo chuẩn thế giới.
Tính từ năm 2014, trung bình mỗi năm Việt Nam có 1,5 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu. Mặc dù mục tiêu giảm bất bình đẳng vẫn còn nhiều khó khăn, song số người dễ bị tái nghèo đã giảm xuống chỉ còn 2% trong giai đoạn 2014-2016. Ngược lại, tầng lớp trung lưu cũng đã tăng thêm hơn 3 triệu người trong giai đoạn này. Điều đó cho thấy trọng tâm của chương trình xóa đói nghèo và chia sẻ thịnh vượng chuyển từ chống nghèo cùng cực sang cải thiện mạnh mẽ chất lượng cuộc sống và hỗ trợ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Các DTTS đã chứng kiến tốc độ giảm nghèo đáng kể trong những năm gần đây. Từ năm 2012-2014, tỉ lệ hộ nghèo của các nhóm DTTS chỉ giảm 1,4%. Tuy nhiên, tỉ lệ này đã giảm từ 57,8% xuống còn 44,6% trong giai đoạn 2014-2016. Giảm nghèo của các DTTS trong khoảng từ năm 2014-2016 là mạnh nhất trong hai thập kỷ qua. Điều này cũng đánh dấu lần đầu tiên việc giảm nghèo ở các DTTS tác động đến tỉ lệ giảm nghèo chung của cả nước.
Điều đáng mừng là trong giai đoạn 2014-2016, tỉ lệ nghèo giảm trên tất cả các vùng miền của Việt Nam, theo các mức độ khác nhau. Vùng trung du và miền núi phía Bắc và khu vực Tây Ngyên có tỉ lệ giảm cao nhất với tỉ lệ giảm nghèo của các khu vực tương ứng là 9,3% và 6,3%. Những thành tựu đạt được ở khu vực Tây Nguyên là rất quan trọng và đáng ghi nhận vì tỉ lệ nghèo khu vực này trong giai đoạn 2010-2014 gần như không giảm. Đáng kể hơn, không có dấu hiệu nào cho thấy tốc độ giảm nghèo chậm lại ở các khu vực mà tỉ lệ nghèo vốn đã thấp. Tỉ lệ nghèo đã giảm hơn một nửa và có thể nói gần như đã xóa nghèo, ở cả đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Cả hai vùng đều giảm 3% trong giai đoạn 2014-2016. Tiến bộ của những khu vực này là làm giảm tỉ lệ nghèo thành thị trong cả nước.
Trong quá khứ, thành tựu của các DTTS, hộ nông dân và những gia đình sống ở vùng trung du và miền núi phía Bắc có xu hướng tụt hậu so với mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2014 tới năm 2016, hơn 30% hộ dân trong các nhóm dân số này đã dịch chuyển lên trên bậc thang kinh tế. Trong nhiều trường hợp, các nhóm này đã dịch chuyển lên vượt qua mức trung bình cả nước.
Có thể nói, những số liệu trên thực sự ấn tượng và là sự thể hiện định hướng chính sách của Chính phủ trong thời gian vừa qua đã mang lại hiệu quả.
Không bỏ qua khát vọng của những người có ít cơ hội
Theo Báo cáo “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”, các DTTS - đa số ở vùng cao - chiếm 72% người nghèo ở Việt Nam. Những hộ nghèo nhất ở Việt Nam tập trung ở khu vực cao nguyên và miền núi.
Theo ông Ô-xman Đi-oăn, các chính sách kinh tế và xã hội của Việt Nam đã giúp đạt được những kết quả to lớn trong mục tiêu giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho hàng triệu người. Tỉ lệ nghèo trong đồng bào các DTTS tiếp tục giảm là kết quả rất đáng khích lệ và những nỗ lực tập trung vào việc tăng cường thu nhập cho các DTTS có thể gia tăng cơ hội cho những nhóm người này và giảm sự bất bình đẳng kéo dài. Một trong những giải pháp để thực hiện điều này là thúc đẩy tiềm năng chưa được khai thác trong lĩnh vực nông nghiệp ở vùng cao, trong đó, chính sách khuyến khích trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao có thể nâng cao thu nhập cho đồng bào các DTTS.
Thực tế, các quyết định về sử dụng đất và loại cây trồng có tác động mạnh đến chênh lệch thu nhập trong nông nghiệp giữa các hộ dân. Các gia đình có thu nhập thấp ở vùng cao thường sử dụng đất để trồng những loại cây cơ bản như lúa hoặc ngô, thay vì trồng cây có giá trị kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu hay cao su. Vì vậy, chúng ta nên vận động đồng bào các DTTS trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng giúp nông dân vùng cao thực hiện những khoản đầu tư cần thiết vào sản xuất nông nghiệp để đem lại thu nhập cao.
Một trong những lĩnh vực ưu tiên trong Khung đối tác quốc gia của nhóm WB với Việt Nam giai đoạn 2018-2022 là tăng trưởng bao trùm, với mục tiêu cụ thể là "hội nhập kinh tế cho nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương". Theo đó, WB sẽ hỗ trợ can thiệp có mục tiêu để tạo cơ hội kinh tế cho người dân ở các khu vực bị tụt hậu, những người có ít cơ hội. WB đã gợi ý một số biện pháp giảm nghèo và xây dựng một xã hội thịnh vượng và công bằng bao gồm: Đầu tư cơ sở hạ tầng cuối cùng để kết nối người nghèo với các cơ hội phát triển kinh tế tốt hơn. Đồng thời, tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp để người nghèo ở nông thôn, đặc biệt ở vùng cao nguyên và miền núi, có thể trồng trọt hoặc tham gia các hoạt động nông nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao nhất ở đó. Bên cạnh đó, cần tạo cơ hội để trẻ em từ mọi thành phần có cơ hội thành công và có chất lượng giáo dục đại học tốt và xây dựng các kỹ năng để có công việc tốt trong tương lai.
Bích Nguyên