Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 12:51 GMT+7

Đổi mới để cầm quyền bền vững

Biên phòng - “Đổi mới để cầm quyền bền vững” - đó là chủ đề cuộc trao đổi thú vị giữa tôi và Tiến sĩ (TS) Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XI), nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương ngay trong những ngày diễn ra Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016).

jqwu_5a
Đại hội lần thứ XII của Đảng có chủ đề: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình đại hội. Ảnh: TTXVN

Đảng lãnh đạo bằng chân lý 

Dịp đó, Đảng ta đang tổng kết 30 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu to lớn, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận: “Phương thức cầm quyền chưa được xác định rõ; hiệu lực, hiệu quả cầm quyền còn hạn chế”. Vì vậy, khi tôi đề xuất một cuộc phỏng vấn về chủ đề này, TS Vũ Ngọc Hoàng đã đồng ý ngay. 

Tôi đã đưa ra những câu hỏi khá hóc búa. “Đảng ta nhận thấy phương thức cầm quyền chưa được xác định rõ; đặc biệt vẫn còn tình trạng chồng chéo chức năng giữa tổ chức Đảng với cơ quan quản lý Nhà nước. Theo anh, cần phải khắc phục vấn đề này như thế nào?”. TS Vũ Ngọc Hoàng cho rằng: Cần tiếp tục phân biệt rõ chức năng giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”. Bây giờ, ta phải đặt câu hỏi: Đảng trở thành Đảng lãnh đạo khi nào? Chắc chắn là trước khi chúng ta có chính quyền. Lâu nay, chúng ta có chút nhầm lẫn, khi ta nói Đảng trở thành Đảng lãnh đạo từ sau Cách mạng Tháng Tám-1945. Phải khẳng định, Đảng trở thành Đảng lãnh đạo từ trước Cách mạng Tháng Tám, nếu không như thế thì ai đã lãnh đạo làm nên cuộc cách mạng ấy? Cuộc cách mạng ấy thành công nhờ điều quyết định là Đảng đã trở thành Đảng lãnh đạo. Sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, tức là lãnh đạo Nhà nước, còn lãnh đạo nhân dân thì Đảng đã lãnh đạo từ trước rồi. 

Vậy, trước khi có chính quyền, Đảng lãnh đạo bằng cách nào? Câu trả lời là lãnh đạo bằng các giá trị. Đảng chủ trương hợp lòng dân. Đảng chủ trương hợp văn hóa dân tộc, quyết giành lại một đất nước đã mất. Đảng có những cán bộ, đảng viên gương mẫu, sẵn sàng hy sinh vì nước, vì dân, dẫu có bước lên pháp trường, vào tù ra tội vẫn kiên định niềm tin. Đảng lãnh đạo bằng phương pháp thuyết phục, lãnh đạo bằng chân lý, chứ không bằng hành chính, mệnh lệnh... Tất cả những cái đó chứng tỏ bằng những giá trị văn hóa mà Đảng trở thành Đảng lãnh đạo. Sau này, có chính quyền rồi, nhiều nơi tổ chức Đảng chuyển qua lãnh đạo bằng hành chính, bằng quyền lực. Cho nên, cần phải quay lại gốc của vấn đề. Lâu nay, có lúc, có nơi, chức năng giữa tổ chức Đảng và cơ quan Nhà nước bị chồng chéo, nhiều việc quản lý của Nhà nước, tổ chức Đảng vẫn làm. Làm như thế không phát huy được vai trò cơ quan Nhà nước, làm hiệu lực quản lý Nhà nước giảm sút. 

Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền thì vấn đề phải quan tâm nhất là kiểm soát quyền lực. Quyền lực mà không kiểm soát thì sẽ bị tha hóa. Cho nên, vấn đề hiện nay là Đảng phải lãnh đạo xây dựng một cơ chế, các cơ quan Nhà nước phải có chức năng kiểm tra chéo lẫn nhau, mà cái đó phải do các cơ quan quyền lực làm, Đảng không làm thay việc đó mà Đảng phải quay lại làm nòng cốt trong dân để kiểm soát quyền lực đó.

Giương ngọn cờ dân chủ cao nhất

Tôi đặt ra vấn đề: “Bên cạnh việc phân tách rõ chức năng lãnh đạo và quản lý, một yêu cầu khác đang đặt ra là làm thế nào để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong điều kiện một Đảng lãnh đạo?”. Đây cũng là điều TS Vũ Ngọc Hoàng đang nghiên cứu. Anh cho rằng, mục đích cao nhất của việc phân định ở đây là dân chủ. Vấn đề của mỗi nền chính trị là dân chủ có được phát huy hay không, chứ không phải là có mấy đảng. Vì quyền lực là của dân, làm gì cũng phải dựa trên cái quyền cơ bản ấy. Anh muốn nhấn mạnh suy nghĩ của mình: “Đảng đừng đại diện cho quyền lực, mà quay về làm nòng cốt trong dân để giúp dân nắm quyền lực. Để dân kiểm soát quyền lực. Dân ủy quyền cho Nhà nước, dân nắm quyền nhưng Đảng phải làm nòng cốt thì dân mới nắm được quyền”.

Trong điều kiện xã hội chỉ có một đảng lãnh đạo thì đảng ấy phải giương lên ngọn cờ dân chủ cao nhất. Phải khẳng định, Đảng ta xứng đáng đại diện cho ngọn cờ dân chủ ấy. Thực tế ở nhiều nước cho thấy, nếu một đảng mà anh giương được ngọn cờ dân chủ chân chính, cao nhất và lành mạnh nhất thì dân chấp nhận, còn anh 5-7 đảng nhưng thực chất đại diện cho các nhóm lợi ích, các nhóm tài phiệt để tranh giành quyền lợi thì dân chỉ là phương tiện mà thôi. Cho nên, vấn đề là Đảng phải tổ chức cho dân nắm quyền, dân kiểm soát quyền lực. 

Học hỏi phải rất sáng tạo

Cũng trong cuộc trò chuyện kéo dài ấy, TS Vũ Ngọc Hoàng đã chia sẻ những suy nghĩ về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có sự thống nhất quyền lực, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan. Tôi đặt câu hỏi khá thẳng thắn: “Làm thế nào để xây dựng niềm tin rằng chúng ta có thể kiểm soát quyền lực?”. Anh Hoàng đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói về mô hình “tam quyền phân lập” của Nhà nước tư sản. Anh cho rằng, “tam quyền phân lập”, thực chất quyền lực các nhà nước tư sản vẫn là tập trung, thống nhất. Họ nói tam quyền phân lập, thực chất của họ là phân quyền. Vấn đề các nhánh quyền lực này giao cho chức năng vừa có độc lập tương đối, vừa có thể kiểm tra chéo lẫn nhau để hạn chế tối đa chuyện sai, mà có sai cũng phát hiện nhanh nhất để xử lý nhanh nhất. Một cơ chế tự điều chỉnh trong bản thân Nhà nước. “Mình cần nghiên cứu kinh nghiệm của họ, phải học tập họ vì họ có lịch sử xây dựng Nhà nước pháp quyền lâu đời. Nghiên cứu lịch sử hình thành Nhà nước cho thấy, qua các chế độ chiếm hữu nô lệ, phong kiến đến tư bản chủ nghĩa thì họ đã xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực tốt hơn hẳn. Nhà nước tư bản phát triển là sản phẩm của nhân loại. Ta muốn tiến bộ hơn họ, phải học tập kinh nghiệm để trước hết bằng họ đã, tất nhiên bản chất Nhà nước của chúng ta khác”.

Và một câu hỏi hóc búa nữa mà tôi đưa ra, nhờ TS Vũ Ngọc Hoàng dự đoán. Tôi đã hỏi rất nghiêm túc: “Thưa đồng chí, trong những ngày Đại hội vừa qua, không khí thảo luận rất dân chủ, thẳng thắn, nhiều đổi mới. Đồng chí có cảm nhận đây sẽ là một nhiệm kỳ Đảng ta khắc phục tốt hơn những hạn chế, yếu kém từng tồn tại kéo dài sau 30 năm đổi mới?”.

Bây giờ, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chắc hẳn bạn đọc đã có câu trả lời. Còn đây là nội dung trả lời của TS Vũ Ngọc Hoàng hôm đó: Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói ba ý mà tôi rất lưu ý. Thứ nhất: Phải vững bước tiến lên trên con đường đổi mới. Thứ hai: Phải kiểm soát quyền lực. Thứ ba: Phải dân chủ. Tôi nhất trí cao những ý kiến đó và rất mong như vậy. Tôi hy vọng nhiệm kỳ tới sẽ đổi mới nhiều hơn, không những đổi mới kinh tế mà kể cả đổi mới trên lĩnh vực văn hóa và chính trị. Đổi mới trên lĩnh vực chính trị có 4 việc quan trọng nhất, đó là cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế thực thi dân chủ, đổi mới công tác cán bộ và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Một tồn tại lớn là việc chống tham nhũng, “lợi ích nhóm” và thoái hóa, biến chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thời gian gần đây, chúng ta đã đề ra thêm các cơ chế, từng bước hoàn thiện hệ thống luật, rồi cũng xử lý được một số vụ án lớn, nhân dân quan tâm. Nhiều người vẫn thấy chưa đạt yêu cầu như mong muốn, những rõ ràng, thời gian vừa qua, nếu không làm được một số việc như đã làm thì tình hình chắc sẽ còn xấu hơn.

Điều tôi trăn trở hiện nay là ta chưa chặn đứng được đà suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Muốn chặn được thì phải đổi mới cơ chế, trong đó có kiểm soát quyền lực. Còn nếu cứ đi giải quyết vụ việc, giải quyết hậu quả thì trong thời gian đó lại xảy ra nhiều vụ khác. Cho nên, phải đổi mới căn bản, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế quản lý của Nhà nước mới chặn đứng được suy thoái”.

Cuộc trò chuyện giữa tôi và TS Vũ Ngọc Hoàng trong những ngày diễn ra Đại hội XII, tôi không chuyển thành bài báo ngay mà giữ đến tận hôm nay mới thuật lại. Những thành tựu của đất nước cũng như năng lực kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng và phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... của Đảng ta trong hơn 4 năm qua là rất to lớn, chưa bao giờ, đất nước-dân tộc chúng ta lại có được cơ đồ to lớn, vận hội lớn như hôm nay. Có thể khẳng định, có được thành tựu ấy, nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là vì Đảng ta đã quyết tâm và quyết liệt đổi mới phương thức lãnh đạo để xứng đáng là đảng cầm quyền chân chính, bền vững.

Nguyễn Hồng

Bình luận

ZALO