Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 01/06/2023 10:35 GMT+7

Dốc sức cùng ngư dân vươn khơi

Biên phòng - Khi được hỏi, làm gì để chấm dứt tình trạng ngư dân đánh bắt xâm phạm chủ quyền nước khác, đa số câu trả lời của các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương là giúp ngư dân “có lãi’ sau mỗi chuyến đi biển. Từ thực tế đó, nhiều tỉnh, thành đã cho ra đời các mô hình liên kết giữa ngư dân - chính quyền - doanh nghiệp với phương châm “tất cả cùng có lợi”…

Bài 1: Những bài học xương máu

Bài 2: Giải pháp để ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài

Tiếng nói người trong cuộc

Lý giải cho việc ngư dân Việt Nam vẫn xâm phạm chủ quyền vùng biển nước khác khi khai thác thủy sản, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Áp lực chi phí của một chuyến biển bình quân từ 100 đến 200 triệu đồng nên ngư dân bất chấp pháp luật, xâm phạm lãnh hải nước khác. Bên cạnh đó, đội tàu đánh bắt xa bờ ngày càng nhiều, thiết bị hiện đại nên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bị thu hẹp, sản lượng giảm, buộc ngư dân phải lấn sang nước khác để đánh bắt mới có lời.

Thượng tá Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Khánh Hòa thì cho rằng, do đến nay, còn một số vùng biển nước ta chưa hoàn thành việc phân định với các nước nên việc tuần tra, kiểm soát, nhắc nhở và bảo vệ ngư dân ở khu vực biển này gặp rất nhiều khó khăn. Cùng với đó, ta chưa ký quy chế phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động nghề cá với các nước, trong đó có Malaysia và Indonesia. Vì thế, khi ngư dân Việt Nam bị lực lượng chức năng phía bạn bắt giữ, ta phải tiến hành nhiều biện pháp, nhiều kênh mới giải quyết được.

zb2n_18a
Cán bộ BĐBP Phú Yên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân. Ảnh: Trúc Hà

Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) Bùi Thanh Ninh thì cho rằng, cần chú ý làm tốt công tác tuyên truyền với đội ngũ lái tàu, thuyền trưởng, máy trưởng, bởi đây là những người giữ vai trò “Tư lệnh” của toàn tàu khi quyết định sẽ đánh bắt ngư trường nào. Không chỉ vậy, các cấp chính quyền cũng nên có những hình thức động viên, khen thưởng kịp thời những ngư dân, tổ đội đánh bắt thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước; lồng ghép các chính sách hỗ trợ đóng mới tàu thuyền cũng như thu mua sản phẩm đánh bắt cho ngư dân với giá ưu đãi để động viên ngư dân.

Cho rằng mức phạt của một trường hợp vi phạm khi đánh bắt trái phép trên vùng biển nước khác từ 50 đến 70 triệu đồng là quá thấp, không đủ sức răn đe, ông Từ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc đề xuất, cùng với tuyên truyền, vận động, nên có chế tài xử phạt tàu cá vi phạm nặng hơn, có biện pháp ngăn chặn tàu cá bị xử phạt, sau đó tìm cách sang tên đổi chủ. Có vậy mới góp phần ngăn chặn, giảm bớt sự liều lĩnh của một số ngư dân sẵn sàng xâm phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt.

Gắn lợi ích kinh tế với trách nhiệm

Thực tế, bên cạnh việc tuyên truyền thì nhiều mô hình thu hút ngư dân tham gia, đoàn kết làm ăn trên biển đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng tuân theo pháp luật quốc tế đã ra đời. Phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà là một trong hai địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất của thành phố Đà Nẵng. Hiện, toàn phường có 360 tàu các loại, riêng tàu công suất từ 400CV trở lên là 170 chiếc, chiếm ¼ số lượng tàu thuyền cùng công suất của thành phố. Điều đáng nói là, nhiều năm qua, đội tàu thuyền đánh bắt xa bờ của phường Nại Hiên Đông nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung chưa hề có tàu thuyền nào bị bắt vì đánh bắt trái phép trên vùng biển nước khác.

Ông Mai Văn Đãi, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường Nại Hiên Đông cho biết: Mô hình “3 trong 1” ở phường Nại Hiên Đông (nghĩa là ngư dân là đoàn viên Nghiệp đoàn nghề cá, đồng thời là thành viên của Trung đội Dân quân biển hoạt động tập trung khi tham gia đánh bắt xa bờ) đã góp phần đưa đến việc ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài. Là đoàn viên của Nghiệp đoàn nghề cá, họ có trách nhiệm cao hơn với nghiệp đoàn, tổ đội đánh bắt của mình; là thành viên của Trung đội Dân quân biển thì phải giữ ý thức trách nhiệm về thực hiện các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật.

Thực tế, sau gần 3 năm ra đời, Trung đội Dân quân biển hoạt động tập trung tại phường Nại Hiên Đông đã đóng góp rất lớn và trở thành hạt nhân, nòng cốt làm lan tỏa ý thức trách nhiệm trước pháp luật đến đông đảo ngư dân trên địa bàn. Chính trong những chuyến biển xa bờ, ngư dân, nghiệp đoàn viên và thành viên của Trung đội Dân quân biển luôn sát cách bên nhau, khuyên nhủ nhau không vi phạm vùng biển các nước khác.

jqd4_18b
Nhờ có sự liên kết hỗ trợ từ doanh nghiệp, chính quyền, ngư dân Đà Nẵng vẫn “sống khỏe” từ biển. Ảnh: Đình Tăng

Nếu mô hình “3 trong 1” ở thành phố  Đà Nẵng là sự gắn kết giữa chính quyền với ngư dân, thì mô hình chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương sọc dưa và cá ngừ đại dương vây vàng mắt to lại có sự tham gia của cả các doanh nghiệp theo phương châm “các bên cùng có lợi”. Để đáp ứng các yêu cầu của đối tác Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ (trong đó có yêu cầu không tiêu thụ sản phẩm đánh bắt trái phép trên vùng biển nước khác), Đề án chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương được Chi cục Thủy sản Khánh Hòa phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai. Đến nay, đã có gần 90 chủ tàu cá trên địa bàn tỉnh tham gia. Các chủ tàu phải cam kết với doanh nghiệp không đánh bắt vi phạm lãnh hải nước khác. Cá ngừ đảm bảo yêu cầu trên sẽ được thu mua với giá cao hơn giá chung của thị trường.

Rõ ràng, nhân rộng mô hình chuỗi đánh bắt, thu mua và tiêu thụ cá ngừ đại dương như ở Khánh Hòa hay mô hình “3 trong 1” của Đà Nẵng là những mô hình thiết thực, gắn lợi ích kinh tế với trách nhiệm của ngư dân đang góp phần đáng kể, vừa cải thiện đời sống, mức thu nhập cho ngư dân, đồng thời giúp ngư dân không vi phạm lãnh hải nước ngoài khi tham gia đánh bắt xa bờ. Vấn đề còn lại là phải huy động sự vào cuộc, đồng hành của các doanh nghiệp và ý thức trách nhiệm tự giác của ngư dân.

Trúc Hà - Đình Tăng

Bình luận

ZALO