Biên phòng - Đánh cồng chiêng thường chỉ dành cho phái mạnh, vậy mà tại làng K’lên (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, Gia Lai) lại có một Đội cồng chiêng nữ gồm 9 cô gái trẻ. Đánh chiêng không còn là “độc quyền” của nam giới trong cộng động các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên mà điều này còn góp phần đề cao vai trò phụ nữ trong cộng đồng cũng như “bình đẳng giới”.

Đến nhà rông làng K’lên mỗi buổi chiều tối, chúng ta có thể nghe tiếng chiêng vang rền, lúc du dương, lúc trầm bổng. Đội chiêng gồm 9 thiếu nữ người Ba Na say sưa đánh bài chiêng mừng lúa mới. Dân làng K’lên từ già trẻ, lớn bé đều chăm chú dõi theo. Kết thúc màn đánh chiêng, già Đinh Nhớch (53 tuổi), người truyền nghề đánh chiêng cho các thiếu nữ đứng bên ngoài vỗ tay, gương mặt thể hiện sự hài lòng.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà của mình, già Nhớch rít một hơi thuốc dài, phả khói lên trần nhà rồi nói như hồi tưởng: “Cách đây chừng 7 mùa rẫy, làng K’lên cũng có người biết đánh chiêng, nhưng hầu hết là đàn ông. Tuy nhiên, những người biết đánh chiêng đều đã già và lớn tuổi. Tôi nghĩ đánh chiêng không chỉ dành cho nam giới mà nữ giới cũng đánh chiêng được. Nếu nữ giới đánh chiêng, thì có nhiều người trong làng biết đánh chiêng hơn, việc giữ gìn văn hóa cồng chiêng sẽ rất dễ dàng. Bởi vậy, tôi đứng ra tuyển chọn, thành lập cho làng 1 đội chiêng nữ”.
Vận động 30 thiếu nữ để thành lập đôi chiêng ban đầu gặp muôn vàn khó khăn. Già Nhớch phải giải thích cho bố mẹ các em hiểu rằng làng cần có đội chiêng trẻ để giữ hồn văn hóa dân tộc. Có người đồng tình, có người gạt phắt. Việc đánh chiêng xưa nay là của đàn ông, đàn bà có bao giờ đánh chiêng đâu. Không khéo phải tội với Yang, Yang phạt thì mang vạ cả làng.
Già Nhớch phải mang rượu đến từng nhà để thuyết phục. Cuối cùng, hơn 30 cháu gái tuổi từ 7 đến 15 cũng tập hợp xong. Cứ mỗi tối, già Nhớch truyền nghề đánh chiêng cho các thiếu nữ làng K’lên từ 19 giờ đến 21 giờ. Việc truyền nghề đánh chiêng cũng chẳng dễ dàng, phải dạy từ cách cầm chiêng, rồi đến dạy lời và ý nghĩa các bài chiêng. Sau đó mới dạy cách đánh chiêng. Phải mất 1 năm chỉ bảo từng ly từng tý, đội chiêng nữ mới đánh được chiêng.
Theo già Nhớch, việc truyền dạy và duy trì đội chiêng nữ rất khó. Nhiều lý do các cháu từ chối học như gia đình khó khăn, lên rẫy làm mì, làm về mệt mỏi nên không muốn học... “Hiểu những khó khăn đó nên tôi chỉ biết động viên các cháu cố gắng. Cháu nào nghỉ học, tôi lặn lội đến tận nhà hỏi lý do, rồi tìm cách tháo gỡ để kéo các cháu đi học lại. Nếu cháu nào hoàn cảnh khó khăn, tôi vận động mỗi nhà trong làng đóng góp tiền, giúp cháu đó trang trải cuộc sống”.
Sau 1 năm già Nhớch day dỗ, có 9 cháu đánh rành rọt các bài chiêng. Nhiều lần đội chiêng nữ của làng đi thi đạt giải của xã, huyện. “Cảm giác đội chiêng do mình vất vả truyền nghề có kết quả, mình sướng hơn nhặt được vàng. Tôi sẽ tiếp tục truyền dạy cồng chiêng cho các cháu đến khi nào mắt mờ, tai yếu mới thôi” - Ông Nhớch nói.
Em Đinh Đơn (17 tuổi), thành viên Đội cồng chiêng nữ cho biết, hồi già Đinh Nhớch đến nhà bảo tham gia đội chiêng, em không đồng ý. Được già giải thích tham gia đội chiêng nữ là điều đặc biệt, ít buôn làng nào làm được. Nó còn thể hiện tài năng và ham muốn học hỏi của người phụ nữ người Ba Na.
Ông Phạm Quang Ánh (cán bộ văn hóa xã Ia Khươl) cho biết, từ trước đến nay, nói đến cồng chiêng thì mọi người thường nghĩ đến phái mạnh, nhưng ở xã đã có đội cồng chiêng nữ làng K’lên, điều này rất hiếm. Đặc biệt, đội chiêng còn đạt được nhiều giải trong các cuộc thi cấp xã, huyện. Đây là sự ghi nhận tài năng, sự cố gắng của đội chiêng. Việc phụ nữ tham gia đánh cồng chiêng có ý nghĩa rất lớn trong bảo tồn văn hóa dân tộc, nó còn tạo sự lan tỏa sâu rộng hơn trong cộng đồng. Xã muốn ở các thôn khác cũng thành lập đội cồng chiêng nữ.
Ông Nguyễn Hữu Quới, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chư Păh cho biết, huyện chỉ có 1 đội chiêng nữ ở làng K’lên. Việc già Đinh Nhớch đứng ra thành lập, truyền dạy đội chiêng nữ là việc làm đáng khen và đáng được biểu dương. Già Nhớch đã góp phần bảo tồn văn hóa cồng chiêng của làng K’lên nói riêng và của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung.
Quốc Dinh