Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:28 GMT+7

Đổi mới đầu tàu tăng trưởng

Biên phòng - Mục tiêu “Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vừa phải hoãn thêm 10 năm nữa, từ 2020 lên thành 2030.

2-dien169
Diện mạo đất nước đã phát triển vượt bậc song so với nhiều nước trong khu vực, chúng ta còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Ảnh minh họa

Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định: Đến năm 2030, đất nước sẽ hoàn thành công nghiệp, hiện đại hóa, với tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó, một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, dù được ưu tiên nhiều nguồn lực, công nghiệp vẫn không đáp ứng vai trò đầu tàu như kỳ vọng. Tỷ trọng công nghiệp đóng góp vào GDP chỉ tăng được từ mức gần 20% năm 1990 đến mức 28,5% năm 2019. Nếu ngoại trừ khai khoáng và xây dựng, tỷ trọng công nghiệp chỉ chiếm 17-18% GDP trong nhiều năm nay.

Ở góc độ rộng hơn, tỷ lệ công nghiệp hóa/GDP trong giai đoạn 2011-2020 ước tính vào khoảng 39%. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ/GDP trong cùng giai đoạn đạt tới 45%.

Không phủ nhận những đóng góp của ngành công nghiệp vào tăng trưởng ấn tượng của đất nước thời gian qua. Nhưng các số liệu trên cho thấy, trong suốt thập kỷ qua, Việt Nam mới “dịch vụ hóa” nền kinh tế chứ chưa đạt mục tiêu “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa”.

Trong khi các doanh nghiệp Nhà nước lâm vào tình trạng khó khăn, thì số lượng những doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chưa đủ lớn và mạnh để tạo đà thực sự cho phát triển công nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay đã đóng góp 50% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia chỉ ra, nền công nghiệp Việt Nam đang “sa lầy” vào gia công - lắp ráp, khai thác - xuất khẩu tài nguyên thô và sự mở rộng không thể kiểm soát của những ngành thâm dụng năng lượng. Dẫn đến công nghiệp đi theo những ngành tạo ra giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu.

Rõ ràng, chính sách phát triển công nghiệp của chúng ta cần phải tư duy, đổi mới lại. Xin đơn cử, trong chiến lược phát triển công nghiệp có tới 19 ngành công nghiệp được chọn làm mũi nhọn, mà theo các chuyên gia, đáng ra chỉ nên giới hạn ưu tiên cho khoảng 5 ngành.

Các chuyên gia cho rằng cần sớm phá bỏ tư duy kinh tế giản đơn cộng với tâm lý chạy theo tăng trưởng về số lượng, còn được gọi là bệnh thành tích, dẫn đến những sai lầm trong quy hoạch phát triển ngành, vùng, địa phương, trong định hướng về chính sách đầu tư phát triển các yếu tố nguồn lực, các ngành mũi nhọn của địa phương và quốc gia. 

Mặt khác, Nhà nước tiếp tục xử lý quyết liệt những bất hợp lý trong định hướng phát triển các loại hình tổ chức sản xuất, thúc đẩy nhanh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và quá trình giải phóng sức sản xuất của khu vực tư nhân...

Theo các chuyên gia kinh tế, không quốc gia nào có thể cạnh tranh ở tất cả các ngành, các quốc gia chỉ có thể thành công khi có lợi thế cạnh tranh bền vững trong một số ngành nào đó. Sự khác biệt của Việt Nam là nguồn vốn con người cùng các giá trị lịch sử, văn hóa và điều kiện tự nhiên. Đó là điều kiện cần, còn điều kiện đủ song song đó để tạo nên ưu thế quyết định sự thành công của Việt Nam là một thể chế ưu việt.

Với nền tảng là một quốc gia nông nghiệp, nhiều chuyên gia ủng hộ chọn nông nghiệp và dịch vụ làm trụ cột cho nền kinh tế, với một hệ sinh thái hỗ trợ vận hành hai ngành này để đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, công nghiệp hóa tập trung vào công nghiệp hóa nông nghiệp và ưu tiên những ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp hỗ trợ; đồng thời hạn chế, hướng đến loại bỏ dần những ngành thâm dụng năng lượng, sức người và ô nhiễm môi trường.

Trong 10 năm tới, công nghiệp Việt Nam buộc phải nỗ lực cải cách, đổi mới toàn diện từ tư duy đến phương pháp thì mới tạo ra được bước đại nhảy vọt để chạm mốc trên 40% trong GDP.

Thanh Thảo

Bình luận

ZALO