Biên phòng - Thực hiện đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH theo Quyết định 1676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có nhiều nội dung công việc cần phải làm, trong đó lấy tháng 5 hằng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân là một điểm mới. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh đã có những trao đổi về định hướng chỉ đạo triển khai các hoạt động truyền thông BHXH trong tháng 5-2020 - lần đầu tiên thực hiện Tháng truyền thông vận động triển khai BHXH toàn dân.

Từ góc nhìn cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, xin Phó Tổng Giám đốc cho biết ý nghĩa của Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân?
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Trước hết, cần nhấn mạnh rằng, Đề án của Chính phủ về đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH được xây dựng nhằm từng bước cụ thể hóa Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Cải cách chính sách BHXH. Trên cơ sở quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là thực hiện BHXH toàn dân, Đề án của Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHXH đến người dân, giúp người dân hiểu rõ quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH trên cơ sở nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, từ đó tạo sự đồng thuận, thay đổi hành vi nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH.
Trong các giải pháp, Chính phủ chỉ đạo: Lấy tháng 5 là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Theo đó, hằng năm tổ chức tháng vận động triển khai BHXH toàn dân nhằm tạo ra một điểm nhấn mạnh mẽ trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp nhân dân đối với chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; tuyên truyền, khuyến khích vận động nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; truyền thông, phổ biến, giáo dục, động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động.
Từ thực tiễn công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, BHYT thời gian qua và đặc biệt qua việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhân ngày BHYT Việt Nam - 01/7, có thể thấy, việc tổ chức truyền thông theo chiến dịch sẽ tạo ra những hiệu ứng truyền thông tích cực. Thông qua các hoạt động, sự kiện truyền thông được tổ chức đồng thời trên khắp cả nước bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, từ truyền thông trực quan, trực tiếp đến truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng với mật độ thông tin được tăng cường trong tháng vận động triển khai BHXH toàn dân sẽ tạo sự cộng hưởng lớn, tác động mạnh đến cộng đồng; trước hết là cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, nhân dân.
Chúng tôi hy vọng rằng, ít nhất từ việc tăng cường về số lượng, chất lượng các hoạt động truyền thông, hiệu quả truyền thông chính sách BHXH sẽ được nâng lên một cách đáng kể trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.
Tháng 5-2020 là lần đầu tiên thực hiện Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, theo Phó Tổng Giám đốc, chúng ta sẽ gặp những thuận lợi, khó khăn gì?
Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh: Công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH luôn có những khó khăn, thách thức đặc thù. Thứ nhất, đây là một chính sách hướng tới bảo đảm An sinh xã hội trong dài hạn, các chế độ được thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng, có tính chia sẻ với các quy định cụ thể, tính toán chế độ có nhiều yếu tố kỹ thuật, từng trường hợp cụ thể lại có những quyền lợi, mức hưởng riêng, khá phức tạp. Các thông điệp truyền thông vì vậy khó chuyển tải. Thực tiễn thực hiện chính sách BHXH hơn 25 năm qua và đặc biệt là từ thực tiễn hơn 10 năm thực hiện BHXH tự nguyện cũng cho thấy, phải mất quá trình rất lâu người dân mới có thể hiểu, cảm nhận được lợi ích thiết thực của chính sách.
Bên cạnh đó, Đề án của Chính phủ xác định mục tiêu, hướng đến tất cả cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cải cách chính sách BHXH. Như vậy, nội dung cải cách chính sách BHXH được xác định là gốc, cốt lõi vấn đề để chúng ta truyền thông. Tuy nhiên, có thể thấy, cải cách chính sách BHXH là một quá trình, bắt đầu từ xây dựng chính sách, pháp luật và phải thực hiện theo lộ trình với nhiều vấn đề phức tạp, vĩ mô. Hiện nay, quá trình thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW, các vấn đề xây dựng chính sách mới đang ở trong giai đoạn đầu, nhiều chủ trương, định hướng cơ bản cần phải hiện thực hóa; từ đó nội dung truyền thông sẽ được cụ thể và rõ ràng hơn.
Trong năm đầu tiên thực hiện tháng cao điểm vận động triển khai BHXH toàn dân, chắc chắn không tránh khỏi những khó khăn. Đặc biệt, chúng ta triển khai trong điều kiện tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động tới hầu hết các nhiệm vụ chuyên môn nên việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền BHXH chắc chắn cũng gặp nhiều thách thức.
Dù vậy, nhìn tổng thể, chúng ta có rất nhiều mặt thuận lợi.
Nền tảng quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020 và nhất là những kết quả bước đầu qua hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH là những tiền đề cần phát huy, trong đó tập trung mạnh hơn vào công tác tuyên truyền chính sách. Thực hiện Quyết định 1676-QĐ/TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH của Chính phủ, hầu hết BHXH các tỉnh, thành phố đã tham mưu UBND tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể tại địa phương. Đây là sự thuận lợi rất lớn và cần phát huy mạnh mẽ, cụ thể hóa trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân từ cơ sở.
Về phía hệ thống BHXH, cùng với quá trình từng bước thực hiện Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, chúng ta đã thành lập Phòng Truyền thông - Phát triển đối tượng tại BHXH 63 tỉnh, thành phố, hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác truyền thông; gắn chặt công tác truyền thông với phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. So với các năm trước, đây là một điểm thuận lợi để công tác truyền thông từng bước được tổ chức bài bản, trước mắt là các hoạt động trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.
Trong thời gian qua, công tác truyền thông của Ngành đã từng bước đi vào nền nếp và đạt được những kết quả bước đầu, những kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động truyền thông theo chiến dịch (ví dụ như những hoạt động truyền thông kỷ niệm ngày BHYT Việt Nam, kỷ niệm 25 năm ngày thành lập BHXH Việt Nam…) sẽ là những nền tảng kinh nghiệm quý để chúng ta vận dụng khi thực hiện Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.
Một thuận lợi nữa, đó là công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt kết quả tích cực, dịch bệnh từng bước được kiểm soát, giãn cách xã hội từng bước được nới lỏng; qua đó, các hoạt động kinh tế, xã hội dần trở lại trạng thái bình thường mới. Một điểm cần nhấn mạnh đó là, trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh, người lao động ngày càng thấy được rõ hơn tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Qua những chính sách, chế độ rất cụ thể như khám chữa bệnh BHYT, trợ cấp thất nghiệp… thì chính sách an sinh xã hội đã thực sự trở thành “chỗ dựa đáng tin cậy” cho người lao động.
Cuối cùng, truyền thông chính sách BHXH chỉ thực sự hiệu quả khi ngành BHXH thực sự đổi mới. Những năm vừa qua, Ngành BHXH được Quốc hội, Chính phủ và đông đảo người dân đánh giá là có những bước chuyển vượt bậc, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ. Hiện tại, BHXH Việt Nam đang chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với những doanh nghiệp gặp khó khăn theo chỉ đạo của Chính phủ và quy định pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giao dịch điện tử, giao dịch tại nhà… nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân được hưởng các quyền lợi BHXH, BHYT theo quy định của pháp luật vừa đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh.
Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
Minh Đức (thực hiện)