Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 10:52 GMT+7

Đổi mới tổ chức, phương pháp giáo dục chính trị phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch

Biên phòng - Giáo dục chính trị là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục đối với các đơn vị quân đội. Thời gian qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã đổi mới tổ chức, phương pháp giáo dục chính trị (GDCT) theo từng trạng thái phòng, chống dịch thông qua các nền tảng mạng xã hội. Qua đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sê Rê Pốk tìm hiểu và học tập về "Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa”. Ảnh: Ngọc Lân

Đổi mới, sáng tạo phương pháp giáo dục chính trị

Gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cán bộ, chiến sĩ BĐBP nói chung và cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk nói riêng phải tập trung thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa quản lý, bảo vệ biên giới, vừa phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch bệnh xâm nhập vào đất nước. Với việc triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Đắk Lắk phải căng mình trực 24/24 giờ trên toàn đoạn biên giới dài hơn 73km. Để bảo đảm cho công tác GDCT, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk đã triển khai đổi mới tổ chức, phương pháp giáo dục phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, Phòng Chính trị là cơ quan thường trực tham mưu cho Bộ Chỉ huy và chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện.

Theo Thượng tá Nguyễn Doãn Hòa, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Đắk Lắk, trên cơ sở hướng dẫn của Cục Chính trị BĐBP về thực hiện công tác GDCT trong điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, Phòng Chính trị đã tham mưu cho Bộ Chỉ huy BĐBP Đắk Lắk chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thực hiện công tác GDCT phù hợp với từng đơn vị, từng trạng thái của dịch bệnh như: Trạng thái thường xuyên, trạng thái áp dụng Chỉ thị 19/CT-TTg; trạng thái áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg và trạng thái áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, đối với trạng thái thường xuyên, các đơn vị sẽ thực hiện công tác GDCT theo đúng chương trình, kế hoạch đã đề ra cho các đối tượng. Đồng thời, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Đối với trạng thái áp dụng Chỉ thị 19, Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, các đơn vị thực hiện điều chỉnh và tổ chức GDCT theo hướng tăng thời gian huấn luyện trong tuần (từ thứ Hai đến thứ Bảy); bố trí GDCT xoay vòng giữa các bộ phận trong đơn vị và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp. Mặt khác, theo từng trạng thái tình hình dịch bệnh để chia nhỏ các lớp học và các đối tượng học tập.

Như đối với trạng thái áp dụng Chỉ thị 15 thì đối tượng học tập là hạ sĩ quan, binh sĩ được tổ chức lớp học theo đầu mối đồn Biên phòng và Tiểu đoàn do Chính trị viên phó của đồn Biên phòng và Chính trị viên Đại đội trực thuộc đảm nhận lên lớp; các đồng chí là Đội trưởng, Trung đội trưởng tổ chức thảo luận. Ngoài ra, đối với các phòng, văn phòng thuộc cơ quan Bộ Chỉ huy sẽ chia nhỏ quân số các lớp học theo các ban, bộ phận, đảm bảo chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch.

Đối với trạng thái áp dụng theo Chỉ thị 16, do yêu cầu phòng dịch được siết chặt nên công tác GDCT cũng thay đổi phù hợp theo, nhằm bảo đảm khoảng cách và tránh việc tập trung đông người. Việc học tập GDCT được bố trí lớp học theo đầu mối cấp tiểu đội. Đồng thời, đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, nội dung học tập được rút gọn, đi sâu vào nội dung cơ bản, cốt lõi và được cấp phát tài liệu nghiên cứu.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Yok Đôn được chỉ huy đơn vị hướng dẫn nghiên cứu tài liệu học tập chính trị. Ảnh: Ngọc Lân

Đặc biệt, đối với các tổ, chốt đang thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 trên biên giới, các đơn vị sẽ tiến hành theo hình thức xoay vòng, cuốn chiếu để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ và tất cả các đối tượng đều được học tập. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ và tình hình dịch bệnh được kiểm soát, cán bộ, chiến sĩ trở về đơn vị và được tổ chức học bù với những nội dung được biên soạn ngắn gọn, thiết thực, sát với nhiệm vụ và yêu cầu nhận thức của từng đối tượng.

Song song với đó, hình thức kiểm tra được áp dụng phù hợp như vừa kiểm tra trắc nghiệm, vừa viết thu hoạch sau giờ lên lớp để đánh giá nhận thức của cán bộ, chiến sĩ. Tính từ đầu năm 2021 đến nay, các đơn vị trong BĐBP Đắk Lắk đã bảo đảm trên 85% nội dung, chương trình kế hoạch đặt ra.

Giáo dục chính trị trên nền tảng mạng xã hội

Thời gian qua, sử dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội vào GDCT cũng được các đơn vị trong BĐBP Đắk Lắk áp dụng linh hoạt, hiệu quả và đúng quy định. Đơn cử như các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phổ biến, giáo dục pháp luật, các bài giảng sử dụng các phần mềm thiết kế dưới dạng Infographic, video clip sinh động, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và được chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội như Mocha, Zalo, Facebook. Tiêu biểu như mô hình “Một tuần một câu hỏi, một đáp án” và “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa” được Phòng Chính trị, BĐBP Đắk Lắk duy trì thực hiện hiệu quả.

Là một trong những thành viên thiết kế nội dung “Một tuần một câu hỏi, một đáp án” và “Lời Bác Hồ dạy ngày này năm xưa”, Đại úy Phạm Văn Thức, Trợ lý Tuyên huấn, Phòng Chính trị, BĐBP Đắk Lắk chia sẻ: “Những nội dung này khi đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội không những nâng cao ý thức, chấp hành kỷ luật, pháp luật và rèn luyện phẩm chất đạo đức cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị, mà còn giúp cho mọi người dùng mạng xã hội tiếp cận thông tin hữu ích và nâng cao hiểu biết về pháp luật, lan tỏa những điều hay, việc làm tốt ra cộng đồng”.

Tính từ đầu năm đến nay, Phòng Chính trị đã thiết kế hơn 285 bài giảng dưới dạng Infographic, video clip đăng tải trên các trang mạng xã hội. Qua đó, đã thu hút hơn 2.500 lượt thích và hơn 2.700 người theo dõi.

“Hiện nay, công nghệ thông tin đang bùng nổ, nhu cầu sử dụng mạng xã hội ngày càng cao, trong khi các đối tượng thù địch lợi dụng mạng xã hội để truyền đi những thông tin xấu, độc. Chính vì vậy, công tác GDCT cũng phải thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tiễn và đây cũng chính là môi trường giáo dục hiệu quả nhằm đấu tranh, đẩy lùi những thông tin xấu, độc đó. Với việc thành lập các trang, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội và đăng tải những thông tin chính thống, mang tính giáo dục, định hướng cao đã cung cấp cho cán bộ, chiến sĩ những thông tin chính xác, kịp thời. Đồng thời, phát hiện, chấn chỉnh và giáo dục những trường hợp vi phạm...” - Đại tá Phạm Hữu Chiến, Chính ủy BĐBP Đắk Lắk nhấn mạnh.

Nguyễn Ngọc Lân

Bình luận

ZALO