Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:51 GMT+7

Đổi mới và chỉnh đốn là mấu chốt làm nên sức mạnh của Đảng

Biên phòng - Mùa Xuân năm nay, chúng ta vui mừng kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2022), đúng vào thời gian đang thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Gần một thế kỷ đã qua, Đảng đồng hành cùng dân tộc với tư cách là người mở đường dẫn lối, người chiến sĩ tiên phong trong đấu tranh cách mạng giành lại chủ quyền quốc gia, thực hiện độc lập dân tộc và xây dựng đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai kết luận và quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 9-12-2021. Ảnh: TTXVN

Suốt hành trình lãnh đạo cách mạng, dù trong chiến tranh hay trong hòa bình, Đảng ta luôn có tinh thần đổi mới, luôn chỉnh đốn, tự phê bình để làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong những thời điểm ngặt nghèo của lịch sử. Đổi mới và chỉnh đốn là mấu chốt làm nên sức mạnh của Đảng. Chúng ta có thể kể ra những cột mốc quan trọng thể hiện tinh thần đổi mới triệt để trong lịch sử 92 năm qua.

Ngày 28-1-1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài về đến Cao Bằng, tập trung trí lực vào việc chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 8, họp vào tháng 5-1941 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu một sự đổi mới cơ bản về đường lối chiến lược. Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương 8 đã có một quyết định lịch sử, thể hiện một tinh thần độc lập tự chủ, sáng tạo về lý luận và phù hợp với quy luật vận động của cách mạng nước ta trong bối cảnh quốc tế đương đại.

Hội nghị đã hoàn toàn nhất trí rằng: “Trong lúc này, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Chủ trương đổi mới lần này đã đưa tới một sự chuyển biến tích cực, cả nước đồng lòng, gái, trai, già, trẻ, sĩ, nông, công, thương, binh, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc, giai cấp…, tất cả đoàn kết đứng dưới ngọn cờ của Đảng. Cả nước vùng dậy làm cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công khai sinh ra nền dân chủ cộng hòa.

Cột mốc thứ hai là Đại hội đại biểu toàn quốc (ĐBTQ) lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 2-1951. Đại hội thể hiện tinh thần đổi mới tư duy lý luận sâu sắc của Đảng ta về xây dựng Đảng. Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi Đảng Lao động Việt Nam, kết nạp những công nhân, nông dân, lao động trí thức thật hăng hái, thật giác ngộ cách mạng… Về tổ chức, Đảng Lao động Việt Nam theo chế độ dân chủ tập trung. Về kỷ luật, Đảng phải có kỷ luật sắt, đồng thời là kỷ luật tự giác. Về quy luật phát triển, Đảng đề cao tự phê bình và tự phê bình để giáo dục đảng viên, giáo dục quần chúng. Đảng Lao động Việt Nam bằng sự đổi mới đúng đắn và sáng tạo của mình đã lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành hai cuộc kháng chiến, đánh thắng hai đế quốc là Pháp và Mỹ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Với công lao to lớn ấy, Đảng đã xứng đáng là hiện thân của trí tuệ, lương tâm và danh dự của dân tộc.

Cột mốc mang tinh thần đổi mới toàn diện là Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng (năm 1986). Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: “Đối với nước ta, đổi mới đang là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”. Đại hội đã thể hiện rõ tầm nhìn trí tuệ và bản lĩnh cách mạng của Đảng ta - một Đảng chân chính cách mạng dày dạn kinh nghiệm nên đã dũng cảm nhận ra những sai lầm thiếu sót sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IV và Nghị quyết Đại hội V của Đảng (1976-1986). Đây là lần đầu tiên một Đại hội ĐBTQ của Đảng đã dũng cảm thừa nhận: “Những sai lầm nói trên là những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài về chủ trương, chính sách lớn, sai lầm về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện”. Đại hội đã khẳng định đổi mới là lẽ sống còn. Đổi mới là phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự vượt qua những trở lực của chính bản thân mình trước khi muốn vượt qua trở lực ở phía trước như C.Mác đã từng khuyên.

Những bài học do Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng đã tổng kết, chỉ ra, vẫn còn nguyên giá trị cho đến hôm nay, đó là:

- Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động.

- Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

- Đảng phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại trong điều kiện mới.

- Phải xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ chính trị của một đảng cầm quyền lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng XHCN.

Để bảo đảm cho Đảng ta làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang đó, vấn đề cấp bách là tăng cường sức chiến đấu và nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực tổ chức thực tiễn của Đảng. Phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt Đảng cũng như trong lãnh đạo kinh tế, xã hội. Không ngừng trau dồi và nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của đảng viên, thường xuyên tự phê bình và phê bình trong Đảng và trước quần chúng. Trong Đảng, phải tăng cường sự đoàn kết nhất trí, sự thống nhất ý chí và hành động, nêu cao tính tổ chức và kỷ luật, lời nói đi đôi với việc làm.

Từ sau Đại hội ĐBTQ lần thứ VI của Đảng đến nay, một chặng đường dài hơn 35 năm, thành tựu có nhiều, nhưng lỗi lầm vẫn song hành cùng sự phát triển. Đáng chú ý là có những sai lầm khuyết điểm, những sự thoái hóa biến chất không còn là hiện tượng đơn lẻ, ở một số ít đảng viên trong một số ngành, địa phương và cơ sở, không chỉ ở cấp thấp mà ở cả tất cả các cấp, các ngành, từ trên xuống dưới. Tình hình đã ở mức cấp bách. Nếu như cách đây hơn 35 năm, Đảng nhận định đổi mới là có ý nghĩa sống còn thì nay là sửa chữa sai lầm và khuyết điểm, là chống “giặc nội xâm”: Sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, quan liêu, tham nhũng, bất chấp kỷ cương phép nước của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, kể cả ở cấp cao, cấp chiến lược, trong quá trình đổi mới lại đang là “thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ ta” như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã chỉ ra.

Trong những năm qua, nhờ quyết liệt xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị mà Đảng ta đã bằng hành động dũng cảm, đi tiên phong trong những công việc khó khăn, phức tạp, lãnh đạo việc chống đại dịch Covid-19 và xây dựng phát triển kinh tế đạt được nhiều thắng lợi. Hàng nghìn đảng viên, cán bộ, nhân viên y tế, cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an ngày đêm lăn lộn cứu dân trong đại dịch, không quản nắng mưa rét mướt, ngày đêm có mặt nơi biên giới, hải đảo để giữ gìn, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Những người tốt, việc tốt đã kịp thời được tuyên dương khen thưởng, đồng thời, những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng cũng bị lôi ra ánh sáng của công lý để trừng trị.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đang đi vào cuộc sống, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đã và đang được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt nên đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt, đang tạo khí thế và động lực mới để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vượt qua mọi khó khăn trở lực, vươn lên thực hiện khát vọng phát triển trong thời gian tới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Huỳnh, Nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bình luận

ZALO