Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 09:29 GMT+7

Dốc sức cùng ngư dân vươn khơi

Biên phòng - Các tỉnh, thành duyên hải miền Trung (từ Đà Nẵng trở vào đến Khánh Hòa) là địa bàn có đội tàu đánh bắt xa bờ đông nhất của cả nước. Những năm trở lại đây, tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt, khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài gia tăng, gióng lên tiếng chuông cảnh báo. Và phía sau câu chuyện về những chiếc tàu cá “liều mình” là bài toán khó giải, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, đoàn thể và cả các doanh nghiệp liên quan đến biển cũng như ngư dân sống vì biển...

Bài 1: Những bài học xương máu

Nỗ lực từ địa phương

Trong thực tế, chính quyền địa phương các tỉnh ven biển, đặc biệt là các tỉnh có tàu thuyền xâm phạm chủ quyền vùng biển nước khác đánh bắt hải sản phải thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân, không vi phạm. Đặc biệt, kể từ khi triển khai Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, các địa phương ven biển bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hướng mạnh về cơ sở, đã tạo được những chuyển biến quan trọng.

Từ năm 2013 đến nay, các địa phương đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo cụ thể, giao BĐBP các tỉnh, thành chủ công, phối hợp với các ban, ngành và chính quyền cơ sở bám sát các đối tượng có liên quan để tuyên truyền, giáo dục.

5a40af7cf9ff19e633002332
Ông Huỳnh Hằng kể việc con trai bị lực lượng chức năng Philippines bắt hồi tháng 5-2016. Ảnh: Trúc Hà

Ngày 2-10-2017, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Văn bản số 5380/UBND-KT về việc “Ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân Phú Yên khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài”. Đồng thời, UBND tỉnh Phú Yên cũng chỉ đạo kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản, đóng mới đối với chủ tàu cá tái phạm, tàu cá bị bắt giữ, sau đó được chuộc, thả hoặc trốn về nước; tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong vòng 6 tháng; tàu cá vi phạm không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Phùng Đình Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, hằng năm, UBND tỉnh tổ chức từ 10 đến 12 lớp tập huấn và phối hợp với Cục Đăng kiểm tổ chức từ 2 đến 4 lớp về tuyên truyền pháp luật cho ngư dân, về đăng ký đăng kiểm, quản lý tàu cá, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hầu hết các chủ tàu và thuyền trưởng, máy trưởng trên địa bàn tỉnh đều bắt buộc phải tham dự.

Cũng theo ông Toàn, tại Quảng Ngãi, tàu cá và ngư dân xã Bình Châu (huyện Bình Sơn) thường vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nên thời gian qua, Trạm Kiểm soát Biên phòng cảng Sa Kỳ yêu cầu ngư dân ký cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài, không săn bắt các loại thủy sản quý hiếm. Tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm 2017 đến nay, có 5 vụ tàu cá vi phạm bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ.

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, liên tục từ năm 2013 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh và BĐBP Khánh Hòa đã tăng cường phối hợp với chính quyền và ngành chức năng có liên quan tại các địa bàn ven biển đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân.

Bên cạnh đó, Khánh Hòa cũng đang triển khai thí điểm 2 mô hình đánh và thu mua sản phẩm cá ngừ đại dương sọc dưa và cá ngừ đại dương mắt to với tiêu chí đặt ra: Sản phẩm đánh bắt không vi phạm ngư trường nước ngoài (nếu vi phạm sẽ không thu mua và truy xuất nguồn gốc). Các doanh nghiệp tham gia chuỗi tiêu thụ cam kết thu mua cao hơn giá thị trường, nên ngày càng có nhiều phương tiện đăng ký tham gia.

Đáng mừng là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, liên tục nhiều năm nay đều không có tình trạng ngư dân xâm phạm vùng biển nước khác để đánh bắt thủy hải sản. Nguyên nhân là do chính quyền 2 địa phương đã làm rất tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân; đồng thời, buộc họ phải cam kết không xâm phạm chủ quyền nước khác qua mỗi chuyến biển, gắn với hỗ trợ và ban hành các chính sách khuyến khích phát triển thủy sản, để ngư dân hưởng lợi, như: Ưu đãi vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67; kêu gọi doanh nghiệp đồng hành với chính quyền thu mua hải sản của ngư dân đánh bắt có nguồn gốc an toàn, không vi phạm với giá cao...

Tiếng chuông cảnh báo

Chúng tôi tìm đến gia đình ông Huỳnh Hằng (xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Ông Huỳnh Hằng có con trai là Huỳnh Quốc Công, bị nhà chức trách Philippines bắt hồi tháng 5-2016 do quá trình đánh bắt đã xâm phạm lãnh hải của nước này. Theo lời ông Hằng, vào thời điểm đó, con trai ông được chủ tàu giao làm Thuyền trưởng cùng với 5 ngư dân khác đánh bắt cá ngừ đại dương. Khi vừa ra khơi đã gặp bão trên Biển Đông nên anh Công cho tàu chạy hướng về đảo Luzon của Philippines để tránh bão. Trong thời gian tránh bão, anh Công cùng các thuyền viên đi cùng tranh thủ đánh bắt ngay tại vùng biển của Philippines, dù biết đây thuộc chủ quyền của nước khác. Khi đang đánh bắt, tàu của anh Công bị lực lượng của Philippines bắt giữ.

Tương tự câu chuyện của con ông Huỳnh Hằng, tại tỉnh Phú Yên, có tàu cá mang số hiệu PY 09541TS do anh Phạm Hồng Đại (trú tại khu phố 2, phường 6, thành phố Tuy Hòa) làm Thuyền trưởng cũng đã bị lực lượng chức năng của Bru-nây bắt giữ khi xâm phạm vùng biển, bị xét xử, phạt tù. Trong quá trình đánh bắt, tàu PY 09541TS cùng 2 tàu khác phát hiện có luồng cá ngừ đại dương tại khu vực biển giáp ranh với Brunei nên cả 3 tàu đã cho tàu chạy sang vùng biển Brunei để đánh bắt và bị cơ quan chức năng của Brunei phát hiện, bắt giữ. Đến nay, những hệ lụy việc Thuyền trưởng Đại để lại sau việc xâm phạm chủ quyền nước khác vẫn còn dai dẳng.

Thực tế, nhiều năm trở lại đây, lực lượng chức năng các nước đang tăng cường tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng bắt giữ, thậm chí bỏ tù và tiêu hủy phương tiện phạm tội, cá biệt đã có trường hợp bị bắn chết như ở Phú Yên mới đây nên nhiều gia đình ngư dân trắng tay, lao đao. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Thủy (trú tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên).

Vào ngày 12-4-2017, tàu cá của gia đình chị mang số hiệu PY 95003TS do chồng chị là Nguyễn Văn Tý làm thuyền trưởng khi đang hoạt động ở vị trí 7,15 độ vĩ Bắc-109,59 độ kinh Đông thì bị tàu của Cảnh sát Biển Indonesia cập mạn dắt đi. Chồng chị và các thuyền viên bị giam giữ. Riêng tàu cá PY 95003TS bị lực lượng chức năng của Indonesia dùng thuốc nổ phá hủy hoàn toàn. Từ ngày chồng bị bắt, chị ở nhà lo cho 3 con nhỏ trong khi không có nghề nghiệp ổn định. Rồi hằng tháng, chị phải  vay mượn để gửi tiền sang Indonesia cho chồng ăn uống, nên cuộc sống vô cùng khó khăn.

Bài 2: Giải pháp để ngư dân không vi phạm vùng biển nước ngoài

Trúc Hà - Đình Tăng

Bình luận

ZALO