Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền pháp luật ở Nghệ An

Biên phòng - Tỉnh Nghệ An có đường biên giới trên bộ dài 468,281km, tiếp giáp với 3 tỉnh của nước bạn Lào (Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bolykhamxay), có 6 huyện biên giới gồm 27 xã với trên 13 vạn dân, 7 thành phần dân tộc sinh sống là: Kinh, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Hoa, Ơ Đu. Tuyến biên giới biển dài 82km gồm 5 huyện, thị xã, 34 xã, phường, với số dân trên 30 vạn người. Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017 – 2021” của Bộ Quốc phòng (sau đây gọi tắt là Đề án), tỉnh Nghệ An đã chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về công tác này.

xrc8_6a
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An tuyên truyền PBGDPL cho ngư dân. Ảnh: Hùng Phong

Hình thức tuyên truyền được tổ chức phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn như: Tuyên truyền  qua hệ thống loa truyền thanh cố định, lưu động; tuyên truyền miệng trực tiếp tại các buổi họp thôn, bản; cấp phát tờ rơi, tờ gấp, băng rôn khẩu hiệu; tổ chức chiếu phim lưu động kết hợp tuyên truyền; tổ chức “Ngày Pháp luật” tại cơ quan, đơn vị, địa phương; nói chuyện pháp luật, trợ giúp pháp lý (chú trọng phát huy vai trò của câu lạc bộ pháp luật, trợ giúp pháp lý của các xã, phường biên giới, ven biển).

“Sân khấu hóa” các nội dung pháp luật để tuyên truyền và phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên hai tuyến biên giới. Các đơn vị Biên phòng còn phối hợp với các nhà trường thường xuyên tiến hành tuyên truyền PBGDPL cho học sinh, bởi đây vừa là đối tượng tiếp thu, nhận thức, thực hiện kiến thức về pháp luật tốt, vừa là các tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền pháp luật cho gia đình và người dân ở thôn, bản...  

Để thực hiện tốt Đề án, ngoài các loại tài liệu, vật chất theo kế hoạch của trên, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Nghệ An đã nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn, in và cấp phát một số tài liệu tuyên truyền ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, sát với nhận thức và phù hợp với đặc thù công việc của các đối tượng.

Trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Nghệ An đã cấp cho các xã, phường biên giới, ven biển, các đảo, các đồn Biên phòng 12.000 đĩa DVD với 22 nội dung truyên truyền về phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống di, dịch cư trái pháp luật, khai thác hải sản hợp pháp; tuyên truyền về Luật Thủy sản, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Biển Việt Nam, tổng hợp các văn bản pháp luật trong quản lý biên giới... với 27 nội dung/5.900 tài liệu; một số điều cần biết về Luật Căn cước; một số điều lưu ý cho ngư dân đánh bắt xa bờ; các quy định quản lý người, phương tiện qua lại biên giới...

Cùng với việc trang cấp các tài liệu tuyên truyền, Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Nghệ An đã cấp phát cho các xã, phường biên giới, ven biển 9 bộ thiết bị âm thanh tuyên truyền di động, 3 ti vi, 4 máy ảnh, 1 camera mini, 2 bộ máy chiếu, 8 bộ tăng âm, loa truyền thanh, 10 loa cầm tay, 10 tủ sách pháp luật. Ngoài ra, BĐBP tỉnh còn phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức cấp mới 600 cuốn sách tại các xã biên giới và các đơn vị Biên phòng.

UBND các huyện, thị xã biên giới, ven biển đã chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với các đồn Biên phòng và các cơ quan chức năng cung cấp nhân bản tài liệu trên cấp và biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền phù hợp với thực tế ở địa phương. Ngoài kinh phí trên cấp, UBND các huyện, thị xã, các xã, phường còn hỗ trợ thêm kinh phí mua bổ sung các loại sách, tài liệu vào tủ sách pháp luật ở các xã, phường; mua sắm, sửa chữa hệ thống loa truyền thanh phục vụ công tác PBGDPL ở các địa phương, đơn vị.

Một số đơn vị, địa phương đã chủ động sưu tầm các loại sách, báo, tạp chí của Trung ương và địa phương để lựa chọn nội dung sát thực, phù hợp tình hình địa bàn, biên soạn, in ấn thành tài liệu tuyên truyền PBGDPL, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai thực hiện Đề án.

Các cơ quan, đơn vị trên hai tuyến biên giới, ven biển và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại các thôn, xóm, bản được 1.248 buổi/152.736 lượt người nghe. Ngoài ra, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của các xã, phường và các đồn Biên phòng được 630 buổi; 157 buổi tuyên truyền thông qua hình thức xem băng đĩa hình; 263 buổi tuyên truyền thông qua “Ngày Pháp luật”; 124 buổi biểu diễn dân ca, kịch tuyên truyền của đội tuyên truyền văn hóa BĐBP tỉnh và các tổ tuyên truyền văn hóa cơ sở các xã, phường, trung tâm văn hóa các huyện, thị khu vực biên giới, ven biển. Đội tuyên truyền văn hóa BĐBP tỉnh phối hợp Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tuyên truyền về di cư an toàn và phòng, ngừa, chống di cư trái phép từ Việt Nam sang Australia bằng tàu thuyền tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu được 4 buổi/3.000 lượt người tham gia.

Đại tá Lê Như Cương, Chính ủy BĐBP tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án tỉnh Nghệ An, khẳng định: Qua việc triển khai thực hiện Đề án, nhận thức, hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn biên giới, ven biển và cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng lên. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân biên giới trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, tự quản đường biên, mốc giới, chấp hành các quy định của pháp luật không ngừng được nâng cao, góp phần xây dựng địa bàn biên giới ổn định và phát triển.

Trong quá trình thực hiện Đề án đã có nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác tuyên truyền PBGDPL, mang lại hiệu quả được tổ chức tại cơ sở, tiêu biểu như:  “Mỗi tuần học một điều luật”, “Tổ tư vấn tâm lý - pháp lý quân nhân” tại Hải đội 137, Vùng 1 Hải quân; “Kiến thức mới” tại Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy; “Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” của Hội Phụ nữ bản Huồi Viêng, xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn; “Bản tin pháp luật” phát trên hệ thống truyền thanh của các xã, phường thuộc thị xã Hoàng Mai và thị xã Cửa Lò...

Hùng Phong

Bình luận

ZALO