Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:12 GMT+7

Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng:

Đòi hỏi từ thực tế

Biên phòng - Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế vào năm 2006, trước 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì đến nay. Hiện, tốc độ tăng dân số nước ta là 1,05%/năm, thấp xa so với 3-4 thập kỷ trước đây (trên dưới 3%/năm) và ở mức rất thấp so với nhiều nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với sự chênh lệch mức sinh giữa các vùng, các nhóm dân tộc, trình độ học vấn; tỉ số giới tính khi sinh mất cân bằng nghiêm trọng… gây ảnh hưởng tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội.

Vùng dân tộc thiểu số sẽ được cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình phù hợp. Ảnh: Thu Hằng

Chênh lệch mức sinh lớn

Mặc dù nước ta đã khống chế tốc độ gia tăng dân số, đạt mức sinh thay thế hơn 13 năm qua, nhưng mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng: 4/6 vùng trên mức sinh thay thế (trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng), 2/6 vùng còn lại thì dưới mức sinh thay thế (đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ). Chênh lệch giữa mức sinh vùng cao nhất (trung du miền núi phía Bắc) và vùng thấp nhất (Đông Nam bộ) là 0,98 con/phụ nữ. Chênh lệch mức sinh giữa nơi cao nhất và nơi thấp nhất là 1,57 con (cao nhất Hà Tĩnh là 2,9 con, thấp nhất thành phố Hồ Chí Minh là 1,33 con).

Đáng chú ý, số tỉnh có mức sinh rất thấp (dưới 1,6 con/phụ nữ) tăng lên rất nhanh chỉ sau 10 năm. Nếu như năm 2009 chỉ có thành phố Hồ Chí Minh thì đến năm 2018 đã có thêm 6 tỉnh khác có mức sinh rất thấp là Đồng Tháp, Khánh Hòa, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bạc Liêu. Xu hướng kết hôn muộn, không muốn sinh con, sinh ít con xuất hiện ngày càng nhiều ở nhóm dân số trẻ ở các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đối nghịch với 7 tỉnh sinh rất ít con là xu thế sinh nhiều con tại 33 tỉnh miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung bộ. Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình cho biết, có tới 15/33 tỉnh mức sinh rất cao (trên 2,5 con). Điều đáng lưu tâm là, một số tỉnh phía Bắc trước đây đã đạt mức sinh thay thế, nay tăng rất cao trở lại như Tuyên Quang từ 2,05 con (năm 2008) lên 2,62 con (năm 2018), Phú Thọ từ 1,99 con (năm 2007) lên 2,66 con (năm 2018), Nam Định từ 1,76 con (năm 2012) lên 2,82 con (năm 2018)....

Một điều đáng lo ngại nữa là khoảng cách về mức sinh của các dân tộc thiểu số so với dân tộc Kinh đã giảm nhiều, được thu hẹp hơn, nhưng còn cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung của cả nước. Ở nhóm dân tộc Tày, Thái, Mường có xu hướng tăng; nhóm dân tộc Mông và dân tộc khác có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Dân tộc Hoa có mức sinh thấp nhất (1,53 con). Còn 21 dân tộc có mức sinh cao (từ 2,5 con trở lên). Đặc biệt có 3 dân tộc có mức sinh rất cao (trên 3,5 con/phụ nữ) là Xơ Đăng (3,57 con), Bru Vân Kiều (3,64 con) và Mông (3,68 con).

Những tác động tiêu cực

Như đã nói ở trên, cả nước có 33 tỉnh có mức sinh cao, quy mô dân số là 39,8 triệu người, chiếm 41,4% dân số cả nước, nhiều tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Mức sinh cao đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giáo dục..., làm tăng khoảng cách phát triển và chất lượng cuộc sống của nhân dân các địa phương này so với các khu vực khác.

Trong khi đó, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, thậm chí, một số tỉnh mức sinh đã rất thấp, tập trung ở khu vực Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long và duyên hải miền Trung, có quy mô dân số là 37,9 triệu người, chiếm khoảng 39,4% dân số cả nước sẽ tác động rất lớn đến phát triển bền vững cho cả nước. Trong điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhanh, đô thị hóa ngày càng nhanh, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng này càng được củng cố, lan rộng, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã thành công trong việc giảm sinh, nhưng chưa có nước nào thành công trong việc đưa mức sinh rất thấp về mức thay thế cho dù có nhiều chính sách khuyến sinh với nguồn lực đầu tư lớn. Các nước như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc có chính sách khuyến sinh bằng nhiều đòn bẩy kinh tế - xã hội nhằm tăng mức sinh. Tuy nhiên, mức sinh không tăng được bao nhiêu và hiện ở mức rất thấp, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là bài học thực tiễn sinh động nhất mà Việt Nam cần rút kinh nghiệm.

Các chuyên gia nhận định, duy trì mức sinh thay thế và giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, địa phương sẽ góp phần ổn định quy mô dân số, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho phát triển đất nước. Kết quả này giúp tránh được những hiệu ứng không tích cực của cả hai trạng thái: Quy mô dân số quá đông, mật độ dân số quá cao do mức sinh tăng trở lại hoặc quy mô dân số giảm sớm, giảm nhanh, nếu mức sinh giảm xuống dưới mức thay thế thì rất khó đưa mức sinh tăng trở lại, dù có đầu tư lớn cho chính sách khuyến sinh.

Điều chỉnh mức sinh phù hợp với từng vùng

Để duy trì được mức sinh thay thế, giảm sức ép của dân số đến quá trình phát triển nhanh và bền vững của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030”. Theo đó, đối với các tỉnh có mức sinh con thấp, khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Đồng thời có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: Mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; khuyến khích; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình...

Đối với địa phương có mức sinh cao, tập trung vận động không kết hôn và sinh con quá sớm, không sinh quá dày và không sinh nhiều con. Đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo: Tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ phù hợp; tư vấn, kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm, phòng, tránh các yếu tố nguy cơ dẫn đến sinh con dị tật, mắc các bệnh, tật ảnh hưởng đến việc suy giảm chất lượng nòi giống.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO